Tìm chỗ đứng cho công nghiệp văn hóa

Cách đây 6 năm, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa là gì và đâu là chỗ đứng của nó trong phát triển kinh tế-xã hội hiện vẫn là câu hỏi còn khá lạ lẫm với nhiều người.

Theo Quyết định số 1755, công nghiệp văn hóa được xác định là các ngành sáng tạo, sản xuất, dịch vụ và trải nghiệm, bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Mục tiêu chung của Chiến lược là phát triển các lĩnh vực này thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân trong nước và xuất khẩu. Điều này còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.

Du lịch văn hóa là thế mạnh của tỉnh Gia Lai trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lam Nguyên

Du lịch văn hóa là thế mạnh của tỉnh Gia Lai trong phát triển ngành công nghiệp văn hóa (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Lam Nguyên

Tiếp đó, ngày 24-11-2021, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa một lần nữa được đề cập trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là ngành công nghiệp này phải đạt được tỷ lệ 7% trong GDP quốc gia.

Công nghiệp văn hóa là ngành không quá xa lạ với các cường quốc trên thế giới. Với chiến lược phát triển bài bản từ hàng chục năm trước, các quốc gia này đã khẳng định được chỗ đứng của những giá trị văn hóa dân tộc, biến chúng thành biểu tượng bền vững, không chỉ tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của người dân trong nước mà còn trở thành “mặt hàng” xuất khẩu. Đơn cử, Hoa Kỳ đứng đầu với việc xuất siêu phim ảnh, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử; Nhật Bản nổi tiếng với manga, anime và sushi cùng khẩu hiệu “Cool Japan”; Hàn Quốc biến K-pop, kim chi thành biểu tượng văn hóa toàn cầu. Hay với nỗ lực không ngừng nghỉ, Thái Lan đã quảng bá thành công ẩm thực Thái trong nền ẩm thực vô cùng đa dạng của thế giới. Từ đó, các nước này có điều kiện khai thác triệt để tiềm năng kinh tế của văn hóa.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Quý Phương-nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu báo chí và truyền thông (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), 10 năm qua, Việt Nam hoàn toàn không có tên trong Báo cáo toàn cầu về công nghiệp sáng tạo của UNESCO. Có thể thấy rằng ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ dù sở hữu những giá trị văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc.

Tại Gia Lai, những năm qua, công nghiệp văn hóa cũng là khái niệm khá mới mẻ, ít được đề cập. Đối chiếu với cơ cấu ngành công nghiệp trên, có thể nhận rõ thế mạnh lớn nhất của Gia Lai hiện nay chính là du lịch văn hóa. Nhìn rộng ra, đây cũng là ngành đóng góp lớn vào GDP quốc gia. Từ sự hội tụ của 44 trong tổng số 54 dân tộc anh em trong cả nước với sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn về văn hóa, Gia Lai đang có lợi thế rất lớn ở lĩnh vực này. Nhiều đặc sắc đang được tận dụng, quảng bá để phát triển du lịch văn hóa như: phở khô (đã được vinh danh là giá trị ẩm thực châu Á); kiến trúc bản địa (nhà rông, nhà sàn); các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ (đan lát, dệt); đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tuy nhiên, để những ưu thế trên trở thành biểu tượng bền vững của ngành công nghiệp đang được gửi gắm rất nhiều kỳ vọng, thậm chí có thể “xuất khẩu” thì cần sự nỗ lực nhiều hơn. Đây cũng là băn khoăn mà nhiều chuyên gia nêu ra trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam nói chung. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội từng chia sẻ: “Cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ Nhà nước. Đầu tiên là tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững đất nước”. Theo ông Bùi Hoài Sơn, bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học; tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo; tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, ẩm thực để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu vững chắc...

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: hoàn thiện cơ chế, chính sách; kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; thu hút và hỗ trợ đầu tư; phát triển thị trường; mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế… nhằm đưa công nghiệp văn hóa phát triển.

Khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế chính là “sứ mệnh” của ngành công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh tuyên truyền để toàn xã hội nhận thức đúng, hành động cụ thể, phù hợp, phát huy mạnh mẽ ngành công nghiệp này góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế của đất nước.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202204/tim-cho-dung-cho-cong-nghiep-van-hoa-5773018/