Tìm giải pháp nâng cao chất lượng công tác GD thể chất
Ngày 7/11, tại Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo 'Nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay, thông qua việc trang bị kiến thức về sức khỏe, quản lý sức khỏe và rèn luyện, giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao giúp học sinh sinh viên hình thành và phát triển năng lực thể chất và văn hóa thể chất, ý thức trách nhiệm đối với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; biết lựa chọn môn thể thao phù hợp với năng lực vận động của bản thân để luyện tập, biết thích ứng với các điều kiện sống, lạc quan và chia sẻ với mọi người, có cuộc sống khỏe mạnh về thể lực và tinh thần.
“Với ý nghĩa và vai trò đó, việc đặt nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện các vấn đề then chốt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao trong trường học, phân tích những thành công và thách thức; đánh giá thấu đáo tình hình và trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp hữu ích là thực sự cấp thiết”, PGS.TS Lê Quang Sơn nói. PGS.TS Lê Quang Sơn cho biết, nhằm tăng cường chất lượng công tác chuyên môn giáo dục thể chất và thể thao trường học, Đại học Đà Nẵng kỳ vọng Hội thảo sẽ là dịp để các nhà khoa học, những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thể chất và thể thao trong nước gặp gỡ trao đổi học thuật và kinh nghiệm, tìm kiếm những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong nhà trường; kết nối giữa các cá nhân và đơn vị để tạo dựng và làm sâu sắc hơn các quan hệ học thuật và đồng môn.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học là hai thành tố quan trọng để quyết định thể chất đối với học sinh sinh viên. Những năm qua, hoạt động giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong các trường học đã có chuyển biến mới, tích cực, phù hợp với xu thế phát triển. PGS.TS Nguyễn Thanh Đề cũng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo, tập trung thảo luận tìm ra những bất cập, khó khăn trong vấn đề giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao trường học trong thời gian qua. “Tại hội thảo hôm nay, chúng ta phải có cái nhìn khách quan, để có cơ sở tham mưu cho lãnh đạo đưa ra những chính sách, giúp tháo gỡ những khó khăn trong ngành giáo dục thể chất và các hoạt động thể thao trường học trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được 153 bài viết đến từ 58 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trong cả nước. Hội đồng phản biện gồm 40 thành viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực Thể dục thể thao, đã làm việc rất khách quan, trách nhiệm và đã lựa chọn được 118 bài viết chất lượng ở nhiều lĩnh vực để đăng trong Kỷ yếu của Hội thảo. Trong đó, hoạt động giảng dạy và hoạt động thể thao có 96 bài, hoạt động huấn luyện có 8 bài, tâm sinh lý thể dục thể thao có 14 bài. Có 7 báo cáo tham luận trực tiếp và có 10 báo cáo poster tại hội thảo. Bên cạnh đó, ngoài những báo cáo về chuyên môn, Ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến đề xuất, các giải pháp để trình Bộ GD&ĐT vào báo cáo tại Hội nghị “Tổng kết 5 năm thực hiện đề án 1076” sẽ được tổ chức tại Cần Thơ vào cuối tháng 11/2020.