Việt Nam còn nhiều 'dư địa' phát triển công nghiệp hàng không
Ngành công nghiệp hàng không Việt Nam đang đứng trước những cơ hội phát triển với tiềm năng trở thành nhân tố chính trong mạng lưới sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững ở khu vực châu Á và toàn cầu. Hội thảo quốc tế về lĩnh vực công nghiệp hàng không (Hanoi Aviation Forum 2024) vừa tổ chức đã cung cấp cái nhìn toàn diện về hiện trạng, cơ hội và thách thức của ngành. Sự kiện không chỉ là nơi kết nối các doanh nghiệp trong nước và quốc tế mà còn tạo tiền đề để Việt Nam vươn lên trong lĩnh vực công nghiệp hàng không.
Nhiều tiềm năng phát triển
Sự kiện thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế trong mạng lưới chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ quốc tế lĩnh vực công nghiệp hàng không cao cấp toàn cầu; Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng các sản phẩm tiềm năng cho công nghiệp hàng không như: Điện tử; Cơ khí chính xác; Điện và lọc điện; Nhựa; Dệt kỹ thuật; Vật liệu đặc biệt; Dịch vụ thiết kế - Kỹ thuật; MRO & Dịch vụ hàng không; Xử lý tín hiệu; Quản lý và Đào tạo vận hành; Kiểm soát không lưu; Công nghệ sân bay và công nghệ thông tin; Tư vấn và đào tạo; Xây dựng và lắp đặt thiết bị đầu cuối; Hệ thống kỹ thuật và dịch vụ sân bay; Thiết bị và dịch vụ hỗ trợ mặt đất...
Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên và kinh tế để phát triển ngành công nghiệp hàng không. Theo ông Nguyễn Phước Thắng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Cục Hàng không Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là trung tâm tăng trưởng hàng không thế giới trong tương lai. Dự báo của Airbus cho thấy, thị trường dịch vụ hàng không thương mại tại khu vực này sẽ đạt 129 tỷ USD vào năm 2043, gấp đôi mức hiện tại. Đặc biệt, phân khúc bảo dưỡng máy bay sẽ đạt giá trị 109 tỷ USD. Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, mối quan hệ ngoại giao ổn định và vị trí địa lý thuận lợi, đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp hàng không quốc tế.
Ông Stephan Castet, Giám đốc Công ty Advanced Business Events (ABE) - Cộng hòa Pháp lấy ví dụ, Việt Nam có tiềm năng tương tự Maroc – một quốc gia từ xuất phát điểm thấp nhưng đến nay đã phát triển với hơn 200 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hàng không. Ông Stephan Castet cho rằng, Việt Nam có điều kiện tốt hơn để thành công nhờ hệ sinh thái công nghiệp đã bước đầu phát triển và mối quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh tiềm năng lớn, ngành công nghiệp hàng không Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những rào cản chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Airbus dự báo trong 20 năm tới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần thêm gần 1 triệu chuyên gia trong ngành hàng không, từ kỹ thuật viên bảo dưỡng, quản lý vận hành đến chuyên gia thiết kế máy bay. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu này cả về số lượng và chất lượng.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần đạt các chứng nhận quốc tế như AS9100 – tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành hàng không vũ trụ. Đây là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam - vốn còn hạn chế về nguồn lực tài chính và kỹ thuật.
Cùng với đó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng công nghiệp và logistics. Dù Hà Nội và các địa phương khác đang tập trung xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp hỗ trợ, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và cải thiện công nghệ sản xuất.
Những giải pháp để phát triển bền vững
Sự kiện đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hàng không. Một trong những nội dung chính là kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn hàng không lớn trên thế giới. Các phiên giao dịch B2B và ký kết hợp tác tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường quốc tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ cao và sản xuất sạch hơn. Theo ông Stephan Castet, sự phát triển bền vững không chỉ là xu hướng mà còn yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, từ sử dụng năng lượng tái tạo đến áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.
Lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố then chốt. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đang triển khai nhiều chương trình hợp tác quốc tế nhằm cung cấp nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu. Ngoài ra, việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu nội địa hóa các sản phẩm hàng không.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể trở thành nhân tố quan trọng trong mạng lưới sản xuất và tiêu dùng hàng không toàn cầu. Song để biến tiềm năng thành hiện thực, ngành công nghiệp hàng không cần vượt qua những thách thức về nguồn nhân lực, công nghệ và hạ tầng, tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác quốc tế.