Tìm động lực để Anh Sơn vươn lên tốp đầu các huyện miền núi

Anh Sơn là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Nghệ An với xuất phát điểm rất thấp nhưng đang vươn lên, 'thay da đổi thịt' hằng ngày.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Quyền, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết, các lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn đã tham gia rất tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) địa phương và cũng chính sự phát triển KTXH đã góp phần vào việc bảo đảm an ninh, trật tự vùng biên cương.

Phát huy tốt các động lực tăng trưởng

Phóng viên (PV): Có dịp tới huyện miền núi biên giới Anh Sơn, tôi rất ấn tượng với sự phát triển của nơi này. Nhà cửa, đường sá, cầu cống, trường học, trạm y tế... đều khá khang trang. Có vẻ đời sống của người dân trên địa bàn đã phát triển hơn trước kia rất nhiều, thưa đồng chí?

 Đồng chí Hoàng Quyền.

Đồng chí Hoàng Quyền.

Đồng chí Hoàng Quyền: Thời gian qua, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện nên KTXH huyện Anh Sơn đạt được nhiều kết quả quan trọng, thu nhập và đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. 10 năm qua, huyện đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10,4%. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2,54 lần, lên 43,7 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng tăng 14,84%, lên 33,04%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm 17,91%, còn 29,99%; tỷ trọng thương mại, dịch vụ tăng 2,5%, lên 37,1%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 15,4% năm 2013 xuống còn 6,34 vào cuối năm 2022 theo tiêu chí mới. Thu ngân sách tăng 3,38 lần.

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, cơ sở hạ tầng trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đặc biệt là hệ thống giao thông, cầu cống, trường học, trạm y tế... Toàn huyện hiện có 14/20 xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu đến hết năm 2023 có 16/20 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

PV: Có được sự phát triển như hôm nay, được biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã rất chú trọng tìm ra động lực phát triển đúng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương mình?

Đồng chí Hoàng Quyền: Để có được kết quả như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã và sự chung sức, đồng lòng ủng hộ của nhân dân trên địa bàn. Trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng, cấp ủy huyện luôn đặt mục tiêu xây dựng huyện Anh Sơn khẳng định vị thế huyện tốp đầu các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

Đạt được mục tiêu đó, hằng năm, huyện đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế của địa phương. Lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm đến công tác thu hút đầu tư vào địa bàn để phát huy các lợi thế của địa phương, như: Nhà máy xi măng, nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy đường, nhà máy chè, nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF... Việc tìm ra và tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng đúng tiềm năng, thế mạnh là một trong những yếu tố quyết định để địa phương đạt được thành tựu như ngày nay.

Vùng nguyên liệu mía đường của huyện Anh Sơn.

Vùng nguyên liệu mía đường của huyện Anh Sơn.

PV: Với một huyện miền núi, biên giới, để đạt được mục tiêu huyện đặt ra như vậy chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất của huyện Anh Sơn là gì và các đồng chí đã làm thế nào để vượt qua những khó khăn ấy?

Đồng chí Hoàng Quyền: Khó khăn lớn nhất của huyện là vị trí nằm xa cực tăng trưởng của tỉnh, xuất phát điểm kinh tế thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu so với yêu cầu phát triển, trong khi nguồn lực cho đầu tư còn thấp.

Để vượt qua những khó khăn đó, những năm qua, huyện tích cực vận động, kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân để cùng chung tay xây dựng quê hương, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân bổ; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, mang tính chất tạo động lực lan tỏa cho cả vùng, cả khu vực, như: Cầu vượt sông Lam tại xã Đỉnh Sơn, cầu treo Đò Rồng, đường Tả ngạn sông Lam, đường Nhân Tài-Già Giang, đường từ xã Đỉnh Sơn đi Bình Sơn...

Quân đội có đóng góp rất quan trọng

PV: Sự phát triển KTXH của huyện Anh Sơn đã có tác động thế nào đến tình hình an ninh, trật tự, an ninh biên giới, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Quyền: Sự phát triển KTXH của huyện Anh Sơn tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống ổn định, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Đồng thời, sự phát triển kinh tế của huyện cũng tạo tiền đề về nguồn lực để tăng cường đầu tư quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định chính trị. Chính vì vậy, những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, an ninh biên giới được giữ vững, không có các vụ việc phức tạp trên địa bàn.

PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về những đóng góp của các lực lượng Quân đội đứng chân trên địa bàn vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương?

Đồng chí Hoàng Quyền: Kết quả phát triển KTXH của địa phương thời gian qua luôn song hành với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó có sự đóng góp trực tiếp, quan trọng của các lực lượng Quân đội đứng chân trên địa bàn, như: Ban CHQS huyện, Đồn Biên phòng 557, Trung đoàn 335...

Trong thời gian qua, các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn luôn gương mẫu, đi đầu trong thực thi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, tham gia các hoạt động hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, các hoạt động thăm hỏi người có công, đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động ủng hộ, phòng, chống dịch bệnh, tham gia triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia-nhất là xây dựng NTM, phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác an sinh xã hội, công tác đối ngoại với nước bạn Lào... Đóng góp của các lực lượng Quân đội là rất quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH của huyện.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

CHIẾN THẮNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-dong-luc-de-anh-son-vuon-len-top-dau-cac-huyen-mien-nui-720689