Tìm giải pháp căn cơ đào tạo nhân lực

Yêu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở mức lao động cơ bản mà còn đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn và quản lý ngày càng cao.

Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp cần căn cơ hơn. Ảnh: Hải Nguyễn

Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp cần căn cơ hơn. Ảnh: Hải Nguyễn

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp trên cả nước nói chung đang là một bài toán khó nhằn mà các bên liên quan vẫn chưa giải được.

Trong khi đó, theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, những lĩnh vực các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch vào đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao.

Ông Kao Kuo-hua, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam cho biết, dưới sự ảnh hưởng của tình hình quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không chỉ phát triển về mặt vốn đầu tư mà ngành nghề cũng ngày càng đa dạng, hàm lượng kỹ thuật ngày càng tăng cao.

Vì thế, yêu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở mức lao động cơ bản mà còn đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn và quản lý ngày càng cao, chi phí cũng không hề ít. Đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh các công ty nước ngoài đang đổ bộ vào Việt Nam.

Hợp tác nhà trường và doanh nghiệp cần căn cơ hơn

Một trong những vấn đề được ông Phạm Hồng Điệp, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chỉ ra là thiếu sự kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, có khoảng một nửa cơ sở giáo dục hiện nay do doanh nghiệp thành lập nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước mà chưa thấy sự đầu tư của các đơn vị ngoài nhà nước và FDI.

Bên cạnh đó, có nhiều hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường nhưng hình thức hợp tác mang tính bền vững còn ít.

Hiện nay, việc đưa học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập là chủ yếu tuy nhiên không được ông Hùng đánh giá cao vì năng lực và kiến thức sinh viên có lệch yêu cầu doanh nghiệp, dẫn đến không thể sử dụng sinh viên như người lao động, không thể góp sức trong việc làm ra sản phẩm.

Các hình thức khác mang tính bài bản, căn cơ như: doanh nghiệp và nhà trường cùng xây dựng chương trình đào tạo, tham gia đánh giá đào tạo… còn rất hiếm.

Là chủ đầu tư khu công nghiệp Đại An, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại An cho biết, các chủ đầu tư chọn một bộ khung đào tạo sau đó đưa về đào tạo lại tại khu công nghiệp của mình. Đại An cũng đã từng xin giấy phép đào tạo để xây dựng một trường nghề nhưng các ngành nghề trong khu công nghiệp đa dạng, mỗi doanh nghiệp lại có yêu cầu đào tạo nhân lực khác nhau, do đó đã không thể xây dựng được trường nghề này.

Bà Phương cho rằng, cần bàn tới quy trình xây dựng lựa chọn nhà đầu tư cũng như các tiêu chí đi cùng và xác định đây là ngành nghề lĩnh vực đặc biệt, hội nhập được quốc tế, chuyển đổi được đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, cải thiện được kỹ năng và kỷ luật của người lao động.

Về giải pháp, ông Hùng cho rằng cần hoàn thiện và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dữ liệu; dự báo nhu cầu lao động qua đào tạo trong các khu công nghiệp theo ngành, nghề, trình độ đào tạo; thúc đẩy thực thi cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp; thu hút người có kinh nghiệm tham gia đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bồi dưỡng cho người dạy tại doanh nghiệp…

Các địa phương cần xây dựng và nâng cấp hệ thống thông tin lao động để tạo cơ sở dữ liệu chung về cung - cầu lao động trên địa bàn; điều phối về cung ứng nhân lực giữa ban quản lý lao động của khu công nghiệp, Sở lao động thương binh và xã hội, đại diện các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn…

Các khu công nghiệp cần cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng và tuyển dụng lao động của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý; chủ động, phối hợp cử kỹ sư, kỹ thuật viên tham gia hoạt động đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp nhận nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập tại khu công nghiệp; tiếp nhận, tạo điều điện cho người học đến học tập, thực hành, thực tập tại khu công nghiệp…

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần hình thành bộ phận kết nối khu công nghiệp; tăng cường các điều kiện bảo đảm, nâng cao chất lượng đào tạo; đưa người học thực hành, thực tập theo hợp đồng liên kết.

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

TS. Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Doanh nghiệp cần chủ động hơn

Nhu cầu số lượng lao động lên đến hàng chục nghìn người nhưng ông Điệp khẳng định, doanh nghiệp trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền không bao giờ thiếu lao động. Khu công nghiệp này đã thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo và truyền thông môi trường, có kết hợp với các trường đại học và trường phổ thông. Ông Điệp cho biết, trung tâm có đa dạng bộ môn cần thiết như maketing, kế toán, logistics… và sẵn sàng hỗ trợ các trường trong việc cung cấp tư duy thực tiễn cho sinh viên.

Năm 2020, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã ký với rất nhiều các trường đại học về khu công nghiệp thực tập, đón 15 nghìn học sinh, sinh viên, lớp CEO đến học tập và trải nghiệm thực tiễn. Từ đầu năm đến nay, khu công nghiệp này đã có 4.000 học sinh, sinh viên đến học tập, đào tạo.

Song song việc coi trọng sự hỗ trợ của các trường, cơ sở đào tạo, rõ ràng, doanh nghiệp cũng cần chủ động đào tạo, giúp người lao động nâng cao tay nghề để giữ chân họ, tránh tình trạng như một số doanh nghiệp nước ngoài chỉ biết đổ lỗi cho chương trình đào tạo của Việt Nam mỗi lần gặp sự cố về nhân sự.

Bà Đỗ Thị Hướng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần HT Việt Nga cho rằng, bên cạnh việc quan tâm đến kỹ năng nền của lao động, người chủ lao động nên quan tâm đến nhiều kỹ năng khác, đặc biệt là câu chuyện văn hóa doanh nghiệp. Việc xây dựng niềm tin cũng như một môi trường làm việc tốt sẽ giúp doanh nghiệp giữ chân được lao động.

Việc đào tạo phải bắt kịp bối cảnh

Nói về kỹ năng lao động tại các nhà máy, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM chỉ ra, trí tuệ nhân tạo và robot đang dần thay thế con người trong nhiều công việc. Việc xác định những kỹ năng mới để đào tạo cho con người rất quan trọng.

Hiểu đúng về đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp

Diễn đàn kinh tế thế giới đã chỉ ra ít nhất 10 kỹ năng mà con người có thế chiếm lĩnh và ưu việt mà AI không thể có được: trí tuệ cảm xúc, định hướng dịch vụ, giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý con người, hợp tác với người khác, phán đoán và ra quyết định, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức.

Việc nâng cao chất lượng lao động cũng cần bám sát xu hướng chuyển đổi số, đà phát triển của công nghiệp 4.0. Những năm tới đây, doanh nghiệp số là mục tiêu cần đạt được. Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM có chương trình “Phát triển doanh nghiệp số” phối hợp với một số doanh nghiệp và cơ quan nhà nước nhằm khuyến khích chuyển đổi số.

Từ thực tiễn cho thấy, nếu đội ngũ lao động được đào tạo tốt, có môi trường làm việc tốt thì vẫn có thể làm chủ được công nghệ 4.0. Trong đó, TP.HCM có thế mạnh là hệ thống 61 trường đại học cùng hơn 100 trường cao đẳng và dạy nghề - nguồn lực trụ cột để đào tạo và nâng cao chất lượng lao động cung ứng cho khu vực Đông Nam bộ.

Câu chuyện thay đổi không chỉ dành cho người lao động mà các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi tư duy, phải có văn hóa đào tạo từ giám đốc đến nhân viên cho dù doanh nghiệp chuyển đổi số từng phần hay toàn phần. Bên cạnh đó, những người làm quản lý cần không ngừng nâng cấp bản thân để đáp ứng với bối cảnh mới.

Trong đó, ông Kao cho rằng, Việt Nam cần tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho đội ngũ quản lí. Một vấn đề chung doanh nghiệp Đài Loan khi mở rộng quy mô tại Việt Nam gặp phải là khó tìm đội ngũ quản lí có kinh nghiệm, đặc biệt là những nhân tài có trang bị đủ tiếng Anh hoặc tiếng Trung.

Bên cạnh đó, ông Bé nhận định, nguồn nhân lực đào tạo từ nước ngoài cần được chú trọng. Trong mấy năm qua, du học sinh và Việt kiều đang làm việc tại nước ngoài quay về làm việc tại các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp FDI ngày càng nhiều.

“Tại TP.HCM, mức thu nhập bình quân của công nhân viên đang là 5.000 - 6.000USD/năm. Trong vài năm tới, thu nhập bình quân tăng lên trên 10.000USD/năm, chắc chắn Việt kiều và du học sinh sẽ về gấp bội phần”, ông Bé nói.

Ông Kao bổ sung, việc tạo một môi trường làm việc thân thiện và có những điều chỉnh chính sách về chuyên gia nước ngoài cũng rất cần thiết. Không chỉ đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài còn có thể góp sức trong việc đào tạo nguồn lao động tại địa phương.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tim-giai-phap-can-co-dao-tao-nhan-luc-1625722506399.htm