Tìm giải pháp căn cơ ứng phó khủng hoảng lương thực
Trong bối cảnh Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Hội nghị thượng đỉnh An ninh lương thực toàn cầu đã được tổ chức theo đề xuất của Thủ tướng Anh Risi Sunak, được đưa ra vào tháng 9 vừa qua. Anh đã chủ trì hội nghị tại Thủ đô London, cùng với Somalia, Các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Tổ chức Quỹ Đầu tư Trẻ em (CIFF) và Quỹ Bill & Melinda Gates.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện từ 20 quốc gia, gồm: Somalia, UAE, Brazil, Pakistan, Yemen, Ethiopia, Tanzania, Malawi, Mozambique, Indonesia... và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thuộc Liên Hợp Quốc. Tại sự kiện, các đại biểu đã thảo luận 4 chủ đề: Xây dựng phương pháp tiếp cận mới để ngăn chặn nguy cơ trẻ em tử vong; khai thác khoa học công nghệ để bảo đảm an ninh lương thực; dự báo và ngăn chặn nạn đói và khủng hoảng an ninh lương thực; xây dựng hệ thống thực phẩm bền vững và thích ứng với khí hậu.
Kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp
Theo Giám đốc Nhóm công tác liên ngành ở Đông và Trung Phi (IAWG) Peter Burgess, hội nghị diễn ra trong bối cảnh gần 90 triệu người dân trên khắp Đông và Trung Phi phải đối mặt với nạn đói ở mức độ chưa từng có, do một loạt cuộc khủng hoảng phức tạp, bao gồm hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu, cũng như xung đột và giá lương thực toàn cầu tăng cao.
Hiện nay, hầu hết các hoạt động kêu gọi nhân đạo trong khu vực vẫn chưa được tài trợ đầy đủ, khiến hàng triệu người phải đối mặt với cảnh túng quẫn hoặc tệ hơn. Do đó, các nhóm viện trợ kêu gọi các nhà tài trợ và chính phủ khẩn trương tăng cường hỗ trợ cho các cộng đồng có nhu cầu, đầu tư dài hạn vào giải pháp lâu dài, để giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây ra nạn đói.
Những năm có thời tiết thất thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng vốn đang phải vật lộn với tác động của xung đột và giá lương thực toàn cầu tăng cao. Nhiều cộng đồng đã và đang đối mặt từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác. Ở Ethiopia, Kenya và Somalia, sau khi trải qua 6 trận mưa liên tiếp hiện đang phải đối mặt với lũ lụt tàn khốc. Đồng thời, cuộc giao tranh nổ ra ở Sudan vào hồi tháng 4 đã làm tình hình vốn đã bấp bênh trở nên tồi tệ hơn, với 20,3 triệu người hiện đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng nạn đói ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em, đặc biệt ở lứa dưới 5 tuổi. Các khu vực Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Uganda, Ethiopia và Sudan phải đối mặt với tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính chưa từng có. Ước tính có hơn 11,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở những quốc gia này đang bị suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2023, trong đó 2,9 triệu trẻ em sẽ cần điều trị vì suy dinh dưỡng cấp tính nặng (SAM).
Bất chấp nhu cầu lương thực ngày càng tăng, nguồn tài trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nạn đói và suy dinh dưỡng vẫn chưa đủ vào năm 2023. Và điều đáng lo ngại hơn cả, dự đoán ngân sách hỗ trợ nhân đạo sẽ giảm tới 50% vào năm 2024. Ông Peter Burgess nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng này đòi hỏi hành động quốc tế và phản ứng phối hợp ngay lập tức, cũng như đưa ra các biện pháp can thiệp.
Theo đó, các đại biểu dự hội nghị đã đưa ra những biện pháp này bao gồm: Khẩn trương mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng có nhu cầu và đầu tư đồng thời vào khả năng phục hồi và phục hồi lâu dài, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu và bị ảnh hưởng xung đột; sử dụng ảnh hưởng ngoại giao song phương và đa phương để bảo đảm tất cả các bên trong xung đột vũ trang tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là ủng hộ Nghị quyết 2417 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm giúp giảm tình trạng leo thang toàn cầu về nạn đói do xung đột gây ra.
Hành động mang tính đột phá
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều mối đe dọa, cạnh tranh và xung đột diễn ra nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế cần giải quyết nguyên nhân gây mất an ninh lương thực, xây dựng hệ thống thực phẩm linh hoạt, đồng thời hành động ngăn chặn khủng hoảng lương thực và suy dinh dưỡng.
Với tư cách là nước đăng cai hội nghị, Anh đã đưa ra một sáng kiến mang tính đột phá đối với an ninh lương thực toàn cầu. Thủ tướng Anh tuyên bố thành lập Trung tâm Khoa học Trực tuyến, do Mạng lưới Khoa học về các thách thức lớn nhất cho nhân loại (CGIAR) lãnh đạo. Trung tâm này sẽ kết nối các nhà khoa học ở Anh, nhằm cách mạng hóa các nỗ lực an ninh lương thực toàn cầu, cũng như thúc đẩy khoa học và đổi mới. Chẳng hạn phát triển các loại cây trồng có thể chịu được tác động của biến đổi khí hậu và có khả năng kháng bệnh tốt hơn. Thông qua sự kết hợp giữa khoa học và đổi mới, hệ thống thực phẩm có thể được củng cố, và có khả năng vượt qua được những cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra.
Thủ tướng Rishi Sunak nhấn mạnh, khoa học tiên tiến và quan hệ đối tác đổi mới sẽ giúp Anh tạo ra một thế giới lành mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn cho toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh đánh dấu một thời điểm quan trọng trong đó khoa học và đổi mới đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết những thách thức phức tạp về an ninh lương thực toàn cầu.
Ngoài ra, ông Rishi Sunak cũng công bố Sách Trắng Phát triển quốc tế mới, đánh dấu sự thay đổi trong việc giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực như một thách thức toàn cầu quan trọng nhất. Bên cạnh các khoản viện trợ truyền thống, Sách Trắng còn đưa ra cách hợp tác với các nước để chống lại tình trạng nghèo đói cùng cực và biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh đến việc huy động tài chính quốc tế, cải cách hệ thống, khai thác sự đổi mới và ưu tiên vai trò của phụ nữ và trẻ em gái.
Trong Sách Trắng, Chính phủ Anh cho rằng, biến đổi khí hậu, xung đột, tác động lâu dài của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của Nga đối với nguồn cung thực phẩm toàn cầu là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực như hiện nay. Với vai trò là nước dẫn đầu, Anh đã nỗ lực bảo đảm Ukraine tiếp tục xuất khẩu nông sản, vốn rất quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, bất chấp việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Bên cạnh đó, việc giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng và bảo đảm an ninh trong tương lai cũng rất quan trọng. Hội nghị thượng đỉnh lần này một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, một yếu tố góp phần gây ra 45% số ca tử vong ở trẻ em trên toàn cầu. Theo đó, Anh và các nước đã góp phần phát triển giống lúa chịu lũ, lúa mì kháng bệnh, khoai lang giàu vitamin.
Hơn nữa, nguồn tài trợ nhân đạo đáng kể đã được phân bổ cho các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, cũng như tập trung hỗ trợ Quỹ Dinh dưỡng Trẻ em để tăng cường nỗ lực ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em trên toàn cầu. Chính phủ Anh cũng công bố khoản tài trợ lên tới 100 triệu bảng Anh để ứng phó với các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và tác động của chúng tại các điểm nóng về nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới như Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Afghanistan và Malawi.
Các quỹ này bao gồm các chương trình quan trọng đối với an ninh lương thực và hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng tài trợ thêm 100 triệu bảng Anh để xây dựng khả năng phục hồi trước những cú sốc khí hậu và cung cấp an ninh lương thực, cho những gia đình dễ bị tổn thương nhất ở Somalia nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nhân đạo trong tương lai.