Tìm giải pháp đưa trái dừa Việt Nam xuất khẩu mạnh ra thế giới

Tháo gỡ khó khăn, tạo mối liên kết để đưa trái dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu bền vững, đó là nội dung đề cập tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất phẩm dừa do UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp Cục Hợp tác Quốc tế- Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức vào ngày 18/12 tại thành phố Mỹ Tho, dự diễn đàn còn có các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng dừa trong và ngoài nước.

Ngành dừa Việt Nam gần đây có bước phát triển mạnh mẽ, diện tích tăng lên gần 200.000 ha, không chỉ là nguồn sinh kế cho hàng triệu hộ nông dân mà còn đang vươn mình ra thế giới, trở thành sản phẩm xuất khẩu tiềm năng với kim ngạch dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm nay. Cả nước ta có 25 tỉnh thành có mô hình trồng dừa chuyên canh với gần 200 nghìn ha; trong đó có 80% tỉ lệ cho trái.

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dừa vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: từ xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững đến phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu còn hạn chế. Sản phẩm từ cây dừa không chỉ là dầu, đường mà còn là năng lượng sinh học. Những yếu tố này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và định hướng chiến lược để ngành dừa không chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Diễn đàn Xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất phẩm dừa

Diễn đàn Xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất phẩm dừa

Đặc biệt, chất lượng trái dừa ở một số địa phương chưa ổn định, năng suất chưa cao, chưa đồng đều, còn chịu tác động của biến đổi khí hậu nhất là hạn mặn gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái dừa thương phẩm. Ở thời điểm này, dù giá dừa nguyên liệu đang ở mức cao nhưng thiếu nguồn nguyên liệu. Một số doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dừa không đủ sản phẩm cung ứng cho đối tác.

Toàn thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng dừa nhưng đến thời điểm này chỉ có 179 quốc gia có mặt hàng này để xuất khẩu; trong đó có từ 5-6 quốc gia đạt sản lượng xuất khẩu trên 90% (đứng đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Hà Lan).

Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng dừa tại diễn đàn

Các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng dừa tại diễn đàn

Dù là cây công nghiệp nhưng so với một số cây ăn quả khác hiệu quả kinh tế chưa cao, các chính sách hỗ trợ người trồng dừa ở nước ta còn hạn chế; công tác xúc tiến thương mại ngành dừa còn khiêm tốn; đặc biệt cây dừa đang đứng trước dịch bệnh tấn công. Ngành dừa cần được quan tâm hơn không chỉ nhằm thúc đẩy xuất khẩu mà còn xây dựng ngành dừa Việt Nam trở thành một ngành hàng bền vững, tích hợp đa giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn – một xu thế tất yếu của thế giới.

Các đại biểu còn thảo luận các giải pháp và chính sách hỗ trợ phát triển ngành dừa nhằm tạo động lực thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu; xây dựng giải pháp phát triển bền vững, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm và mô hình thành công trong việc phát triển chuỗi giá trị dừa – từ vùng nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu; kết nối đối tác trong và ngoài nước.

Trái dừa tươi xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới

Trái dừa tươi xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới

Tỉnh Tiền Giang có hơn 20.000 ha dừa chuyên canh. Tiền Giang và các địa phương có diện tích dừa trong cả nước đang chung tay nỗ lực tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, đưa trái dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu ra nước ngoài.

Bà Trần Thị Hơn, Giám đốc công ty TNHH Thương mại xuất khẩu Quốc tế Ngọc Trà (tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) tham dự diễn đàn chia sẻ: “Tôi muốn tham gia diễn đàn để tìm được nguồn xuất khẩu, để đưa trái dừa mình ra tầm thế giới. Vì hiện tại doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề nhập nguyên liệu, giá dừa đang rất cao mà giá bán ra của mình rất thấp. Hiện tại, dừa treo buồng không đủ nguyên liệu nhưng giá bán ra không tăng. Tôi muốn gặp các hộ, hợp tác xã thu mua dừa để liên kết có giá nguyên liệu ổn định để sau này xuất khẩu ổn định hơn”.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tim-giai-phap-dua-trai-dua-viet-nam-xuat-khau-manh-ra-the-gioi-post1142844.vov