'Hậu trường' buổi hòa nhạc được Chủ tịch nước và Tổng thống Nga khen ngợi

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nga đã thành công trên nhiều phương diện. Trong chưa đầy 24 tiếng, Tổng thống Putin có nhiều hoạt động, trong đó phải kể đến một hoạt động ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân đầy ý nghĩa.

XEM VIDEO: Màn trình diễn bài "Cánh đồng Nga" do NSƯT Bùi Lệ Chi và giọng tenor Nguyễn Trường Linh trình diễn

Tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 20/6, trước khi kết thúc chuyến thăm, Tổng thống Putin cùng Chủ tịch nước Tô Lâm có những hoạt động ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân đầy ý nghĩa.

Sau cuộc gặp gỡ thân mật với Hội hữu nghị Việt - Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam từng học tại Nga, hai nguyên thủ đã cùng thưởng thức chương trình nghệ thuật mang đậm dấu ấn Việt - Nga.

Tại đây, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ, đây là cuộc gặp gỡ nồng ấm, tin cậy của những người bạn gần gũi, với tình cảm chân thành, “từ trái tim đến trái tim”.

Buổi hòa nhạc thành công với sự cống hiến của hơn 80 nghệ sĩ và những người tâm huyết phía sau cánh gà.

Buổi hòa nhạc thành công với sự cống hiến của hơn 80 nghệ sĩ và những người tâm huyết phía sau cánh gà.

Chương trình hòa nhạc chào mừng chuyến thăm của Tổng thống Nga do Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội biểu diễn cùng các nghệ sỹ nổi tiếng.

BUỔI HÒA NHẠC TRỌN VẸN

Âm nhạc là con đường ngắn nhất “từ trái tim đến trái tim”, là nhịp cầu kết nối các dân tộc. Những năm gần đây, trong các hoạt động đối ngoại, biểu diễn âm nhạc trong khuôn khổ các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao không phải là mới.

Tối 20/6, các nghệ sĩ đã kết hợp một cách tinh tế giữa âm nhạc hàn lâm và nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. Sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ đã tạo ra không khí của một “bữa tiệc âm nhạc” tưng bừng và sâu lắng xuyên suốt từ đầu đến cuối chương trình.

NSND Bùi Công Duy, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật và solist, cho biết cùng với dàn nhạc giao hưởng, đàn t'rưng và đàn bầu là hai nhạc cụ tiêu biểu của Việt Nam cũng tham gia biểu diễn.

9 tác phẩm được trình diễn gồm: Overture "Ruslan and Lyudmila", Ave Maria, Melodie, Vũ khúc Tây Nguyên, Cánh đồng Nga, Niềm hy vọng, Bài hát về Tổ quốc xa xôi, Người Hà Nội, Festive Overture. Đây là những tác phẩm kinh điển của Tchaikovsky, Shostakovich, Glinka, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Đạm…

Sau buổi biểu diễn, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin chụp ảnh cùng NSND Bùi Công Duy, ông Trần Hải Đăng, nhạc trưởng Trần Nhật Minh.

Sau buổi biểu diễn, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin chụp ảnh cùng NSND Bùi Công Duy, ông Trần Hải Đăng, nhạc trưởng Trần Nhật Minh.

Với tiếng đàn đẹp đẽ và điêu luyện của NSND Bùi Công Duy, tiếng đàn bầu truyền cảm của NSƯT Bùi Lệ Chi cùng âm thanh độc đáo của đàn t'rưng của NSND Nguyễn Thị Hoa Đăng dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Trần Nhật Minh... chương trình đã gây bất ngờ thú vị cho khán giả.

Nói về các tác phẩm được trình diễn, Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Trần Hải Đăng, biên tập chương trình chia sẻ, mỗi tác phẩm và tổng thể chương trình đều mang ý nghĩa sâu sắc, “không phải ngẫu nhiên mà lựa chọn”.

“Cánh đồng Nga” vang lên giữa không gian Nhà hát Lớn qua tiếng đàn bầu trầm lắng, du dương và giọng tenor Nguyễn Trường Linh làm toát lên vẻ đẹp bất tận của những cánh đồng nước Nga thanh bình.

Bài hát “Niềm hy vọng” do Đào Tố Loan và Nguyễn Trường Linh biểu diễn tràn đầy lạc quan, với hình tượng “ngôi sao không tên đang chiếu sáng” vượt mọi khó khăn ở phía trước.

“Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi được coi như bản trường ca về Hà Nội mà mỗi khi vang lên thì không khí của một Hà Nội hào hoa, hào hùng lại được tái hiện.

Ông Trần Hải Đăng nhấn mạnh, các tác giả với tác phẩm được chọn đều là những nhạc sĩ thiên tài của Nga. Những tác phẩm này đã ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ người Việt gắn bó với nước Nga nói chung và những người học nghệ thuật ở Nga nói riêng.

Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội luyện tập ngày đêm để chuẩn bị cho buổi trình diễn.

Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội luyện tập ngày đêm để chuẩn bị cho buổi trình diễn.

NSND Bùi Công Duy bày tỏ, được tham gia chương trình là niềm tự hào bởi bản thân anh từng sống, học tập và làm việc ở Nga suốt 15 năm. Đây là lần thứ hai anh biểu diễn trước Tổng thống Putin, lần đầu trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống hồi năm 2013.

Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã được đào tạo tại Nga. Hơn 80 nghệ sĩ tham gia trình diễn đều có một chút gì đó liên quan đến nước Nga. Tất cả như được quay trở về nói thứ ngôn ngữ chung thông qua âm nhạc.

“Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin là những người rất trân trọng nghệ thuật và yêu âm nhạc. Nhạc viện Tchaikovsky - nơi tôi từng học tập đã vinh dự được nhiều lần đón Tổng thống Nga đến thưởng thức các chương trình hòa nhạc. Ông đến xem như một khán giả bình thường”, nghệ sĩ Bùi Công Duy chia sẻ.

Ngay cả khán giả cũng là những người đặc biệt, khán phòng Nhà hát Lớn chật kín ghế với gần 400 khách mời là những người có nhiều gắn bó, yêu mến đất nước, con người và văn hóa Nga, am hiểu về âm nhạc Nga.

“Mỗi màn trình diễn thành công đều là tâm huyết của đội ngũ không chỉ những người đứng trên sân khấu mà còn cả những người đứng sau cánh gà đóng góp thầm lặng, đặc biệt đội ngũ kỹ thuật âm thanh”, ông Trần Hải Đăng cho biết.

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin vỗ tay sau mỗi màn biểu diễn. Ảnh: Phạm Hải

Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Nga Putin vỗ tay sau mỗi màn biểu diễn. Ảnh: Phạm Hải

Nghệ sĩ Bùi Công Duy cho biết, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã đứng dậy, vỗ tay rất lâu.

“Theo như tôi được biết, Tổng thống Putin rất hài lòng và đã dành lời khen cho buổi hòa nhạc. Tổng thống chia sẻ cảm nhận được sự tâm huyết, cống hiến bằng cả trái tim của các nghệ sĩ”, nghệ sĩ Bùi Công Duy tự hào nói.

Chương trình như một lời tri ân của Việt Nam (các thế hệ cựu sinh viên) với nước Nga, như góp thêm "một hợp âm" hoàn hảo cho bản giao hưởng tình hữu nghị gắn bó giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Ảnh do NSND Bùi Công Duy cung cấp

Trần Thường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hau-truong-buoi-hoa-nhac-duoc-chu-tich-nuoc-va-tong-thong-nga-khen-ngoi-2294039.html