Hồi sinh múa cổ Thăng Long - Hà Nội: Chung tay sưu tầm và lan tỏa

Nghệ thuật múa cổ là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá trên đất Thăng Long - Hà Nội. Dù vẫn được các nghệ nhân gìn giữ, duy trì, nhưng vốn quý ấy đang có nguy cơ mai một.

Mong muốn của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội là chung tay sưu tầm, phát triển để nghệ thuật múa cổ Thăng Long - Hà Nội được hồi sinh và tỏa sáng trong đời sống hôm nay.

Múa trống bồng tại làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) - một trong những điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội còn được duy trì. Ảnh: Khánh Huy

Múa trống bồng tại làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) - một trong những điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội còn được duy trì. Ảnh: Khánh Huy

Tiếp nối thành quả hơn 20 năm qua

Nếu ai đã đến lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) vào dịp đầu xuân hằng năm thì sẽ chứng kiến cảnh người dân và du khách đứng chật kín đường làng, vô cùng thích thú với phần biểu diễn múa trống bồng - hay còn gọi là con đĩ đánh bồng. Ở đó, các nam nhân thường giả gái, trang điểm mặt hoa da phấn, tóc vấn đuôi gà hoặc buộc khăn mỏ quạ, đeo yếm đào, mặc áo tứ thân, thắt bao hồng, xanh và múa trống.

Hay đến với làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên) vào dịp lễ hội làng này (diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng Ba âm lịch) sẽ được thưởng thức màn múa giảo long trước sân đình…

Tuy vậy, trên đây chỉ là những địa phương hiếm hoi còn duy trì được điệu múa cổ truyền thống của đất Thăng Long - Hà Nội. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho biết, Hội đã có ý tưởng sưu tầm các điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội từ năm 2000, song phải đến năm 2005, các nghệ sĩ mới triển khai Đề án "Khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội".

“Thời gian đầu kinh phí hạn hẹp, các nghệ sĩ tham gia đề án đều cao tuổi, nhưng họ không quản ngại khó khăn, vất vả kiên trì hàng chục năm để gìn giữ di sản múa cổ”, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích chia sẻ.

Các nghệ sĩ đã phát hiện, nghiên cứu, sưu tầm được hơn 50 điệu múa cổ và phục dựng, ghi hình được 8 điệu. Đó là múa lễ hội làng Phù Đổng, múa lễ chữ ở làng Chử Xá (huyện Gia Lâm); múa giảo long ở làng Lệ Mật, múa rắn lột ở làng Trường Lâm, múa lục cúng ở chùa Đào Xuyên (quận Long Biên); múa bài bông ở làng Phú Nhiêu (huyện Phú Xuyên); múa trống bồng ở làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì); múa giải oan cắt kết ở chùa Quang Minh (quận Đống Đa). Cùng với sưu tầm và phục dựng múa cổ, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội còn tổ chức 4 liên hoan múa cổ truyền vào các năm (2007, 2008, 2009 và 2013). Từ năm 2015 đến 2020, Hội đã tổ chức 2 đợt trình diễn 8 điệu múa cổ truyền, mỗi đợt có sự tham gia của hơn 800 nghệ nhân…

Tỏa sáng trong đời sống đương đại

Thực tế, việc sưu tầm, gìn giữ múa cổ Thăng Long - Hà Nội trong đời sống hôm nay gặp không ít thách thức. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hoa (Tạp chí Nhịp điệu) cho biết, các nghệ nhân dân gian còn nhớ và biết về những điệu múa cổ đa số đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm” và nhiều người ra đi mà không có thế hệ kế tục. Các nhà nghiên cứu sưu tầm múa cổ của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cũng đều cao tuổi. Quá trình đô thị hóa cũng tạo áp lực mới cho công tác bảo tồn và phát triển di sản này…

Múa giảo long tại lễ hội truyền thống làng Lệ Mật (quận Long Biên) năm 2024. Ảnh: Trường Giang

Múa giảo long tại lễ hội truyền thống làng Lệ Mật (quận Long Biên) năm 2024. Ảnh: Trường Giang

Trước yêu cầu của việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội xây dựng Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” nhằm “hồi sinh” và đưa múa cổ Thăng Long tỏa sáng. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội cho biết, mục tiêu của đề án là xây dựng kế hoạch lưu giữ, truyền dạy và trình diễn các điệu múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của nghệ thuật múa cổ truyền đất kinh kỳ cho nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

Theo đó, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội sẽ nghiên cứu sưu tầm, lập kế hoạch, bản đồ thống kê toàn bộ di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội; tập trung công tác truyền dạy, tập luyện và biểu diễn các điệu múa cổ ở nhiều không gian khác nhau. Ngoài ra, Hội sẽ liên kết với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng Đề án “Giáo dục nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội trong học đường”; liên kết với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam thực hiện Đề án “Di sản múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội - một sản phẩm độc đáo của du lịch văn hóa”…

Theo Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh, việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa cổ Hà Nội hiện nay không nên chỉ dừng ở các nghệ nhân, nhà nghiên cứu mà có thể kết hợp với các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp để tạo bước đột phá hơn, đóng góp cho phát triển công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng chất liệu múa cổ truyền vào sáng tác mới cần thận trọng, bảo đảm phù hợp, hài hòa, không bị biến tướng.

Tiến sĩ Đặng Chí Thông, nhà nghiên cứu về múa cổ góp ý, các cấp, ngành thành phố và hội nghề nghiệp cần tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu nghệ thuật múa truyền thống với các địa phương và các quốc gia khác để múa cổ Thăng Long - Hà Nội mở rộng, lan tỏa và có thêm động lực phát triển…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoi-sinh-mua-co-thang-long-ha-noi-chung-tay-suu-tam-va-lan-toa-670009.html