'Tìm đường' đến danh hiệu di sản

Trong bức tranh toàn cảnh về người Cơ Tu, lễ hội mừng lúa mới giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, làm nổi bật các đặc trưng văn hóa tộc người, phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan cũng như các hệ tri thức bản địa. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong quá trình xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 'Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu ở vùng Nam Đông, huyện Phú Lộc, TP. Huế'.

 Tái diễn cảnh phát cốt nương rẫy trong lễ cúng mừng lúa mới. Ảnh: Hồ sơ Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu 2024

Tái diễn cảnh phát cốt nương rẫy trong lễ cúng mừng lúa mới. Ảnh: Hồ sơ Lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Cơ Tu 2024

Di sản quý giá cần được bảo tồn

Mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất và quan trọng nhất của dân tộc Cơ Tu Việt Nam. Lễ hội phản ánh đầy đủ nhất những giá trị văn hóa tâm linh và nhân văn, những tâm tư, tình cảm, ước vọng của con người hướng tới sự hòa hợp giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và các vị thần linh của cộng đồng dân tộc này. Việc lập hồ sơ ghi danh ở cấp độ quốc gia, một mặt khẳng định các giá trị của lễ hội này trong bức tranh di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam; mặt khác, đánh thức niềm tự hào của dân tộc Cơ Tu về di sản đang sở hữu, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc bảo tồn với sự chung tay của cả cộng đồng.

Theo TS. Lê Anh Tuấn – Phó trưởng Phân viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch miền Trung (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc tiến hành xây dựng hồ sơ này có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa cổ truyền của người Cơ Tu ở Nam Đông đang bị nhiều tác động từ nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nhiều lễ nghi tín ngưỡng và lễ hội truyền thống đang mai một và có nguy cơ biến mất. Vì vậy, đây là một di sản văn hóa truyền thống quý giá cần phải được bảo tồn và phát huy, hơn thế để trở thành nguồn lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của người Cơ Tu.

Quá trình lập hồ sơ, theo các chuyên gia phải thực hiện theo quy trình rõ ràng. Khởi đầu là tiến hành kiểm kê khoa học và nhận diện chính xác di sản lễ hội mừng lúa mới trên địa bàn các địa phương có đông người Cơ Tu sinh sống. Từ đó, điều tra, khảo sát và lập báo cáo thực trạng di sản trong tình hình hiện nay để đánh giá giá trị và hiện trạng di sản, chủ thể di sản và vai trò bảo tồn và phát huy di sản. Tiếp đó, lập lý lịch di sản lễ hội mừng lúa mới, lập bản đồ phân bố di sản trên địa bàn Nam Đông, lập danh sách nghệ nhân lưu giữ và thực hành di sản, tham gia hỗ trợ tổ chức và phục dựng lễ hội trong môi trường tồn tại thực tế hiện nay của di sản trong đời sống cộng đồng làng bản.

Quyết tâm phục dựng đầy đủ các quy trình

Theo TS. Lê Anh Tuấn, sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội dẫn đến sự thay đổi của lễ hội hiện nay so với trước đây trên nhiều khía cạnh và điều kiện tồn tại của di sản. Đáng chú ý là sự thay đổi về ý nghĩa tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Hiện nay không còn lúa rẫy, tín ngưỡng thần lúa phai nhạt do không còn phụ thuộc nặng nề vào thần linh và thiên nhiên, việc áp dụng kỹ thuật, giống lúa mới, thủy lợi đã kiểm soát năng suất sản lượng, niềm tin phù hộ đã mai một. Do đó, nhiều nhà, nhiều làng đã không thiết tha việc tổ chức cúng mừng lúa mới.

“Đã một thời gian dài lễ hội ở quy mô cộng đồng không còn được tổ chức, mà chỉ diễn ra ở quy mô gia đình, nhưng cũng khá lẻ tẻ và rời rạc ở một số làng, xã (Thượng Long, Thượng Quảng, Thượng Nhật). Lễ hội quy mô cấp huyện chỉ được phục dựng trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng do 1 số làng đảm nhận. Vì vậy, trong quá trình khảo sát, một số thanh niên đã trả lời là không biết và không có lễ hội này, do từ trước tới nay chưa thấy làng mình tổ chức”, TS. Tuấn chia sẻ.

Trong điều kiện đó, những người thực hiện hồ sơ cho hay, bằng nhiều nguồn dữ liệu và căn cứ thực trạng hiện nay đã cố gắng phục dựng và làm nổi bật các giá trị của lễ hội cúng mừng lúa mới trong lý lịch di sản, phim và ảnh, đảm bảo về mặt kỹ thuật của hồ sơ cũng như nội dung khoa học, tính chân xác. Về nội dung trong hồ sơ đã đầy đủ quy trình của một lễ hội từ khâu canh tác đến thu hoạch, mặc dù hiện nay nhiều lễ hội đã không còn.

Nhiệm vụ này rất cấp thiết bởi lẽ trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa cổ truyền của người Cơ Tu ở Nam Đông đang biến đổi mạnh mẽ dưới sự tác động của thực tiễn cuộc sống. Đây là một di sản văn hóa truyền thống quý giá cần phải được bảo tồn và phát huy, hơn thế nữa, để trở thành nguồn lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của người Cơ Tu.

Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao, hồ sơ đang ở giai đoạn hoàn thiện sau đó sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét, ghi danh vào Danh mục quốc gia về Di sản văn hóa phi vật thể. Hy vọng, di sản sẽ được ghi danh, đó sẽ là cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn trong thời gian tới, là động lực tác động và khơi dậy mạnh mẽ ý thức và lòng tự tôn, tự hào của cộng đồng dân tộc Cơ Tu về vai trò và vị thế di sản lễ hội mừng lúa mới.

Phan Thành

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tim-duong-den-danh-hieu-di-san-152735.html