Tìm giải pháp ngăn tình trạng già hóa dân số
Việt Nam (VN) đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang sinh muộn, từ cơ cấu dân số (DS) trẻ sang giai đoạn già hóa dân số (GHDS). Do vậy, cần bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con...
Việt Nam nằm trong số nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Ngày 06/8/2024, tại Hà Nội, Cục DS thuộc Bộ Y tế (YT) tổ chức Hội thảo "Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật DS và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương", với sự tham dự của các chuyên gia quốc tế và VN. Qua đó nhằm chia sẻ kinh nghiệm, bài học trong việc xây dựng (XD), thực thi các chính sách DS.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ YT Nguyễn Thị Liên Hương cho biết tốc độ gia tăng DS nhanh đã được khống chế thành công khi VN đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và đã bước vào "thời kỳ DS vàng" từ năm 2007. Dân số trong độ tuổi lao động (LĐ) tăng mạnh. Tuy vậy, công tác DS hiện nay nảy sinh một số vấn đề thực tiễn tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước, như xu hướng mức sinh xuống thấp, số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện là 1,96 và tỉ lệ tăng DS là 0,84% trong năm 2023. Đặc biệt xuất hiện sự mất cân bằng giới tính (tỉ số giới tính khi sinh là 111,8 bé trai/100 bé gái năm 2023). Việc XD Luật DS thay thế Pháp lệnh DS hiện nay nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác DS trong tình hình mới.
Theo Cục DS, những năm trước phụ nữ thành thị sinh hơn 1,7 con, song 2 năm gần đây mức sinh xuống thấp, dưới 1,7. Còn ở nông thôn, mức sinh năm 2023 ước tính cũng xuống dưới mức sinh thay thế, trong khi vài năm trước con số này là 2,4. Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu, 1,5 con/phụ nữ. Trong khi vùng trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ mức sinh còn cao. Mức sinh đang dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con.
Tình hình GHDS nước ta rất đáng quan tâm. Theo Quỹ DS Liên hợp quốc (UNFPA), hiện VN là 1 trong các quốc gia có tốc độ GHDS nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng DS vào năm 2019, đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên hơn 25% và đến năm 2036, VN bước vào thời kỳ DS già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già”.
Già hóa DS đặt ra những cơ hội và thách thức về kinh tế - xã hội đồng thời yêu cầu quốc gia thực hiện những thay đổi trong nền kinh tế, đặc biệt dẫn đến tình trạng thiếu LĐ trong tương lai cũng như nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi.
Cần có chính sách để người dân sinh con thứ 3
Vấn đề sinh con thứ 3 đã được cơ quan chức năng đề cập nhiều lần. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XV, các đại biểu QH đặt vấn đề về tình trạng GHDS đang diễn ra rất nhanh và yêu cầu đề ra chính sách ứng phó.
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN, cũng cảnh báo khi mức sinh đã giảm thấp thì rất khó quay trở lại mức thay thế. Ông Vinh dẫn chứng, trong giai đoạn 2000-2015 thế giới có 32 quốc gia có tổng tỉ suất sinh tăng nhẹ khi đang ở dưới mức thay thế, nhưng không trường hợp nào quay trở về mức thay thế hoặc cao hơn. Ông Vinh cũng cho rằng cần bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con, bởi thực tế cho thấy dù nới lỏng quy định sinh con cũng sẽ không có nhiều cặp vợ chồng muốn sinh nhiều hơn 2 con, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, nên xuất hiện nhiều cặp vợ chồng chỉ có 1 con duy nhất.
"Trong nhiều hội thảo đóng góp ý kiến, XD chính sách, tôi đều nêu quan điểm nên để người dân được quyền tự quyết định về thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh và số con. Chúng ta có thể khuyến khích mỗi cặp vợ chồng nên sinh 2 con, nhưng không nên quy định về xử phạt khi họ sinh con thứ 3 trở lên", ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục DS, cho biết nếu được chấp thuận, dự thảo luật sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể để trình hồ sơ dự luật lên Chính phủ vào tháng 12 này. Dự kiến tháng 6/2025, dự thảo luật sẽ trình lên Ủy ban Thường vụ QH.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2023, đến hết năm 2023, DS Việt Nam đạt 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người (0,84%) so với năm 2022. Trong đó, DS thành thị 38,2 triệu người (chiếm hơn 38%), DS nông thôn hơn 62 triệu người (gần 62%), nam 50 triệu người (49,9%), nữ 50,3 triệu người (50,1%). Tỉ số giới tính của DS năm 2023 là 99,5 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình 73,7, tăng nhẹ so với năm 2022 là 73,6 tuổi, trong đó nam 71,1 tuổi, nữ 76,5 tuổi. Lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 52,4 triệu người, tăng hơn 666.000 người so với năm trước. Tính chung năm 2023, LĐ có việc làm là 51,3 triệu người, tăng 683.000 người (1,35%) so với năm trước.
Mặc dù vậy, hiện DS Việt Nam chưa đạt đỉnh. Dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số nước ta sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển từ mức sinh cao sang mức sinh thấp, từ mô hình sinh sớm sang mô hình sinh muộn, từ cơ cấu DS trẻ sang giai đoạn GHDS.