Tìm giải pháp cho những vấn đề cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi

'Sinh kế và việc làm', 'giáo dục và sức khỏe', 'hôn nhân và gia đình', 'phụ nữ tham chính và chính sách pháp luật' là những vấn đề cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp tới phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi đã được đưa ra bàn thảo trong Hội thảo khoa học quốc gia khu vực miền Bắc.

 Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo với chủ đề "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo" do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức ngày 4/10 tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu, bao gồm các học giả, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan ban ngành và đại diện từ nhiều tổ chức có liên quan.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đánh giá cao sự nỗ lực của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu và triển khai dự án. Đồng thời bày tỏ hy vọng rằng hội thảo sẽ đưa ra những sáng kiến giúp cải thiện hơn nữa chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS).

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận các nghiên cứu khoa học và tìm ra các giải pháp thực tiễn để nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS miền Bắc. PGS.TS Trần Quang Tiến cũng kỳ vọng hội thảo sẽ trở thành cầu nối cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn để tìm ra hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8.

Hội thảo nhận được 70 bài viết và trải qua quá trình chọn lọc, phản biện độc lập, Ban tổ chức đã chọn lựa được 33 bài viết giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo.

Ban điều hành Hội thảo

Ban điều hành Hội thảo

Hội thảo diễn ra trong hai phiên làm việc với các nội dung phong phú. Phiên thứ nhất tập trung vào việc tổng kết kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Bắc giai đoạn 2022-2024, đồng thời rút ra các bài học kinh nghiệm. Phiên thứ hai đề cập đến những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS miền núi khu vực miền Bắc.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày 8 tham luận về các nội dung: Thúc đẩy bình đẳng giới trong tiếp cận nước sạch và vệ sinh; Nhu cầu của trẻ em DTTS tại Lạng Sơn; Hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế; Những vấn đề giới vùng đồng bào DTTS; Thực trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em tại Bắc Kạn; Kinh nghiệm thực hiện Dự án 8 tại Quảng Ninh; Nhận thức về giới và chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm xác định các vấn đề khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em vùng DTTS và miền núi trong những vấn đề cấp thiết.

Cụ thể, với vấn đề Sinh kế và việc làm- đó là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và phát triển các tổ hợp tác, nhóm sinh kế; Áp lực giới truyền thống đối với phụ nữ DTTS, cùng với đó là thách thức khi phụ nữ DTTS tham gia phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và nông sản OCOP; Thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ các dịch vụ việc làm và khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS.

Về giáo dục và sức khỏe, đó là tỷ lệ trẻ em DTTS bỏ học/thôi học sớm đang ở mức cao, và việc định hướng giáo dục nghề nghiệp cho các em còn nhiều hạn chế; Sự tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe vị thành niên, còn gặp nhiều khó khăn; Tình trạng tử vong của bà mẹ và trẻ em ở các vùng DTTS vẫn ở mức cao, cần có các giải pháp cải thiện.

Các nhóm thảo luận về các vấn đề được hội thảo đưa ra

Các nhóm thảo luận về các vấn đề được hội thảo đưa ra

Với vấn đề Hôn nhân và gia đình, đó là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng; Vấn đề bạo lực gia đình cũng là một mối lo ngại, với sự thiếu can thiệp và hỗ trợ pháp lý kịp thời.

Về vấn đề Phụ nữ tham chính và chính sách pháp luật, đó là sự tham gia của phụ nữ DTTS vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại địa phương còn thấp, và tiếng nói của họ trong các cuộc họp tại địa phương chưa được lắng nghe đầy đủ; Cần nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt trong việc vận dụng các chính sách xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, thực trạng thiếu tiếp cận và khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin cũng là một rào cản lớn đối với phụ nữ DTTS, đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin và phát triển kinh tế số.

Hội thảo khoa học quốc gia khu vực miền Bắc đã cung cấp những góc nhìn và các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em DTTS miền núi.

Những kết luận từ hội thảo sẽ đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện và đề xuất chính sách hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo của dự án 8, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi, hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và phát triển bền vững.

X.Q

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tim-giai-phap-cho-nhung-van-de-cap-thiet-anh-huong-truc-tiep-den-phu-nu-tre-em-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-20241004200937653.htm