Tìm giải pháp khai thác và tiếp cận hiệu quả thị trường Halal

Bà Cao Thị Phi Vân cho biết, mặc dù dư địa thị trường và lợi thế cũng rất lớn nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Halal bên lề Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm Halal bên lề Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Thị trường hàng hóa, dịch vụ dành cho người theo đạo Hồi (theo tiêu chuẩn Halal) có quy mô rất lớn và đang tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được khu vực thị trường tiềm năng này để mở rộng xuất khẩu. Đây là nội dung được các đại biểu chia sẻ tại Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, ngày 31/10.

Dư địa tăng trưởng lớn

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng của trong tương lai. Hiện nay, thế giới Hồi giáo hiện có hơn 2 tỷ người sinh sống tại 112 quốc gia; trong đó, có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Việc phát triển ngành công nghiệp Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ đi kèm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, nền kinh tế Hồi giáo đang có tiềm năng vô cùng to lớn trên quy mô toàn cầu. Trong năm 2021, chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal (không bao gồm nền tài chính Hồi giáo) đã đạt mức 2.000 tỷ USD.

Theo Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu (SGIE) năm 2022, dự đoán chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ Halal sẽ đạt mức 2.800 tỷ USD vào năm 2025. Đặc biệt, chi tiêu cho thực phẩm Halal đã có sự tăng trưởng 6,9% kể cả trong đại dịch COVID -19, từ 1.190 tỷ USD lên 1.270 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ đạt mức 1.670 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Agustaviano Sofjan, ngoài thực phẩm các lĩnh vực đời sống khác của Halal, bao gồm thời trang khiêm tốn (modest fashion), dược phẩm-mỹ phẩm, dịch vụ du lịch Hồi giáo và truyền thông - giải trí, cũng có những tiềm năng đáng kể. Lĩnh vực tài chính Hồi giáo đã phát triển và đạt mức 3.600tỷ USD (2021) và vẫn đang có nhu cầu mở rộng hơn nữa.

“Halal không còn đơn thuần là tiêu chuẩn dành riêng cho người theo đạo Hồi mà đang dần trở thành một tiêu chuẩn mới về bảo đảm an toàn, vệ sinh và chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, ngày càng nhiều người tiêu dùng, quốc gia không theo đạo Hồi quan tâm và lựa chọn sử dụng các sản phẩm, dịch vụ Halal,” ông Agustaviano Sofjan chia sẻ.

Ông Jason Yang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam cho biết, chứng nhận Halal rất quan trọng ở Singapore vì người Malaysia là nhóm người đầu tiên định cư ở Singapore và là nhóm dân tộc lớn ở đây, chủ yếu là người Hồi giáo. Ngoài dân số trong nước, Singapore còn đóng vai trò quan trọng là trung tâm chiến lược cho các quốc gia có dân số Hồi giáo lớn trên khắp ASEAN.

Mỗi năm, Singapore đón hàng triệu khách du lịch từ Trung Đông và Trung Á, những người chỉ tiêu thụ sản phẩm Halal. Điều này khiến chứng nhận Halal trở nên vô cùng quan trọng đối với các công ty hoạt động tại Singapore cũng như các đối tác trên toàn khu vực và trên thế giới. Với 14% dân số là người Hồi giáo Singapore kỳ vọng thị trường Halal sẽ tăng trưởng với tốc độ bền vững từ 8-10% trong vài năm tới.

Nói về tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ Halal, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho rằng, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal.

Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Đẩy mạnh hợp tác

Bà Cao Thị Phi Vân cho biết, mặc dù dư địa thị trường và lợi thế cũng rất lớn nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN 9 tháng năm 2023 đạt trên 26,37 tỷ USD; trong đó, Burei 143 triệu USD, Indonesia 10,18 tỷ USD, Malaysia 9,31 tỷ USD, Singapore 6,7 tỷ USD đây là một con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của vùng.

Đến nay, Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal, một con số rất thấp so với nhu cầu thị trường; có 40% số địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu đạt chứng nhận Halal hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Hạn chế của Việt Nam là không có nhiều doanh nghiệp hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, để được cấp chứng nhận Halal doanh nghiệp cần đầu tư nhiều chi phí.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phân tích thêm, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu lương thực thực phẩm ở Top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách nhóm từ 20-30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu.

Theo bà Lý Kim Chi, thách thức đến từ khác biệt về văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng, đức tin tôn giáo. Doanh nghiệp muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo, ví dụ gạo được phép, còn thịt heo thì không được phép.

Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền. Việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại.

Bên cạnh đó, giấy chứng nhận Halal hiện nay lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp.

Vì vậy tăng cường liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận cùng như liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước có ngành công nghiệp Halal phát triển là vô cùng quan trọng. Việc này không chỉ nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn Halal mà còn gia tăng cơ hội xuất khẩu; đồng thời, hình thành chuỗi cung ứng khép kín từ vùng cung ứng nguyên liệu-sản xuất đến nơi phân phối và xuất khẩu theo tiêu chuẩn Halal.

Ông Agustaviano Sofjan nhấn mạnh rằng, sự hợp tác và cộng tác là con đường để các quốc gia đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp thực phẩm Halal bền vững trong khu vực. Để khai thác những cơ hội trong thị trường Halal, các quốc gia thành viên của ASEAN nên nhìn nhận Halal như một cách thức thúc đẩy nền kinh tế của toàn khu vực./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-khai-thac-va-tiep-can-hieu-qua-thi-truong-halal/905205.vnp