Tìm giải pháp chủ động bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân trước vấn nạn bạo lực
Nhân viên y tế và bệnh nhân làm sao để tránh nguy cơ bị bạo hành trong cơ sở y tế là nội dung chính của buổi tọa đàm phòng ngừa bạo hành tại cơ sở y tế.
Tọa đàm do Trường trung cấp Công đoàn TPHCM và Công đoàn ngành Y tế tỉnh Long An phối hợp tổ chức.
Phòng ngừa bằng văn hóa ứng xử
Không khí buổi tọa đàm, trao đổi sôi nổi ngay từ đầu nhờ sự tích cực tương tác của các đoàn viên Công đoàn ngành y tế. Nhiều ý kiến đồng quan điểm khi cho rằng thái độ làm việc tận tâm, ứng xử khéo léo tế nhị, tạo sự thân thiện với người bệnh và thân nhân ngay từ khâu tiếp nhận, chính là yếu tố quan trọng giúp hạn chế những hiểu lầm không đáng có.
Với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, bác sĩ Vũ Thị Thủy, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cần Đước chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên làm công tác tư tưởng cho cán bộ, nhân viên cơ quan. Nâng cao y đức, bồi dưỡng y thuật, chăm sóc bệnh nhân bằng tinh thần trách nhiệm và tấm lòng của những lương y. Nhờ vậy, thời gian gần đây không xảy ra các vụ việc mâu thuẫn, va chạm giữa nhân viên y tế với người bệnh”.
Được biết, từ nhiều năm nay, ngành y tế cũng đã triển khai bộ quy tắc ứng xử, phòng ngừa bạo hành tại các cơ sở y tế gồm 4 nội dung. Trong đó, nhấn mạnh đến “Những việc cần tránh” đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhằm phòng ngừa phát sinh bất đồng, dẫn đến căng thẳng trong lúc khám và điều trị cho bệnh nhân.
Trên cơ sở đó, các bệnh viện tuyến huyện trở lên, cùng trạm y tế xã, phường luôn quan tâm phổ biến đến từng cán bộ, nhân viên. Xem như cẩm nang đóng vai trò quan trọng, trong công tác đảm bảo an toàn cho người bệnh cùng thân nhân và nhân viên y tế. Giúp hóa giải thành công nhiều trường hợp có dấu hiệu tranh cãi, thiếu thông cảm, không để diễn biến kéo dài thành những vụ việc phức tạp.
Đề xuất nhiều giải pháp
Thấu hiểu với những áp lực của đội ngũ nhân viên y tế, bác sĩ Phan Thị Hoài Thanh, công tác tại Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng tâm sự: “Đơn vị chúng tôi không ngừng cải thiện chất lượng công tác khám chữa bệnh. Đầu tư trang thiết bị hiện đại giúp chẩn đoán chính xác hơn, đi đôi với nâng cao mức độ hài lòng của người bệnh. Trong những tình huống bất ngờ, sự tỉnh táo và kiềm chế của người trong cuộc, có tính chất quyết định giúp ổn định tình hình”.
Nhiều tình huống giả định đối tượng bên ngoài vào truy sát bệnh nhân, hoặc tấn công nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng được đặt ra. Tùy theo đặc điểm từng cơ quan, các y bác sĩ đã tích cực hiến kế nhằm giải quyết sự việc theo cách ôn hòa. Những biện pháp ứng phó linh hoạt đều tập trung vào mục đích bảo vệ sự an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người bệnh cùng thân nhân và nhân viên y tế.
Mô hình lắp đặt camera, hệ thống báo động, đảm bảo liên lạc thông suốt và 24/24, giữa bệnh viện với cơ quan bảo vệ pháp luật nơi cơ sở y tế đang trú đóng, cũng được quan tâm bàn luận. Buổi tập huấn nhận được nhiều ý kiến phát biểu có ý nghĩa thiết thực, những giải pháp mang tính khả thi cao, đã giúp ban tổ chức chương trình đúc kết thành cách làm cụ thể, phục vụ cho công tác triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Tâm đắc với những đóng góp của các nhân viên y tế, thạc sĩ Nguyễn Xuân Quân - phụ trách Trường trung cấp Công đoàn TPHCM bày tỏ: “Nhiều phương pháp có ý nghĩa thực tiễn, do chính các công đoàn viên ngành y tế đưa ra, chúng tôi sẽ tổng hợp lại và dự kiến nhân rộng ở những địa phương khác”.
Cùng với việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nhiều bệnh viện tại Long An, TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước hàng năm đều tổ chức diễn tập xử lý các tình huống giả định về an ninh trật tự. Trong đó, luôn có nội dung ngăn chặn nạn hành hung nhân viên y tế và bệnh nhân.
Những cố gắng của ngành y tế và cơ quan chức năng, đã giảm đáng kể tình trạng bạo hành tại các cơ sở khám chữa bệnh.