Tìm giải pháp kéo giá hàng hóa giảm theo giá xăng dầu
Khi giá xăng dầu tăng, giá cả nhiều mặt hàng lập tức 'ăn theo'. Thế nhưng, dù giá xăng đến nay đã được điều chỉnh giảm liên tiếp tới 4 lần với tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít thì đa số các loại hàng hóa vẫn không có dấu hiệu giảm giá.
Tại Tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp" diễn ra chiều 4/8, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ, ngoài biện pháp hành chính cần sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, không để đứt gãy chuỗi cung ứng…
Độ trễ không thể quá lâu
Theo ghi nhận của VnBusiness, giá thịt lợn ở các chợ dân sinh Hà Nội đang ở ngưỡng 90.000 - 150.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá gà thịt tại chợ đầu mối nông sản Nam Hà Nội ngày 4/8 ở mức 50.000 - 120.000 đồng/kg tùy từng loại. Giá các mặt hàng như trứng, rau xanh cũng "neo" ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đáng lưu ý, chi phí vận tải chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải, nhưng dù giá xăng dầu vừa qua giảm liên tiếp thì giá dịch vụ vận tải vẫn không hề suy giảm, thậm chí còn đang có dấu hiệu leo thang.
Về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Cho nên khi có một yếu tố biến động thì những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại.
Ví dụ như vận tải đường bộ, taxi chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông Vận tải, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá. “Những động thái này cũng cần có độ trễ, một khoảng thời gian nhất định, nhưng không nên trễ quá, cũng phải kịp thời để đáp ứng nhu cầu”, ông Ngọc nói. Đồng thời, ông khẳng định khi nhiên liệu - một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành giá vận tải, đã giảm rồi mà doanh nghiệp lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm thì không đúng.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, việc giảm giá dịch vụ, hàng hóa theo giá xăng cũng cần có độ trễ, nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà sau một vài tuần phải điều chỉnh.
"Để có thị trường lành mạnh thì tất cả các doanh nghiệp và các tổ chức sản xuất kinh doanh trên cả nước phải có hệ thống thông tin về giá để cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, làm sao đưa ra thị trường mặt hàng có giá rẻ nhất để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng".
Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính)
Do đó, chuyên gia này phân tích, giá hàng hóa và dịch vụ vẫn “neo” cao còn có một số nguyên nhân khác. "Giả sử doanh nghiệp giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan đến giá xăng dầu thì lại sợ sau này tăng lên cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình. Đây là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống", ông Lực nêu ý kiến.
Cần giải pháp đồng bộ
Đưa ra giải pháp để ngăn chặn từ xa tình trạng “tăng rồi khó giảm”, các chuyên gia cho rằng, việc tăng, giảm giá trong cơ chế thị trường là tất nhiên. Vì vậy, cần phải sớm cải tiến các thủ tục kê khai giá nhằm đáp ứng cái chung cho xã hội, nhưng đồng thời thuận tiện cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, sự thông tin thường xuyên, hỗ trợ của các cơ quan báo chí, làm sao xây dựng nếp tự giác hơn nữa trong vấn đề lên - xuống giá.
Dưới góc nhìn của chuyên gia trong ngành bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội đánh giá, trước tiên là vấn đề cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Ví dụ, 1kg thịt lợn từ trang trại đến bán lẻ tăng giá lên tới 170% do các khâu trung gian. Đó là yếu tố tồn tại từ lâu, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.
Đồng thời, phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, ngoài biện pháp hành chính, còn huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố, làm sao những người buôn bán tự giác giảm giá hàng hóa một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.
“Nếu thực hiện giải pháp đồng bộ, thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Công tác tổ chức thực hiện là quan trọng”, ông Phú nói.
Đồng tình, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc dẫn ví dụ trong vận tải, cung phương tiện ít, nhu cầu vận tải lớn, dù áp dụng mệnh lệnh hành chính thì chỉ tác dụng nhất định, quan trọng là làm sao đáp ứng cung đủ cầu, lúc đó tự thị trường điều tiết.
Thứ hai, yếu tố quan trọng là không chỉ cơ quan hành chính mà các doanh nghiệp cần phải vào cuộc, bảo vệ người tiêu dùng thì hiệp hội người tiêu dùng lên tiếng, hiệp hội vận tải lên tiếng. Không chỉ vì quyền lợi của doanh nghiệp vận tải, mà cũng cần tuyên truyền các doanh nghiệp vận tải nhận thức về trách nhiệm chung. Vừa qua, các cơ quan báo đài tuyên truyền tích cực và đã có tác dụng tích cực tới thị trường.
Trong khi đó, ông Lực cho rằng cần thanh tra, kiểm tra giám sát, sẽ phải làm mạnh hơn nhưng không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và doanh nghiệp chưa vào cuộc, phải tạo văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp cả trước mắt và lâu dài.
“Người dân hoàn toàn có quyền phản ánh về việc giá cả gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh này, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm, tiết kiệm tốt cũng là một biện pháp phòng chống lạm phát tốt”, ông Lực nói.