Tìm giải pháp nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam

Ngày 3/11, tại TP. Cần Thơ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp BizLIVE tổ chức Hội thảo thường niên 'Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam'. Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam; Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp; các chuyên gia trong nước, quốc tế; các doanh nghiệp lương thực vùng ĐBSCL đến tham dự.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Chuyên gia quốc tế trao đổi tại hội thảo

Chuyên gia quốc tế trao đổi tại hội thảo

Trao đổi về thị trường lúa gạo năm 2023, dự báo năm 2024

Trao đổi về thị trường lúa gạo năm 2023, dự báo năm 2024

Thảo luận về giải pháp công nghệ và cấp vốn cho ngành lúa gạo

Thảo luận về giải pháp công nghệ và cấp vốn cho ngành lúa gạo

Đại biểu tham quan các sản phẩm, công nghệ trưng bày tại hội thảo

Đại biểu tham quan các sản phẩm, công nghệ trưng bày tại hội thảo

Hội thảo tập trung phân tích tổng quan thị trường lúa gạo năm 2023, dự báo năm 2024, xu hướng xanh hóa trong ngành gạo, tập trung giải pháp công nghệ và vốn để xây dựng chuỗi lúa gạo.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường lương thực thế giới diễn biến phức tạp, nhiều nước tạm dừng hoặc cắt giảm nguồn cung xuất khẩu, Việt Nam có thể sản xuất 43 triệu tấn lúa cả năm 2023 (tăng 432.000 tấn so năm 2022), tương đương 28 triệu tấn gạo, rộng cửa xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện cao nhất so các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (Thái Lan, Pakistan).

Dự báo năm 2024, nhu cầu gạo của thế giới vẫn lớn trong khi nguồn cung hạn chế, tạo cơ hội để gạo Việt Nam chiếm lĩnh và khẳng định uy tín trên thị trường. Do vậy, các doanh nghiệp lương thực cần chủ động liên kết xây dựng vùng nguyên liệu lúa, đặc biệt là tham gia vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Đề án được Ngân hàng Thế giới (WB) ủng hộ, chi trả 40 triệu USD tín chỉ carbon và hỗ trợ vốn vay khoảng 100 triệu USD khi doanh nghiệp đáp ứng đúng tiêu chí sản xuất. Nhiều tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế cũng cam kết đồng hành với doanh nghiệp tham gia đề án.

Hội thảo cũng tập trung vào giải pháp công nghệ giảm thất thoát sau thu hoạch và tăng giá trị ngành hàng chế biến gạo, đặc biệt là sử dụng công nghệ sấy hiện đại và bảo quản trong silo với môi trường được kiểm soát, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại ít ảnh hưởng đến phẩm chất hạt gạo.

Đồng thời, có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lương thực tiếp cận vốn tín dụng theo kế hoạch liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, phương án sản xuất – kinh doanh và hợp đồng xuất khẩu để tăng hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tim-giai-phap-nang-cao-chuoi-gia-tri-lua-gao-viet-nam-a378987.html