Tìm động lực để vượt qua giai đoạn kiệt sức khi khởi nghiệp
Trên hành trình khởi nghiệp, nhiều giai đoạn, các nhà sáng lập sẽ cảm thấy kiệt sức và cần đến những giải pháp hữu hiệu để đứng dậy, vượt qua và tiếp tục hành trình.
Giữ vai trò chèo lái “con thuyền” start-up, mỗi nhà sáng lập phải gánh trên vai mình nhiều trọng trách cùng một lúc. Đó là duy trì tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ nhân viên, đem lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư...
Báo cáo Startup Snapshot công bố hồi tháng 4/2023 tiết lộ, 72% nhà sáng lập nhận thấy hành trình khởi nghiệp có tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của họ; 44% cho biết, họ phải đối diện mức độ căng thẳng rất cao; 37% cảm thấy lo lắng và 13% rơi vào trầm cảm.
Thực tế, trạng thái kiệt sức nói chung không đến từ stress, mà từ sự thiếu khả năng phục hồi sau stress. Theo TS. Alex Auerbach, “bản chất của căng thẳng là do cơ thể và bộ não đang chuẩn bị cho một công việc cần nhiều nỗ lực. Nếu đi kèm với một số biện pháp phục hồi, căng thẳng có thể là động lực dẫn đến sự tăng trưởng và phát triển ổn định. Ngược lại, căng thẳng trở thành vấn đề nghiêm trọng khi bản thân nhà sáng lập không có biện pháp nào để phục hồi. Đây là nguyên nhân dẫn đến kiệt sức.
Do đó, TS. Alex Auerbach khuyên các doanh nhân nên suy nghĩ về những biện pháp phục hồi hậu stress, cũng như ưu tiên cho quá trình phục hồi, thay vì chỉ luôn tập trung vào công việc.
Một trong những biện pháp hiệu quả được nhiều chuyên gia gợi ý là tìm kiếm sự hỗ trợ từ các hội nhóm. Vì về bản chất, hành trình khởi nghiệp là một trải nghiệm cô đơn và biệt lập. Những ý tưởng đổi mới thường vấp phải sự hoài nghi, khiến các doanh nhân luôn trong tình trạng không ngừng cố gắng để chứng tỏ bản thân.
Hơn nữa, những nhà sáng lập thường gặp khó khăn trong việc chia sẻ cảm giác căng thẳng, mệt mỏi với người khác, ngay cả đó là gia đình hay bạn bè thân thiết. Theo báo cáo Startup Snapshot, có tới 81% nhà sáng lập không trò chuyện về sự căng thẳng, nỗi sợ hãi hay những thách thức mà họ gặp phải trên hành trình khởi nghiệp với bất cứ ai, kể cả vợ/chồng mình.
Vì vậy, Ori Schnitzer, Giám đốc điều hành Chương trình Zell Entrepreneurship gợi ý các nhà sáng lập nên tham dự những hội nhóm bên ngoài để chia sẻ trải nghiệm của bản thân. Đó có thể là hội nhóm của giới cựu sinh viên, những doanh nhân cùng ngành nghề, hoặc cùng quê hương…
“Bằng cách tìm đến những nhóm như vậy, các doanh nhân có thể giảm bớt cảm giác cô đơn, bởi họ hiểu rằng mình không hề đơn độc. Trải nghiệm trên hành trình khởi nghiệp của mình cũng là điều hầu hết các nhà sáng lập khác đều trải qua”, Ori Schnitzer nhấn mạnh.
Ngoài ra, với các nhà sáng lập, một biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức chính là phát triển bản sắc cá nhân ngoài công việc, đặc biệt, không để công việc định hình toàn bộ con người.
TS. Michael Freeman, nhà tâm lý học chuyên điều trị cho các doanh nhân giải thích rằng: “Rất nhiều doanh nhân mắc sai lầm khi nhầm lẫn danh tính doanh nghiệp với danh tính cá nhân của họ. Điều đó có thể dẫn đến những vấn đề lớn, đặc biệt khi doanh nghiệp gặp thất bại”.
Vì vậy, TS. Freeman khuyến nghị các doanh nhân nên có một hoạt động ưa thích và hoạt động này không liên quan gì đến công việc kinh doanh của họ, ví dụ nghệ thuật, thể thao hay một điểm du lịch lý tưởng. Bên cạnh đó, để bản sắc cá nhân không bị nhấn chìm bởi công việc, các nhà sáng lập nên duy trì mối quan hệ với những người nằm ngoài hệ sinh thái khởi nghiệp, ví dụ bạn bè thời thơ ấu hoặc bạn bè không làm việc trong mảng kinh doanh.