'Tìm đường' cho nông sản địa phương vào siêu thị
Hiện nay, ngày càng có nhiều loại nông sản của Đồng Nai có thế mạnh, đủ điều kiện để xuất khẩu, phát triển đa dạng các kênh tiêu thụ.
Tuy nhiên, trên thực tế, một trong những kênh tiêu thụ mà nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mong muốn để mở rộng kênh quảng bá, phân phối là hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi lại gặp khó khăn bởi nhiều ràng buộc về các tiêu chuẩn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm...
* Nhà vườn mong muốn bán hàng
Theo nhiều HTX, nhà vườn, việc tiếp cận được kênh bán hàng hiện đại như siêu thị hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều khoản về hợp đồng, quy định giao hàng và thanh toán... với các siêu thị hiện chưa có tiếng nói chung. Điều này khiến nhiều HTX sản xuất, nông dân còn e dè khi tiếp cận kênh tiêu thụ đầy tiềm năng này.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, nhu cầu gặp gỡ giữa người dân, doanh nghiệp với các siêu thị trên địa bàn tỉnh là rất lớn để nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu của nhau. Trong thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu để có các cuộc hội thảo, tiếp xúc giữa đôi bên để tìm hướng giải quyết, đưa các mặt hàng trái cây đặc sản, sản phẩm nông nghiệp tiếp cận nhiều hơn vào hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh, cũng như tại các địa phương khác.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) cho biết, hiện sản phẩm của đơn vị vẫn chủ yếu để xuất khẩu hoặc cung ứng vào các nhà máy chế biến ở miền Trung và miền Bắc. Trong khi đó, dù mong muốn phát triển thêm hệ thống kênh tiêu thụ vào các siêu thị trong tỉnh cũng như một số địa phương lân cận nhưng HTX chưa thống nhất được các điều khoản về hợp đồng.
“HTX cũng có liên lạc với nhiều hệ thống siêu thị nhưng đa phần họ chỉ đặt mua với số lượng ít, giá cả thu mua lại chưa ổn định. Chúng tôi mong muốn đơn hàng cần có giá trị lớn, ổn định. Cụ thể, mỗi đơn hàng chúng tôi mong muốn khoảng 3 tấn/ngày thay vì các hợp đồng khoảng 100-200kg/ngày như các siêu thị đề xuất” - ông Bảo chia sẻ.
Theo nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản, siêu thị không chỉ là kênh phân phối mà còn là một kênh quảng bá sản phẩm có nhiều lợi thế, đòi hỏi cao về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, các chứng nhận cần thiết. Tuy nhiên, thực tế là dù một số đơn vị sản xuất đã và đang mở rộng việc ứng dụng quy trình sản xuất theo chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP... nhưng việc đưa các sản phẩm này vào siêu thị cũng không dễ dàng.
Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) cho biết, vùng chôm chôm Bình Lộc đã thực hành sản xuất theo chuẩn VietGAP nhiều năm qua. Hiện chôm chôm của HTX chủ yếu phân phối cho thị trường nội địa, nhưng các kênh siêu thị trong tỉnh thì gần như HTX chưa thể “gõ cửa”.
“Sản phẩm của HTX chỉ cung ứng đúng vụ chứ chưa phát triển sản phẩm trái vụ như một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. HTX mong muốn đưa sản phẩm của mình vào các siêu thị nhưng thực tế rất khó bởi thường đơn hàng số lượng không nhiều, chỉ khoảng 1 tấn/tuần, trong khi HTX lại phải tự lo khâu vận chuyển, thời gian thanh toán tiền lại chậm...” - ông Thanh Tâm cho hay.
* Siêu thị khuyến khích nhưng... không dễ
Đối với kênh siêu thị, bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa cho hay, một khi sản phẩm đã vào được siêu thị sẽ phải qua nhiều công đoạn kiểm tra khắt khe. Do đó, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào độ an toàn.
Theo bà Tố Uyên, thực tế các sản phẩm cây trái đặc sản của Đồng Nai rất tốt nhưng lại chưa có các chứng nhận cần thiết được cấp từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức thẩm quyền. Nhiều mặt hàng rau, củ, quả của Đồng Nai khi được khảo sát cho thấy rất có tiềm năng, song lối sản xuất cũ, thiếu chuyên nghiệp khiến cho nông sản của tỉnh nhà trong hệ thống siêu thị chưa nhiều. Riêng đối với mặt hàng hoa quả, yêu cầu của sản phẩm lại càng phải đặt lên cao.
Tương tự, bà Phạm Ngọc Bích, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa cho hay, đơn vị đang có ý định bố trí các gian hàng đặc sản vùng miền, địa phương, trong đó có Đồng Nai. Tuy nhiên, điều này muốn thực hiện được thì người dân, doanh nghiệp cần chủ động để giới thiệu những mặt hàng mình có.
“Doanh nghiệp, nhà cung cấp cần liên hệ với bộ phận thu mua của siêu thị để gặp gỡ, giới thiệu sản phẩm, từ đó chúng tôi sẽ đi khảo sát trước khi có những hợp tác” - bà Ngọc Bích khuyến nghị.
Muốn giải quyết vấn đề này, nhà vườn phải liên kết lại với nhau thông qua việc tổ chức các câu lạc bộ hay tổ sản xuất để có cùng một quy trình sản xuất cho chất lượng cây ăn trái đồng đều nhằm cung cấp trái cây có chất lượng tốt, sản lượng ổn định và uy tín trên thị trường...
Theo các nhà chuyên môn, dù có nhiều tiềm năng nhưng các mặt hàng nông sản nói chung và các loại trái cây đặc sản ở Đồng Nai thu hoạch theo mùa, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chất lượng cùng một loại trái cây không đồng đều, hình dáng không bắt mắt và phải cạnh tranh với trái cây ngoại cả về chất lượng lẫn giá cả. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải chú trọng xây dựng thương hiệu cho các loại trái cây của Đồng Nai.