Tìm điểm sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những điểm sáng đáng phấn khởi.
Nếu cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp có sự nỗ lực cao thì tỉnh có thể đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2024 là 6,5-7%.
Dấu hiệu kinh tế phục hồi rõ nét
Theo đánh giá của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên, trong lúc tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, kinh tế thế giới phục hồi còn chậm thì mức tăng trưởng 5,85% của tỉnh đạt được trong 3 tháng đầu năm 2024 là khá cao. Điều này cũng thể hiện sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được tỉnh nỗ lực rất cao thực hiện trong thời gian qua đó là hoàn chỉnh công tác lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ quan lập quy hoạch tỉnh cùng với các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn đang khẩn trương tập trung rà soát, bổ sung, cập nhật, hoàn thiện nội dung, quy trình hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 4 này.
Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN, những nhiệm kỳ trước, tăng trưởng GRDP của Đồng Nai thường cao hơn 1,5 đến hơn 2 lần bình quân của cả nước, nhưng những năm trở lại đây, khoảng cách này đang dần bị thu hẹp. Do đó, phải quyết tâm khơi thông mọi nguồn lực, khơi dậy đà phát triển cho tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đang triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những khó khăn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư là những vướng mắc rất lớn. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu khả quan hơn nhờ phương pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, đối với Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua huyện Long Thành, tỉnh đã khởi công các khu tái định cư, đồng thời giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho huyện trực tiếp thực hiện.
Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho biết, huyện đang huy động tối đa nhân lực, tận dụng cả ngày nghỉ cuối tuần cho công tác giải phóng mặt bằng và đến cuối tháng 5 có thể cơ bản bàn giao đất cho các đơn vị thi công đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua huyện.
Thêm một động lực mới cho tỉnh trong những tháng đầu năm 2024, đó là vào đầu tháng 4 vừa qua, huyện Xuân Lộc đã chính thức được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh. Đây cũng là bước đệm quan trọng để Xuân Lộc sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Siết chặt kỷ cương, đánh giá bằng hiệu quả
Dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội đang có những khởi sắc nhưng trên thực tế vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại cần được giải quyết để Đồng Nai có được sự bứt phá, xứng tầm vị thế của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quyết liệt hơn trong thực hiện các nhiệm vụ đột phá đã được tỉnh xác định cho cả nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và nông thôn. Trước mắt, phải tập trung cao nhất cho việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh; Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đặc biệt là đoạn đi qua địa bàn thành phố Biên Hòa. Đây là những dự án trọng điểm có tính cấp bách bởi có tính liên kết vùng rất cao, nhất là phải đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khai thác vào năm 2026.
Đối với công tác lập Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần hoàn thành khẩn trương những khâu cuối cùng để sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc sớm được phê duyệt quy hoạch tỉnh chính là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai nhiều dự án hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo thêm động lực phát triển nhanh và bền vững cho tỉnh. Hiện nhiều nhà đầu tư lớn đang mong tỉnh sớm được thông qua quy hoạch để có thể đến Đồng Nai đầu tư, đón nhiều cơ hội tiềm năng khi tỉnh sắp có Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, hệ thống giao thông kết nối liên vùng, kết nối cảng biển hoàn chỉnh.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, những tồn tại trong công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản lớn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, dù tỉnh đã có nhiều chỉ đạo đi kèm với những giải pháp quyết liệt. Đồng chí Thái Bảo nêu những sự việc rất cụ thể như: còn tình trạng các sở, ngành “đổ lỗi” cho nhau khi chậm trễ giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp; hay chính các sở, ngành với nhau cũng xảy ra chậm trễ trong trả lời các văn bản xin ý kiến tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh đối với một số vấn đề…
Do đó, trong thời gian tới, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu khi chậm trễ giải quyết công việc.