Tìm 'cội' dân gian trong nghệ thuật chèo

Chẳng biết từ bao giờ, những sân khấu chèo do các câu lạc bộ chèo không chuyên tổ chức mặc định được gọi là chèo dân gian. Trong khi đó, lối diễn rõ ràng có sự tiếp thu sâu sắc từ các sân khấu chèo chuyên nghiệp. Như vậy cách gọi chèo dân gian chưa thỏa đáng trong thời điểm hiện tại bởi chất dân gian từ lâu đã chẳng còn. Tìm lại chất dân gian trong chèo hẳn sẽ là hành trình không đơn giản.

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: thôn Đoài hát tối nay

Tứ thơ của Nguyễn Bính trong bài Mưa xuân gợi lại hình ảnh những người dân chốn thôn quê Bắc bộ háo hức chờ đến đêm xem hát chèo. Bây giờ, thật khó để trông thấy hình ảnh như vậy.

Hoài niệm một thời quá vãng

Đôi khi, trong một số hội làng có mời các đoàn chèo chuyên nghiệp về biểu diễn. Nhưng thay vì háo hức trước những vở chèo sẽ được diễn thì dường như mọi người chỉ tò mò nghệ sĩ chuyên nghiệp về hát làn điệu gì, trang phục, hóa trang có đẹp không? Hay có khi là khách mời, đại biểu về dự đêm văn nghệ là những ai... Tại sao lại như vậy? Tại vì hiện nay thật dễ dàng để xem các vở diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp ấy trên mạng. Liệu có phải rằng thuở trước, khi mạng xã hội chưa xuất hiện, cũng chưa có nhiều loại hình giải trí tân thời, các đêm hát chèo trở thành một sinh hoạt văn nghệ nhận được sự quan tâm nồng nhiệt từ đông đảo bà con miền Bắc, đặc biệt là với những người nông dân?

Chưa nói đến việc có nhiều hay ít loại hình giải trí làm phân tán sự tập trung của khán giả, để có được sức sống mạnh mẽ, bản thân chèo phải tiềm tàng một sức hấp dẫn nội sinh. Sức hấp dẫn đó trước tiên đến từ đề tài trong các vở diễn rất đỗi dung dị, gần gũi, xoay quanh đời sống của người dân Bắc bộ, như ước vọng ở hiền gặp lành, chuyện kiện tụng, tranh cãi…

Nét độc đáo của chèo so với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác còn đến từ khả năng kết nối người xem rất đặc biệt, khiến mỗi người khi thưởng chèo phải vận dụng tư duy để tương tác với người diễn.

Tiết mục chèo biểu diễn tại đình So (huyện Quốc Oai, Hà Nội) trong sự kiện Tết Việt. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh

Tiết mục chèo biểu diễn tại đình So (huyện Quốc Oai, Hà Nội) trong sự kiện Tết Việt. Ảnh: Nguyễn Thị Thanh

Sân khấu chèo thường diễn ra ở sân đình, có khi là sân đền, nơi có không gian rộng. Các nghệ nhân sẽ trải chiếu để diễn. Song tấm chiếu dường như chỉ là vị trí đứng của nghệ nhân, còn ngoài mặt chiếu, chỗ của khán giả cũng có thể coi là sân khấu. Trong nghệ thuật chèo, làm cho mỗi vở chèo sống động không chỉ là diễn viên mà còn là chính người xem.

Ai từng xem vở chèo Quan âm Thị Kính hẳn sẽ để ý phân đoạn Thị Mầu lên chùa. “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ”, Thị Mầu nói với mọi người. Vẳng lại từ xa có một tiếng nói đế vào: “Không xưng danh thì ai biết là ai”. Tiếng nói đế ấy là một thành tố quan trọng làm nên nghệ thuật chèo, thường được cất lên từ vị trí người xem.

Cũng trong vở này, khi Thị Mầu để lộ sự lẳng lơ trước vẻ đẹp của chú tiểu, người xem lại mắng: “Dơ lắm Mầu ạ”. “Kệ tao”, cô Mầu đáp lại. Tiếng nói đế từ đâu đó ngoài tấm chiếu kia vẳng lại, chen vào vở diễn tạo ra thử thách đòi hỏi sự xử trí tài tình của người diễn. Không chỉ người diễn mang đến niềm vui, sự háo hức cho người xem mà chính người xem cũng mang lại cảm hứng diễn xuất cho người đứng trên sân khấu. Cả người diễn và người xem như chơi với nhau một cuộc chơi đầy trí tuệ, tài tình.

Nghệ thuật chèo dân gian còn hấp dẫn bởi cùng một vở diễn, nhưng mỗi đêm diễn lại có những nét khác biệt. Người xem tò mò, không biết nhân vật mình xem trước đó đêm nay sẽ thể hiện ra sao? Các nghệ nhân thường nắm chắc vở chèo, tính cách cơ bản của nhân vật. Trong mỗi buổi diễn khác nhau, họ sẽ ứng tác cho thêm đặc sắc, có thể hát, ngân nga dài ra, ngắn đi tùy cảm hứng. Việc xử lý trước những lời nói đế cũng đòi hỏi kỹ năng. Ngoài ra, để bắt nhịp được với người diễn, nhạc công cũng phải khéo léo đánh nhạc theo được tiếng hát của bạn diễn.

Hiện nay, phần nhiều các vở chèo không còn sự tương tác giữa người diễn và người xem. Vở Quan âm Thị Kính là vở diễn hiếm hoi kế thừa và mô phỏng được điều này thông qua phân cảnh Thị Mầu lên chùa. Thế nhưng, tiếng nói đế ấy giờ đã được chuyển giao cho các phụ diễn mà không còn thuộc về khán giả. Người đến xem chèo chỉ thưởng thức nghệ thuật một cách thụ động như thưởng thức một vở nhạc kịch.

Có đánh mất chất dân gian trong chèo?

Những năm 1999 - 2000, trong chuyến thăm Việt Nam, một nhà sân khấu học người Mỹ được nhà nghiên cứu múa rối nước Nguyễn Huy Hồng gợi ý tới gặp GS. Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc. Bà đặt câu hỏi: “Tôi đã đến nhà hát chèo, xem nhiều đoàn chèo biểu diễn, nhưng trong tôi có một hoài nghi, đấy không phải sân khấu cổ”. “Quả như bà nói, hiện chúng tôi chỉ còn diễn chèo theo phương pháp Stanislavski, sân khấu một mặt. Không còn diễn được chèo thuở sân khấu trải chiếu, nên bà đi tìm là vô vọng”, GS. Đặng Hoành Loan đáp lại.

Thực ra, chèo dân gian đã phai nhạt từ sớm hơn thế, cách thời điểm cuộc trò chuyện của hai nhà nghiên cứu gần 50 năm. Chèo dân gian thường gắn với sân đình. Phải chăng do trong một thời gian dài, đình không được sử dụng nên những sinh hoạt văn hóa gắn với không gian này cũng bị mai một? Chỉ biết nửa sau thế kỷ XX, chèo và không ít loại hình nghệ thuật khác được tổ chức một cách chuyên nghiệp nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền.

Đúng như GS. Đặng Hoành Loan chia sẻ, nhiều sân khấu Việt Nam đã tiếp thu phương pháp Stanislavski để ứng dụng vào xây dựng kịch bản các vở chèo mới. Điều này giúp nghệ thuật chèo tiệm cận sự phát triển của sân khấu thế giới. Nhiều đoàn chèo chuyên nghiệp đã thực hành theo phương pháp đó.

Về sau, khi có điều kiện hoạt động trở lại, nhiều “chiếu chèo” ở các địa phương cũng học theo lối diễn xuất quy chuẩn giống như các nhà hát chèo. Nhiều địa phương cũng diễn chèo ở sân đình hay trải chiếu lên sân khấu, cố gắng mô phỏng chèo dân gian nhưng chất dân gian, sự ứng tác, ngẫu hứng đã không còn.

Cơ hội tìm lại chèo dân gian

Mất rồi, vậy mà vẫn tồn tại đâu đó trong lầm tưởng của không ít người, rằng những vở chèo kinh điển như Quan âm Thị Kính, Lưu Bình - Dương Lễ, Tấm Cám… đều được xem là chèo cổ. Hay những vở chèo, những trích đoạn được biểu diễn bởi những nghệ nhân dân gian, tại các không gian gắn với thôn làng cũng được xem là chèo dân gian. Các vở chèo được dàn dựng lại từ những vở chèo cổ hoặc lấy tích truyện mang bối cảnh xã hội phong kiến mặc nhiên được gắn cho danh xưng chèo cổ hay chèo dân gian.

Một buổi luyện tập chèo của học sinh Trường Tiểu học Phong Châu cùng các nghệ nhân làng Khuốc (huyện Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: Khánh Long

Một buổi luyện tập chèo của học sinh Trường Tiểu học Phong Châu cùng các nghệ nhân làng Khuốc (huyện Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: Khánh Long

Không thể tư duy cứ trải chiếu ra sân đình, rồi mặc áo tứ thân, ngũ thân lên biểu diễn là thành chèo dân gian, mà cốt ở phương pháp diễn xuất của nghệ nhân. Có nghĩa, ngay cả ở những đô thị hiện đại vẫn có thể biểu diễn chèo dân gian mà không nhất thiết phải là sân đình.

Hiện nay, các nghệ nhân có thể trình diễn chèo dân gian không nhiều. Nên thật khó để công chúng hình dung cụ thể, sinh động về loại hình từng xuất hiện trong quá khứ này. Nhưng khó không có nghĩa là không có cơ hội. Bởi theo GS. Đặng Hoành Loan, Viện Âm nhạc vẫn còn lưu giữ tư liệu diễn xướng chèo dân gian. Điều đáng quan ngại hơn là vấn đề “con người biết thưởng thức nghệ thuật”. Liệu rằng khi chèo dân gian phục dựng lại thì có được đón nhận, bởi một phần không nhỏ những người nghe chèo thường xuyên còn chưa biết thế nào là chèo dân gian!

Một viễn cảnh không mấy sáng sủa.

Mặc dù vậy, đâu đó vẫn có những tia sáng lấp ló. Nhìn vào số lượng các câu lạc bộ, các hội nhóm yêu hát chèo ra đời từ không gian thực cho tới không gian ảo, có thể thấy dù người ta không còn háo hức trước những đêm diễn chèo như trong thơ Nguyễn Bính, nhưng tình yêu dành cho chèo vẫn còn âm ỉ.

Như vậy, việc chèo dân gian quay trở lại vừa là tái thiết, vừa là bổ sung vào kho tàng phong phú của nghệ thuật chèo. Đồng thời, người xem sẽ có thêm lựa chọn khi thưởng thức loại hình nghệ thuật này.

Tìm lại chất dân gian trong chèo là vươn tới sâu hơn gốc rễ của loại hình nghệ thuật này. Trong bối cảnh nghệ thuật chèo đang hướng tới mục tiêu được UNESCO ghi tên vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc tìm lại chèo dân gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó giúp khẳng định thêm giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của di sản văn hóa được hình thành lâu đời này.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tim-coi-dan-gian-trong-nghe-thuat-cheo-43926.html