Tìm đồng đội bên Thành cổ Quảng Trị

Cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, hàng ngàn cựu chiến binh khắp đất nước lại trở về Thành cổ Quảng Trị để thăm chiến trường xưa, ôn lại hồi ức thời hào hùng, thắp hương tưởng nhớ vong linh đồng đội. Trong dòng người đó có bà Phan Thị Lựu cùng một số người khác đã đến đây để tìm gặp lại những người đồng đội. Đã 50 trôi qua, bà vẫn lưu giữ kỷ niệm được gặp nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính.

Bà Lựu với tấm ảnh do nhà báo Đoàn Công Tính tặng vào năm 2008. Ảnh: Văn Chương

Bà Lựu với tấm ảnh do nhà báo Đoàn Công Tính tặng vào năm 2008. Ảnh: Văn Chương

Đầu năm 1973, tại khu vực thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tổ dân quân du kích nữ đang trong giờ canh gác. Từ bờ Bắc sông Thạch Hãn, nhìn về phía Nam là có thể thấy được đồn của các đơn vị ngụy quân Sài Gòn. Đang trong lúc canh gác thì cô du kích Phan Thị Lựu phát hiện có 2 người đang tiến về phía cầu Nhan Biều. Không rõ 2 người này là địch hay ta? Theo quy định là phải đọc mật khẩu là “hồng”, bên đối diện phải đáp là “hà”, nếu mật khẩu không khớp là nổ súng.

Chị Lựu nép người vào bụi cây để quan sát. Thấy 2 người lạ mặt vẫn tiếp tục tiến lên với vẻ khả nghi, chị Lựu xông lên và giương súng rồi hô to: Đứng lại, giơ tay lên! 2 người đàn ông đứng trước mũi súng chị Lựu đáp lại mật khẩu là “hà”. Vậy là đúng người của cách mạng. Người đàn ông vừa đáp mật khẩu có dáng người to cao, trên cổ đeo chiếc máy ảnh.

Sau khi hai bên bắt tay, anh đã giới thiệu mình là Đoàn Công Tính. Thời đó, Đoàn Công Tính là một nhà báo chiến trường rất nổi tiếng của Báo Quân đội nhân dân. Chị Lựu ngày đó là một cô gái xinh đẹp, vì vậy, nhà báo Đoàn Công Tính lập tức mời chị Lựu ra để chụp ảnh ở nhiều tư thế bồng súng đứng gác bên cạnh dòng sông.

Tháng 7/2023, tôi tìm về Nhan Biều và hỏi thăm bà Lựu, người từng là biểu tượng o du kích bên sông Thạch Hãn được nhà báo Đoàn Công Tính chụp vào đầu năm 1973 bây giờ ra sao? Người dân nơi đây nghe tôi hỏi tên bà Lựu vồn vã chỉ về ngôi nhà nằm gần cầu vượt đường ray tàu lửa, trong một con hẻm nhỏ. Bà con còn chia sẻ thêm rằng, lúc về già thì cuộc đời bà Lựu cô đơn, không có gia đình, không có con, một người cháu mới đến ở để chăm sóc lúc về già.

Trong ngôi nhà vẫn còn mùi vôi mới, bà Lựu lấy ra chiếc áo lính màu xanh, chiếc mũ tai bèo và gắn vào đó những chiếc huân chương. Nhìn màu đỏ thắm của cuống huân chương, bà lặng người và nhìn ra khung cửa, nghe tiếng gió lùa từ sông Bàu Vịt, một nhánh nhỏ đổ ra sông Thạch Hãn. Bà Lựu kể về những ngày tháng chiến tranh: “Hồi nớ, toàn là lính trẻ từ ngoài Bắc vô chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa Hè năm 1972...”.

Bà Lựu không thể nhớ hết tên của anh em bộ đội, họ đến từ nhiều tỉnh, thành như: Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng... Nhiều anh em đang học cấp 3 và xung phong vào miền Nam chiến đấu. “Nhiều người đi vô không trở về nữa. 81 ngày đêm khói lửa Thành cổ, biết bao người con ưu tú đã hy sinh anh dũng ở tuổi thanh xuân” - bà Lựu kể và giọng ngậm ngùi.

Có tiếng gió xào xạc từ bờ sông thổi qua khung cửa. Những sợi tóc trên đầu bà Lựu phất phơ màu bạc. Bà kể về trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị bắt đầu diễn ra từ ngày 28/6/1972. Lính ngụy từ phía bên kia sông Thạch Hãn liên tục được tung sang để dò la tình hình. Đơn vị thanh niên xung phong, du kích địa phương của chị Lựu năm xưa được thông báo phải cảnh giác biệt kích. Phía bờ Nam đột nhiên đổi chiến thuật, thay vì cho lính đóng giả thường dân hoặc bộ đội để sang thôn Nhan Biều thám thính, mà thả đám chó béc-giê sang sục sạo.

Lúc đó, cô du kích Phan Thị Lựu luôn đeo khẩu AK47 ở vai bên trái, vì mỗi khi thấy mục tiêu xuất hiện thì chỉ cần lắc người cho khẩu súng lăn vào bàn tay phải và nã đạn được ngay. Phản ứng lắc người, cầm súng bắn của chị nhanh tới mức anh em trong đơn vị ai cũng nể. Người nữ du kích này còn lợi hại hơn ở việc đeo 3 quả lựu đạn, nhưng có 1 quả luôn nằm ngay tầm tay để có thể chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu được nhanh nhất.

Trong những năm tháng chiến tranh, bà Lựu nhớ nhất là ngày được gặp phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính, người chụp tấm ảnh biểu tượng o du kích bên sông Thạch Hãn. Phóng viên Đoàn Công Tính đề nghị nữ du kích đứng gần bờ sông, khẩu súng lăm lăm trên tay và phần hậu cảnh là dòng sông Thạch Hãn, phía xa hơn là lá cờ của chính quyền Sài Gòn cắm trên nóc tòa thị chính.

Hình ảnh người dân địa phương không quản ngại gian lao đưa các chiến sĩ vào Thành cổ chiến đấu. Ảnh: Tư liệu

Hình ảnh người dân địa phương không quản ngại gian lao đưa các chiến sĩ vào Thành cổ chiến đấu. Ảnh: Tư liệu

Ngày 1/5/1975, tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Nữ du kích Phan Thị Lựu ra đầu đường đứng gác nhưng không gặp anh em bộ đội như những ngày trước đây. Những đoàn quân cứ mải miết hành quân về phương Nam theo các cánh quân chủ lực tiến về Sài Gòn từ nhiều hướng, trong đó có cánh quân đi theo đường Hồ Chí Minh, còn cánh quân đi dọc quốc lộ 1A thì vào tiếp quản các vùng giải phóng.

Đất nước được giải phóng, ký ức về những đoàn quân từng ở lại thôn Nhan Biều trước khi tiến vào Thành cổ Quảng Trị cứ như cuốn phim quay chậm trong đầu bà Lựu. Vậy nên cứ tới gần Ngày Thương binh - Liệt sĩ, bà Lựu và những cô gái từng đứng gác ở thôn Nhan Biều lại đến Thành cổ Quảng Trị. Những ngày này, có hàng ngàn cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về đây để thắp nén hương cho đồng đội, “anh em ở đơn vị nào, có từng qua thôn Nhan Biều vào năm nào?” - cứ gặp các cựu chiến binh là bà Lựu gặng hỏi.

Tôi gặp bà Lựu vài lần ở Thành cổ Quảng Trị và nhớ mãi ánh mắt của bà. Bà nhìn đăm đăm vào dòng người, đến hỏi han từng cựu chiến binh, gợi nhắc lại những kỷ niệm cũ. Bà nói rằng, chỉ mong gặp lại những đồng đội đã từng lưu lại ở thôn Nhan Biều trong trận Thành cổ Quảng Trị. Có những cựu chiến binh như ông Nguyễn Văn Hải, Phan Văn Hùng... ở Hải Dương, khi trở lại Thành cổ Quảng Trị thì tóc đã bạc trắng, họ nhắc lại kỷ niệm đã được các nữ du kích ở thôn Nhan Biều lo cho từng bữa cơm, động viên, chia sẻ và chúc anh em ngày toàn thắng trở về.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tim-dong-doi-ben-thanh-co-quang-tri-post464077.html