Tìm giải pháp 'cứu' bệnh nhân không lây nhiễm trong đại dịch Covid -19
Ở thời điểm hiện tại, dù Chính phủ đã đưa ra những thay đổi trong việc ứng phó với Covid -19 thì người bệnh cũng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn...
Gần 2 năm nay, từ khi dịch bệnh Covid -19 xuất hiện, việc chăm sóc y tế cho nhiều nhóm bệnh nhân trên khắp các tỉnh thành cả nước gặp rất nhiều khó khăn. Có không ít thời điểm, các bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh nhân đột quỵ, bệnh nhân đái tháo đường, tim mạch, tâm thần hay hen suyễn không nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết khi hàng loạt địa phương, bệnh viện bị phong tỏa.
Ở thời điểm hiện tại, dù Chính phủ đã đưa ra những thay đổi trong việc ứng phó với dịch Covid-19 thì người bệnh cũng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Khi nhân lực của ngành y bị phân tán rất nhiều trên mặt trận Covid -19.
Nhằm tìm kiếm các giải pháp cho những thách thức nêu trên, ngày 12/11/2021 Tổng hội Y học Việt Nam cùng Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc thường niên năm 2021 nhằm chia sẻ, cập nhật các giải pháp phòng chống các bệnh không lây nhiễm với các chuyên đề về Hô Hấp, Tim mạch, Ung thư, Đái tháo đường, Tâm thần và bệnh hiếm trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Ứng dụng các liệu pháp điều trị tiên tiến trong đại dịch Covd-19
Tại hội nghị, các nhà khoa học trong và ngoài nước đều có chung nhận định, sau gần hai năm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường khi có nhiều biến chủng mới xuất hiện.
GS. TS. Nguyễn Văn Kính nhận định: “Dịch Covid -19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại nhiều quốc gia khu vực châu Âu, dịch đã bùng phát trở lại với tốc độ lây lan và số ca tử vong cao hơn trước do virus liên tục có các biến chủng mới”.
Điều này đòi hỏi những nỗ lực ứng phó không ngừng của ngành y tế để tìm ra những phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn. Trong đó, các nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng từ những thành tựu khoa học của thế giới về vaccine, về thuốc, về cơ chế bệnh sinh, sẽ là một trong những phương án cốt yếu để giúp đạt được mục tiêu này.
Bên cạnh đó, yêu cầu thực hiện chiến lược kép về phòng dịch và phát triển kinh tế đặt ra nhu cầu nghiên cứu và phát triển những giải pháp mới về chăm sóc y tế, để có thể đảm bảo nguồn lực cho việc tổ chức lại sản xuất.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trí tuệ và công sức của các nhà khoa học, đồng thời cũng là các thầy thuốc, đã góp phần đưa trình độ y học, khoa học Việt Nam sánh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của nghiên cứu, phát triển và phát minh trong sự phát triển của ngành y tế nói riêng và tiềm lực đất nước nói chung, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.
Những tác động lâu dài của đại dịch không chỉ là thách thức mà còn cần được nhìn nhận như một yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy ngành y tế chuẩn bị sẵn sàng những giải pháp, sáng kiến tiên tiến trong việc ứng phó với các nguy cơ bệnh tật khác trong tương lai.
Cũng trong bối cảnh đại dịch, một thách thức đặt ra đối với ngành y tế nằm ở sự gián đoạn trong quản lý và điều trị cho các bệnh nhân có bệnh lý không lây nhiễm. Tại Việt Nam, theo thống kê cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 ca do các bệnh không lây nhiễm. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm vẫn có dấu hiệu gia tăng, đòi hỏi ngành Y tế cần đưa ra những biện pháp kịp thời để kiểm soát các bệnh không lây nhiễm trước tình hình dịch bệnh vẫn còn kéo dài.
PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có những tháng, lượng bệnh nhân đột quỵ được đưa vào bệnh viện Bạch Mai đã giảm đi rất nhiều so với cùng thời điểm khi chưa có dịch Covid-19. Số lượng bệnh nhân vào viện giảm là do người bệnh lo lắng bị nhiễm Covid-19 khi tới khám, cấp cứu tại các cơ sở y tế. Đây chính là nguyên nhân khiến giờ vàng cấp cứu trôi qua, nhiều người đối mặt với nguy cơ tử vong.
Từ những bài học thực tiễn trong công tác phòng, chống đại dịch Covid -19, nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc hợp tác nghiên cứu khoa học và học hỏi kinh nghiệm chuyên môn từ ngành dược phẩm phát minh và các tổ chức y khoa quốc tế, ngoài ra, trong lĩnh vực an ninh cung ứng dược phẩm quốc gia để đảm bảo việc tiếp cận thuốc trong việc phòng chống và điều trị bệnh, chúng ta cũng cần chủ động, linh hoạt hơn.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước ASEAN cũng nhận thấy tiềm năng này và đã đề ra hàng loạt chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ ngành dược phẩm phát minh.
Bà Katharina Geppert, đại diện ban lãnh đạo Pharma Group (Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam) cho biết: "Hiện nay, ngành dược phẩm phát minh không ngừng nỗ lực tạo ra các giá trị thực tiễn thông qua việc đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, nhằm đảm bảo bệnh nhân tiếp cận nhanh chóng và bền vững đến các thuốc phát minh chất lượng cao và an toàn, vốn là điều thiết yếu để đảm bảo một hệ thống y tế vận hành hiệu quả và đối mặt với các thách thức y tế trong tương lai".
Việt Nam là quốc gia có cơ hội thụ hưởng các giá trị kinh tế và xã hội quan trọng từ các đầu tư từ các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới. Các đầu tư này càng quan trọng và cấp bách khi Việt Nam chuyển dần sang trạng thái bình thường mới.
Bà Katharina Geppert cũng khẳng định cam kết của Pharma Group với việc đóng góp và hợp tác cùng xây dựng chiến lược quốc gia phát triển ngành dược cởi mở nhằm tạo điều kiện thu hút các đầu tư chất lượng vào ngành, đồng thời thúc đẩy việc tiếp cận các sản phẩm dược phẩm an toàn và chất lượng cao phục vụ nhu cầu của cộng đồng y khoa và bệnh nhân tại Việt Nam.
Pharma Group và các thành viên sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng hội Y học, Bộ Y tế và các cơ quan Chính phủ đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn nhằm nắm bắt các cơ hội, vượt qua các thách thức, nhằm phát triển hệ thống y tế tiên tiến tại Việt Nam.