Tìm giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho truyền thông chính sách
Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu các giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông với mục tiêu chính sách được ban hành phải của nhân dân, mang tính khả thi, bền vững.
Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết sau 1 năm thực hiện Đề án 407: “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022- 2027” bên cạnh kết quả đạt được cũng tồn tại một số hạn chế.
Thừa nhận chưa thực sự làm trong vai trò được giao, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật mong muốn được lắng nghe các ý kiến đóng góp tại hội thảo.
Làm rõ hơn, ông Phạm Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội.
Ông Nguyên cũng nhấn mạnh, việc Thủ tướng ban hành Quyết định 407/QĐ-TTg được coi là một trong những “cú hích”, giải pháp quan trọng, cấp bách để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa.
Theo đó, hoạt động truyền thông được diễn ra ngay từ khi lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế tạo đồng thuận xã hội cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
“Với mục đích như vậy, tại điểm 8, mục IV, Điều 1, Đề án 407 cũng đã xác định việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm”, ông Nguyên thông tin.
Ông Nguyên cho biết, kết quả 1 năm triển khai thực hiện Đề án 407 cho thấy, nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí tổ chức hoạt động truyền thông dự thảo chính sách với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia.
Chưa có đủ nguồn lực con người, kinh phí
“Tuy nhiên, hiện nay có thực tế là hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách.
Việc huy động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ cho truyền thông dự thảo chính sách còn chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”, ông Nguyên thừa nhận.
Theo ông Nguyên có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó nguyên nhân chủ quan do nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ về tầm quan trọng của truyền thông trong quá trình soạn thảo văn bản và huy động nguồn lực xã hội tham gia.
Chính vì thế, hiệu quả của hoạt động này đang phụ thuộc vào sự quan tâm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc chỉ đạo, thu hút nguồn lực tham gia.
Thậm chí có tình trạng bố trí nguồn lực cho các hoạt động này chưa đồng đều ở từng cấp, từng ngành, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Nguyên nhân khách quan phải kể đến chưa có khuôn khổ pháp lý thống nhất để bảo đảm, đáp ứng cũng như khuyến khích việc huy động nguồn lực xã hội tham gia.
Sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện truyền thông chính sách còn hạn chế.
Cơ chế phối hợp cũng chưa được xác định rõ ràng là nguyên nhân dẫn đến việc tham gia, hỗ trợ truyền thông dự thảo chính sách của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế.
Phát biểu tham luận, luật sư Nguyễn Duy Lãm cho biết, để huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách cần có 2 yếu tố là nhân sự và nguồn lực kinh phí.
“Trong đó, kinh phí cơ bản là ngân sách Nhà nước, bên cạnh đó, huy động nguồn từ các tổ chức quốc tế và cá nhân trong nước”, Luật sư Lãm thông tin.
Về giải pháp huy động các nguồn lực, theo luật sư Lãm, cần phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp trong đó có việc huy động nguồn kinh phí.
Luật sư cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các cơ quan này phải chủ động giao cơ quan trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan truyền thông tuyên truyền...
Kết luận hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật nhấn mạnh, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ông cho rằng, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo không xác định được vai trò của mình, không thực sự lắng nghe, không thực sự tạo ra các kênh, các cơ chế đủ rộng, đủ chiều sâu, tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các bên liên quan thì hoạch định chính sách và truyền thông chính sách sẽ không hiệu quả.
“Và chính sách đó khi được ban hành sẽ khó mang hơi thở cuộc sống. Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và triển khai Đề án 407, đặc biệt là giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia với mục tiêu chính sách được ban hành phải thực sự của nhân dân, mang tính thực tiễn, tính khả thi, bền vững”, ông Lê Vệ Quốc nói.