Tìm giải pháp nâng cao vị thế hàng Việt trong nước và thế giới
Việt Nam đang hội nhập ngày càng mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Các chủ thể kinh tế của Việt Nam đang trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của rất nhiều nhóm ngành hàng một cách toàn diện, từng bước khẳng định được vị thế của mình. Do đó, để nâng cao năng lực cung ứng cũng như vị thế hàng Việt trong nước và thế giới cần phải có những giải pháp toàn diện.
Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện nay có quy mô thị trường bán 142 tỷ USD và dự báo có thể tăng 350 tỷ đô vào năm 2025. Bán lẻ được kỳ vọng sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Vào cuối năm 2023, nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ là Walmart cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam cho 6 lĩnh vực, bao gồm quần áo và phụ kiện, giày dép, hàng dệt may và phụ kiện, điện tử gia dụng, đồ nội thất, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Nếu trở thành đối tác cung ứng của Walmart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới này sẽ có các khoản đầu tư với các nhà đầu tư, tận dụng hệ sinh thái tại địa phương, tiếp cận thị trường dựa trên dữ liệu nguồn cung.
Không dừng lại ở đấy, nhiều tập đoàn tên tuổi toàn cầu khác, như Amazon, Boeing và AES (Mỹ), Carrefour... cũng mong muốn tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam, để tham gia chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.
Đứng trước cơ hội này, để hàng Việt có thể xâm nhập từ đó nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cần phải nhận định được vị trí của hàng Việt đang có những thế mạnh gì, thách thức gì để từ đó có những giải pháp căn cơ và toàn diện nhằm tăng năng lực cung ứng cũng như vị thế hàng Việt trong nước và thế giới.
Đối với thị trường trong nước: hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, hàng Việt đang được đầu tư phát triển về chiều sâu, lan tỏa và có sức hút đặc biệt với người tiêu dùng.
Với sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp trong việc không ngừng cải thiện, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, cùng sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sau gần 15 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tỉ lệ người dân dùng hàng Việt đã tǎng mạnh từ mức 73% lên hơn 85%. Người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận nhiều chủng loại hàng hóa trong nước có chất lượng cao, uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) được nhiều người mua (80%), có thương hiệu uy tín (60%), sản phẩm đa dạng chủng loại (47%), giá bán cạnh tranh (39%). Đặc biệt, có trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng tin tưởng và đã chủ động tiếp cận, sử dụng hàng Việt.
Thứ hai, thương mại hiện đại và thương mại điện tử đã và đang tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho hàng Việt phát triển theo đúng xu thế trên thế giới.
Tỷ trọng đóng góp của thương mại hiện đại tại Việt Nam đã tăng từ mức 17% (năm 2015, 2016) lên 26% (năm 2022). Doanh thu kênh bán lẻ tạp hóa Việt Nam giai đoạn 2024-2029 cũng dự báo tăng trưởng bình quân 6,3%, trong đó chuỗi đại siêu thị, siêu thị, minimart và cửa hàng tiện lợi tăng trưởng khoảng 9,6% (theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor). Tỉ lệ hàng Việt tại các chuỗi bán lẻ lớn dao động từ 80% đến hơn 90% là nỗ lực đáng ghi nhận của các doanh nghiệp sản xuất nội địa.
Đối với thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng bình quân cũng đạt gần 21% trong giai đoạn 2018-2023. Riêng trong năm 2023, tăng trưởng 25% so cùng kỳ, đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước và dự báo đạt 40 tỷ USD vào năm 2027.
Tỉ lệ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam đang cao hơn các khu vực trên thế giới như châu Á (20,6%), châu Mỹ La tinh (20,4%), Trung Đông và châu Phi (17,0%), Trung và Đông Âu (15,5%). Bên cạnh đó, nhiều mô hình bán hàng không có cửa hàng vật lý (máy bán hàng, cửa hàng ảo,...) đang dần gia tăng nhanh, là những nét chuyển biến mạnh mẽ của thị trường toàn cầu theo xu hướng phát triển hiện đại.
Theo đó, những chuẩn mực riêng và đòi hỏi cao hơn về hàng hóa (chất lượng, chủng loại, sản lượng, mẫu mã, giá cả,…) đối với lĩnh vực thương mại hiện đại, thương mại điện tử là thách thức phải thay đổi đối với các nhà cung ứng trong nước và là xu thế tất yếu trong thời gian tới.
Thứ ba, những đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng giao thông cũng đóng góp quan trọng đối với năng lực cung ứng của hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2023, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 10 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu (tăng lên 1 hạng so với năm 2022), trong đó, xét trên yếu tố cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á; xét trên yếu tố cơ hội logistics trong nước, Việt Nam hiện đứng thứ 16 (tăng thêm 1 hạng so với năm 2022). Tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) năm 2023 của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao, đạt 14-16%/năm với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Đối với thị trường thế giới: Vượt khó và từng bước chinh phục thị trường thế giới bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh
Thông qua những hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới và tạo vị thế vững chắc tại nhiều thị trường lớn trên toàn cầu.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu sang các thị trường lớn đạt mức tăng trưởng tích cực, như thị trường Mỹ đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ; thị trường Trung Quốc đạt 22,5 tỷ USD, tăng 10,8%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1%;…
Với nhiều kết quả tích cực, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (lên đến 102%) trong giai đoạn 5 năm từ 2019-2023. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022 và xếp thứ 33/121 quốc gia được đánh giá.
Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh hóa không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp Việt muốn tồn tại phải vượt qua bài toán "xanh" trong hoạt động sản xuất, với nhiều tiêu chí, như xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải phát sinh, sản xuất tiết kiệm năng lượng, giải pháp tái chế chất thải.
Để nâng cao vị thế, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất theo xu hướng kinh tế xanh, tuần hoàn; chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị và phát triển các kênh phân phối hiệu quả.
Đồng thời, sự hỗ trợ và các chính sách thúc đẩy hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại,… của Chính phủ, sự đồng hành của các hiệp hội ngành hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hàng Việt cả trong nước và trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan.
Mặt khác, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải thực hiện cả ở 3 cấp độ thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương, ngành hàng và thương hiệu doanh nghiệp.
Trên thực tế, trong thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, được DN quan tâm, như: Hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học-công nghệ, chương trình OCOP, hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối, hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử, đẩy mạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại góp phần đưa các thương hiệu hàng Việt, sản phẩm địa phương vươn xa…
Nguyễn Anh Đức
(Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam)