Tìm đường đưa văn học Việt Nam ra thế giới

Đưa văn học Việt Nam ra thế giới là một công việc quan trọng cần thiết trong việc truyền bá tư tưởng, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam thông qua tác phẩm văn chương với công chúng quốc tế.

Một số hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới được tổ chức, nhưng số lượng đầu sách được xuất bản tại nước ngoài vẫn ít ỏi với nhiều khó khăn còn tồn đọng. Từ những chia sẻ của dịch giả Nguyễn Lệ Chi, thấy rõ hơn những vấn đề cụ thể cần giải quyết, qua đó, khai thông mạch chảy để đưa văn học Việt Nam ra thế giới.

PV: Là một dịch giả, một người làm công tác xuất bản với hơn 20 năm kinh nghiệm, vì sao chị đi vào con đường đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi.

Dịch giả NGUYỄN LỆ CHI: Trong suốt hơn 20 năm làm xuất bản, tôi nhận thấy rằng qua các tác phẩm văn học, độc giả các nước dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận đến với văn hóa, lối sống, con người, thậm chí cả những biến động lịch sử, xã hội… của nhiều nước.

Văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm có giá trị, đáp ứng được những điều trên, tuy nhiên vẫn chưa được giới thiệu đầy đủ ở nước ngoài. Trừ một số đầu sách văn học hiếm hoi được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp (và cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay), thì rất khó tìm kiếm sách Việt được chuyển tải sang các ngôn ngữ khác. Điều này sẽ khiến độc giả quốc tế khó tiếp cận đến văn học Việt Nam nói riêng và sách Việt Nam nói chung.

Qua tiếp xúc quốc tế, tôi nhận thấy không ít người nước ngoài, đặc biệt là người dân Trung Quốc (nơi không sử dụng các phần mềm thông dụng quốc tế như Google) chưa hiểu rõ về tình hình đất nước, xã hội hiện tại của Việt Nam hiện nay.

Không ít người vẫn đánh giá rằng Việt Nam là một đất nước vẫn còn chiến tranh, nghèo đói và lạc hậu. Thậm chí có những người mang kiến thức hiểu biết về Việt Nam vẫn dừng lại ở mức độ từ 40-50 năm về trước.

Điều này đã thôi thúc tôi muốn giúp họ có thêm một cái nhìn toàn diện và nhiều chiều về đất nước, con người, văn hóa và dân tộc Việt Nam hiện nay thông qua các sản phẩm sách mà tôi đang làm.

Từ đó tôi đã nảy sinh ý tưởng quyết tâm theo đuổi con đường xuất khẩu sách văn học Việt, văn hóa Việt ra nước ngoài.

Gian hàng sách Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc).

Gian hàng sách Việt Nam tại Hội chợ sách quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc).

Đây thực sự là hành trình dài với nhiều khó khăn, chị có thể chia sẻ từng bước đi của chị?

- Quả thực đây là một hành trình rất dài, tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc và sức lực.

Nhiều người cho rằng việc giới thiệu sách Việt Nam ra thế giới là việc của các cơ quan chức năng, không cần tới các đơn vị xuất bản tư nhân như chúng tôi phải lo.

Tuy nhiên tôi cho rằng đây là trách nhiệm và ước mơ chung mà những người làm sách cần có. Không gì tuyệt hơn là chia sẻ được các sản phẩm sách của mình vượt qua biên giới, đến được nhiều hơn nữa với độc giả các nước.

Từ khi chính thức bước chân vào nghề xuất bản (năm 2004) tới nay, tôi luôn tranh thủ giới thiệu sách Việt trong mọi khả năng của mình.

Chẳng hạn, tôi thuê gian hàng, tổ chức các triển lãm sách Việt liên tục nhiều năm ở nước ngoài như tại các Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức), Hội sách quốc tế Bắc Kinh, Hội sách thiếu nhi Thượng Hải, Hội sách Quảng Tây, Triển lãm Expo, Hội sách quốc tế Thái Lan, Hội sách quốc tế Kuala Lumpur…

Tôi cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất trong suốt 20 năm qua liên tục tổ chức triển lãm sách Việt Nam tại Trung Quốc.

Tại các hội sách quốc tế này, tôi cho trưng bày triển lãm sách Việt Nam, làm các catalogue giới thiệu sách bằng tiếng Anh, tiếng Trung, xây dựng website agency bằng tiếng Anh… Đăng ký lịch hẹn gặp giới thiệu sách Việt cho từng đơn vị xuất bản nước ngoài mà họ quan tâm. Email giới thiệu sách Việt Nam cho các đối tác nước ngoài… Thuê người dịch tóm tắt sách Việt Nam ra tiếng Anh, tiếng Trung, và dịch từng chương để chào hàng…

Tôi cũng tổ chức các cuộc giao lưu tác giả Việt Nam cho sinh viên nước ngoài học tiếng Việt để họ thêm hiểu về văn hóa, văn học Việt. Từ đó giúp họ quan tâm và tìm đọc sách Việt Nam hơn.

Chẳng hạn, năm 2023, tôi từng tổ chức 2 buổi giao lưu trực tuyến cho nhà văn Phan Hồn Nhiên và nhà văn Võ Thu Hương với sinh viên Trung Quốc chuyên ngành Tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Tại các buổi giao lưu này, ngoài việc các nhà văn chia sẻ về phong cách viết, tác phẩm mới của họ, các sinh viên cũng rất nhiệt tình đưa ra nhiều câu hỏi mới xoay quanh về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, xin nhà văn chia sẻ kinh nghiệm sáng tác…

Được sự tín nhiệm của các tổ chức xuất bản quốc tế, tôi được mời tham gia tư vấn, lựa chọn mời các gương mặt nhà văn, nhà thơ Việt Nam sang giao lưu tại hội sách hoặc mời đi tham gia các chương trình nhà văn Đông Nam Á đi trải nghiệm thực tế tại nước bạn.

Trong đó tôi đặc biệt vui mừng khi từng tiến cử thành công nhà văn Hồ Anh Thái trở thành khách mời chính thức của Ban tổ chức tham dự Hội sách quốc tế Frankfurt (Đức) từ ngày 16 đến 20/10/2019 trong vai trò diễn giả. Ông cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên được mời tham gia tọa đàm và giao lưu tại hội sách lớn nhất thế giới này và hoàn toàn tự trình bày, giao lưu bằng tiếng Anh.

Tại đây, nhà văn Hồ Anh Thái đã tham gia một loạt các sự kiện có ý nghĩa như trình bày trong tọa đàm về “Văn chương và xã hội ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” cùng với các nhà văn Hon Lai-Chu (Hong Kong), Chuah Guat Eng (Malaysia), dưới sự chủ trì của bà Claudia Kaiser - Phó Chủ tịch Hội sách Frankfurt, vào ngày 16/10/2019 tại Frankfurt Pavilion (Agora), Ludwig-Erhard-Anlage 1, 60327 Frankfurt am Main.

Ông cũng là một thành viên tham gia hội thảo với các nhà văn Đông Nam Á trong cuộc tọa đàm “Viết về lịch sử”, vào ngày 19/10/2019 tại sân khấu ASEAN trong khu vực hội chợ.

Ngoài ra, nhà văn Hồ Anh Thái còn có cuộc đọc sách trước công chúng và giao lưu với người đọc tại gian trưng bày của Hà Nội thuộc khuôn khổ Hội sách…

Tất cả những hoạt động này thực sự có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần giúp giới xuất bản quốc tế, độc giả quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người, văn học Việt nói riêng và hòa vào dòng chảy khu vực nói chung. Tôi cũng rất mong sau này có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn, tiến cử thêm nhiều nhà văn, nhà thơ Việt đại diện Việt Nam đi ra nước ngoài tham dự các hội sách quốc tế, các hội thảo, tọa đàm văn chương quốc tế hơn nữa.

Theo tôi, việc đưa văn chương Việt ra nước ngoài là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, rất cần sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ mới có thể thực hiện được lâu dài, bài bản, chuyên nghiệp.

Nếu Nhà nước có được quỹ hỗ trợ dịch thuật tập trung chọn lựa một số đầu sách văn học Việt tiêu biểu, dịch ra tiếng Anh mà đưa đi trưng bày triển lãm tại các hội sách quốc tế, tập trung giới thiệu sâu với các đối tác xuất bản nước ngoài, thì tôi tin rằng sẽ gặt hái được thành công.

Bên cạnh đó tôi cũng tích cực tham gia các diễn đàn văn chương, xuất bản trong khu vực với vai trò diễn giả trong nhiều Hội sách quốc tế Bắc Kinh, để giới thiệu thêm về tình hình xuất bản, văn học Việt Nam… cho bạn bè thế giới, đề ra các hướng hợp tác xuất bản, tìm kiếm các “bà đỡ” quốc tế.

Gian hàng của TPHCM tại Hội sách Frankfurt (năm 2023).

Gian hàng của TPHCM tại Hội sách Frankfurt (năm 2023).

Việc chuyển ngữ các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt đã có những tiền đề để đỡ những bỡ ngỡ, còn việc chuyển ngữ tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác trên thế giới, gặp những vấn đề gì thưa chị?

- Việc chuyển ngữ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài có khó khăn nhất là vấn đề tìm được dịch giả giỏi, và thứ hai là vấn đề kinh phí dịch. Nếu muốn chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài thì tốt nhất nên tìm dịch giả người nước đó và giỏi tiếng Việt nhờ chuyển ngữ.

Tuy nhiên điều này cực kỳ khó khăn. Vì tiếng Việt không thông dụng quốc tế nên số lượng người nước ngoài học tiếng Việt không nhiều. Hoặc cũng có thể tìm được người nước ngoài học tiếng Việt nhưng lại chưa đủ vốn sống, vốn văn hóa phong phú để hiểu thấu đáo về văn hóa, xã hội, lịch sử Việt Nam trong quá trình chuyển ngữ.

Khi phông văn hóa về nước đó còn yếu, dịch giả sẽ không tự tin khi chuyển ngữ sách về văn hóa, văn học của nước đó ra tiếng mẹ đẻ của mình. Hoặc nếu dịch cũng sẽ không hay hoặc không chuyển tải hết ý gốc của tác phẩm, mất đi cái hay vốn có ban đầu.

Và cũng vì "dịch ngược" (từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài), nên việc đòi hỏi không chỉ chuyển tải được cái hay, cái đẹp, cái giá trị của tác phẩm gốc, mà câu từ, ngôn ngữ được chuyển tài cũng phải làm sao cho độc giả bản xứ đó cảm thấy gần gụi, dễ thấu hiểu cảm thông theo đúng văn phong họ thường sử dụng.

Điều này sẽ rất khó có thể thực hiện được nếu chúng ta sử dụng dịch giả người Việt Nam trong dịch ngược, trừ phi dịch giả đó sinh sống lâu năm tại nước đang cần chuyển tải ngôn ngữ.

Giá dịch cho tác phẩm “dịch ngược” tất nhiên cũng đắt hơn rất nhiều lần so với “dịch xuôi”. Nếu đơn vị xuất bản không có nguồn kinh phí dồi dào cho việc này, e rằng không thể thực hiện nổi. Đây cũng là vấn đề khiến không ít đơn vị xuất bản Việt Nam “đau đầu” dù rất muốn giới thiệu sách Việt Nam ra thế giới.

Ngoài ra là chất lượng tác phẩm?

- Tất nhiên đối với sách Việt Nam đi ra nước ngoài, quan trọng nhất vẫn là giá trị tự thân của tác phẩm phải hay, phải đậm chất Việt, để độc giả nước ngoài qua tác phẩm hiểu được con người, đất nước, văn hóa Việt, thậm chí hiểu được cả về phong tục tập quán, tôn giáo, lối sống, sự biến động xã hội...

Đặc biệt cần đậm tính nhân văn. Tôi tin rằng những tác phẩm giàu tính nhân văn, đậm nét văn hóa Việt Nam sẽ luôn được độc giả quốc tế đón nhận rộng rãi.

Qua các tiếp xúc với các nhà xuất bản, các nhà đầu tư, cũng như các nhà văn, bạn đọc trên thế giới, chị nhận thấy họ quan tâm những đề tài gì qua các tác phẩm văn chương Việt Nam?

- Tôi cho rằng bạn đọc thế giới quan tâm đến các vấn đề đương đại trong xã hội Việt Nam hiện nay qua các tác phẩm văn chương. Đề tài về chiến tranh, hậu chiến có thể được thể hiện quá nhiều, đã quá đủ gây thương cảm cho họ.

Họ muốn nhìn thấy một đất nước Việt Nam với những con người mới ở hiện tại, với những khát khao mới trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng hạnh phúc và cuộc sống mới. Họ cũng tò mò về văn hóa và lối sống của người Việt Nam hiện nay ra sao, có chịu sự tác động của văn hóa nào...

Thế hệ trẻ nghĩ gì, mong ước gì... Văn hóa bản địa của người Việt Nam có gì đặc sắc và khác biệt... Tất cả những đề tài này theo tôi, đều được độc giả quốc tế quan tâm.

Nhà văn Hồ Anh Thái (giữa) trong chương trình đọc sách và giao lưu với công chúng tại gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam ở Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm 2019.

Nhà văn Hồ Anh Thái (giữa) trong chương trình đọc sách và giao lưu với công chúng tại gian hàng sách Hà Nội - Việt Nam ở Hội chợ sách quốc tế Frankfurt năm 2019.

Sau rất nhiều kiên trì và nỗ lực suốt 20 năm, thời gian vừa qua, chị đã vui mừng chia sẻ khi đã có 2 đầu sách của tác giả Việt Nam được bán bản quyền cho nhà xuất bản Trung Quốc, xin chị chia sẻ về quá trình này?

- Sau nhiều năm nỗ lực giới thiệu sách Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, chúng tôi đã bán thành công 2 tác phẩm thuộc tủ sách Văn hóa Việt là “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và “Người Hà Nội - chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long) phần bản quyền tiếng Trung cho Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây. Họ sẽ xuất bản ấn bản tiếng Trung và phát hành rộng rãi tại Trung Quốc trong thời gian tới.

Cá nhân tôi cũng rất vui mừng vì sau gần 20 năm nỗ lực, mới gặt được trái ngọt đầu tiên.

Ngoài ra một số đầu sách khác về Huế của tác giả Phi Tân như “Bên sông Ô Lâu”, “Về Huế ăn cơm”... cũng nhận được sự quan tâm của một nhà xuất bản khác tại Trung Quốc.

Chúng tôi đang thương thảo bản quyền. Ngoài ra một nhà xuất bản khác tại Trung Quốc cũng đang trao đổi với Chibooks để lựa chọn một số đầu sách văn học Việt do Chibooks đã xuất bản để xuất bản sang tiếng Trung.

Chuyến đi của chị vừa qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc), khi tiếp xúc với các nhà văn và các nhà xuất bản, chị đã thấy được những vấn đề gì còn tồn đọng của văn học Việt Nam so với sự phát triển của văn học nước bạn nói riêng và thế giới nói chung?

- Tôi cho rằng văn học Việt Nam không thiếu các tác phẩm hay và giá trị nhưng khâu truyền thông, quảng bá của chúng ta ra nước ngoài còn rất yếu và chưa được đầu tư đúng mức.

Hội nhà văn Trung Quốc được đầu tư rất mạnh về điều này để giúp quảng bá các tác phẩm văn học của họ đi ra bên ngoài. Họ tổ chức các cuộc hội thảo văn chương, tổ chức các chuyến đi Nhà văn trẻ Đông Nam Á trải nghiệm văn hóa bản địa Trung Quốc, tổ chức các tọa đàm, đợt nâng cao tay nghề cho các dịch giả quốc tế dịch văn học từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Trung, tổ chức hội thảo nói về tình hình dịch thuật, xuất bản của từng nước, tổ chức các cuộc giao lưu nhà văn với dịch giả, với các nhà xuất bản nước ngoài trong khuôn khổ Hội sách quốc tế...

Thậm chí có cả quỹ tài trợ dịch thuật cho một số tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc tên tuổi. Nếu chúng ta làm được như vậy, dù ít dù nhiều, bạn bè quốc tế sẽ dần biết thêm về các nhà văn Việt Nam, về các tác phẩm văn chương Việt.

Nếu chúng ta chỉ co cụm lại tự hào với nhau ở trong nước, không có tác phẩm được dịch ra các ngôn ngữ khác, không có bất kỳ các hoạt động giao lưu, sinh hoạt nghề nghiệp mang tính khu vực và quốc tế nào thì thật khó tìm kiếm được vị thế cho văn chương Việt trong tương lai.

Dự định của chị với hành trình đưa văn học Việt Nam ra thế giới sẽ ra sao?

- Tôi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực hành trình giới thiệu sách Việt Nam ra thế giới, cố gắng hết sức mình để có thêm nhiều tác phẩm văn chương Việt được dịch ra các ngôn ngữ khác.

Và, trong khả năng có thể, tôi sẽ cố gắng tổ chức các workshop dịch thuật văn học Việt - Trung ở trong nước để nhằm phát hiện các dịch giả trẻ, giúp đỡ các dịch giả muốn theo nghề lâu dài, đồng thời cũng cố gắng tổ chức đưa một số nhà văn Việt ra nước ngoài cùng tham dự các hoạt động văn chương quốc tế để tăng thêm sự hiểu biết và niềm phấn chấn trong sáng tác.

Tất nhiên việc tiếp tục tổ chức triển lãm sách Việt Nam ở nước ngoài vẫn là điều mà tôi vẫn kiên trì thực hiện.

Xin cảm ơn chị và chúc con đường đưa văn học Việt Nam ra thế giới của chị gặp nhiều thuận lợi.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi là người có nhiều đóng góp cho xuất bản Việt Nam nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Chị là một dịch giả, một người làm công tác xuất bản với hơn 20 năm kinh nghiệm, bên cạnh đó, chị đã dành nhiều thời gian trên con đường đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài qua các buổi tọa đàm, giao lưu, hội chợ sách quốc tế…

NGUYỄN QUỲNH TRANG (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-duong-dua-van-hoc-viet-nam-ra-the-gioi-10285609.html