Tìm giải pháp cho trật tự vỉa hè

Việc phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng là cần thiết, góp phần giảm việc buôn bán trên vỉa hè

Vỉa hè được hình thành dọc theo những tuyến đường đô thị thường được biết đến như một không gian công cộng dành cho người đi bộ và hạ tầng kỹ thuật; đồng thời là không gian giao tiếp của đô thị. Nơi đây diễn ra các cuộc gặp gỡ tình cờ, những cuộc mua sắm, hoạt động vui chơi giải trí..., từ đó tạo nên nét văn hóa riêng cho mỗi đô thị.

Văn hóa đặc trưng của đô thị đặc biệt

Nói cách khác, trong đô thị, vỉa hè luôn gắn liền với đời sống văn hóa người dân. Với TP HCM, các hoạt động diễn ra trên vỉa hè còn được xem là nét văn hóa đặc trưng của đô thị đặc biệt - nơi tụ hội của nhiều thành phần, nhiều luồng văn hóa khác nhau. Tuy nhiên từ nhiều năm qua, một số hoạt động diễn ra tại không gian này ít nhiều làm ảnh hưởng đến diện mạo của đô thị. Vì vậy, nếu chính quyền không có những biện pháp với sự ủng hộ và tham gia từ phía người dân thì khó có thể hoàn thành mục tiêu tạo lập bản sắc, hình ảnh văn hóa của một đô thị văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

Nghiên cứu vỉa hè trong đời sống đô thị, chúng tôi sử dụng lý thuyết Structuration (lý thuyết cấu trúc - hành động) của A.Giddens. Theo quan điểm của A.Giddens, cấu trúc và hành động tất yếu có liên quan với nhau. Giddens cho rằng cấu trúc gồm các quy tắc (rules) và nguồn lực (resources) mà các chủ thể hành động dựa vào khi họ tạo ra và tái tạo xã hội trong hoạt động của họ. Áp dụng lý thuyết trong bài viết này, có thể thấy vỉa hè có một cấu trúc định sẵn quy định các hành vi của con người. Tuy nhiên, bản thân người dân sử dụng vỉa hè cũng đồng thời tác động và tham gia vào cấu trúc không gian ấy một cách chủ động và có mục đích riêng.

Một tiệm cà phê lớn trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TP HCM) bị chiếm hết phần vỉa hè rộng rãi phía trước, thậm chí lấn xuống lòng đường để đậu xeẢnh: Đặng Đức

Một tiệm cà phê lớn trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TP HCM) bị chiếm hết phần vỉa hè rộng rãi phía trước, thậm chí lấn xuống lòng đường để đậu xeẢnh: Đặng Đức

Tạo cảnh quan, hạn chế lấn chiếm

Căn cứ các thiết chế hiện tại trong cấu trúc của vỉa hè, có tác động trực tiếp đến lối sống của người dân như: không gian vật lý, công tác quản lý vỉa hè (các quy định/luật pháp, nhân lực quản lý vỉa hè), chúng tôi đề ra các giải pháp:

Không gian vật lý của vỉa hè gồm những yếu tố như kích thước không gian, lối đi (gạch lát, bó vỉa), cây xanh, bồn hoa. Theo đó, để có thể hạn chế người dân lấn chiếm vỉa hè, vỉa hè cần được thiết kế với hệ thống bồn hoa, cây xanh dọc vỉa hè, ngăn cách lối đi cho người đi bộ và lòng đường. Điều này không chỉ giúp tạo cảnh quan đẹp cho tuyến phố, mà còn hạn chế được tình trạng buôn bán dọc tuyến đường, gây mất mỹ quan đô thị.

Công tác quản lý vỉa hè: Chính quyền địa phương cần xem xét tùy hoàn cảnh và bối cảnh, chẳng hạn tại những nơi vỉa hè hẹp thì có thể quy hoạch nơi đậu xe cho các tuyến đường để phục vụ cho người dân để xe khi vào các cửa hàng. Ở những nơi có vỉa hè rộng, có thể tham khảo cách làm của các TP lớn ở châu Á: kẻ vạch quy định lối đi cho người đi bộ và diện tích đậu xe vào cửa hàng.

Từ góc nhìn nhân văn, thiết nghĩ, để người dân mưu sinh gắn liền với vỉa hè có cuộc sống ổn định, các cơ quan hữu quan cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để chuyển đổi sinh kế cho những người bán hàng rong. Những khu vực vỉa hè rộng nên quy hoạch vẫn cho phép buôn bán trên vỉa hè phục vụ du lịch, nhu cầu dạo phố mua sắm của người dân nhưng hoạt động buôn bán này cần có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan hữu quan để bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự và thẩm mỹ cho tuyến đường. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu của người mua vừa bảo đảm sinh kế cho người bán.

Tuy nhiên, về lâu dài, TP cần chuyển đổi dần thói quen mua sắm trên vỉa hè của người dân để tiến đến đô thị trật tự, văn minh. Theo đó, khi nào người dân chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay thế cho xe máy thì sẽ hình thành hành động mua sắm tập trung tại các trạm dừng của phương tiện công cộng thay vì mua sắm dọc tuyến đường. Việc phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng trong đô thị là cần thiết, góp phần giảm việc buôn bán trên vỉa hè.

ThS-NCS Võ Thanh Tuyền - PGS-TS Phan Thị Hồng Xuân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/tim-giai-phap-cho-trat-tu-via-he-20201221203403868.htm