Tìm giải pháp phát triển lương thực phát thải thấp ở vựa lúa ĐBSCL

Theo các chuyên gia, phải xây dựng hệ thống lương thực phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); cùng tìm ra mô hình tác động theo chuỗi, đi từ sản xuất đến sau thu hoạch, tồn trữ, phân phối, tiêu thụ để giảm thiểu phát thải.

Chiều 23/8, tại TPHCM diễn ra Tọa đàm "Thực trạng và chiến lược phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu” do Trường ĐH Nông lâm TPHCM phối hợp Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Viện Nghiên cứu môi trường - ĐH Adelaide (Australia) tổ chức.

Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phan Tại Huân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết, Việt Nam là quốc gia chú trọng đến chiến lược an ninh lương thực quốc gia, trong đó việc cung cấp lương thực thực phẩm đến từ ĐBSCL, là trung tâm sản xuất lương thực, vựa lúa của cả nước, chiếm tỷ trọng lớn.

Do đó việc tìm hiểu, định hình xu hướng phát triển hệ thống thực phẩm phát thải thấp là tiền đề thực thi giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đảm bảo mục tiêu mà Chính phủ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero) vào năm 2050.

PGS.TS Phan Tại Huân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Linh An

PGS.TS Phan Tại Huân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Linh An

Vị phó hiệu trưởng phân tích, ngày nay, nói đến hệ thống thực phẩm, phải nói tới cả một chuỗi, nghĩa là phải đi từ sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, tồn trữ trung gian, vận chuyển về nơi chế biến, phát sinh phụ phẩm, phế phẩm... rồi mang thực phẩm đến bàn ăn cho người tiêu dùng. Trong quá trình người tiêu dùng sử dụng cũng phát sinh ra các sản phẩm dư thừa.

“Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ‘từ trang trại đến bàn ăn là rất quan trọng’, đòi hỏi chúng ta có cách tiếp cận, tìm hiểu, thảo luận để có nhận thức trên toàn chuỗi thực phẩm, nhằm đảm bảo vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giảm thiểu biến đổi khí hậu...

TS. Phạm Thu Thủy, Trường ĐH Adelaide (Úc) thông tin, phát thải trong lĩnh vực lương thực thực phẩm chiếm khoảng 31% phát thải toàn cầu, riêng tại Việt Nam chiếm khoảng 1%.

Theo bà Thủy, tuy lượng phát thải của hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam còn thấp hơn nhiều quốc gia khác nhưng tốc độ phát thải đang có dấu hiệu tăng. Cụ thể, phát thải năm 2020 tăng 8% so với 2010 và hiện sản phẩm nông - lâm - thủy - hải sản của Việt Nam xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới nên việc kiểm soát lượng phát thải này rất quan trọng.

TS. Phạm Thu Thủy, Trường ĐH Adelaide, Úc. Ảnh: Linh An

TS. Phạm Thu Thủy, Trường ĐH Adelaide, Úc. Ảnh: Linh An

TS. Phạm Thu Thủy đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu liên quan đến hệ thống lương thực thực phẩm gồm 4 vấn đề cơ bản: Nâng cao hiệu quả và hiệu ích của quá trình sản xuất lương thực; phòng tránh và đảo ngược phá rừng, suy thoái đất và sa mạc hóa; tiêu thụ khẩu phần ăn có lợi cho sức khỏe và bền vững và hạn chế thất thoát và lãng phí lương thực.

Cơ hội, thách thức và giải pháp

TS. Thủy cho rằng, nước ta có cơ hội, lợi thế trong việc xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp. Đó là các vấn đề như: cam kết nguồn lực tài chính cho biến đổi khí hậu và giảm phát thải hệ thống lương thực thực phẩm của Chính phủ và các bên liên quan đã được đẩy mạnh; nền tảng pháp lý về an ninh lương thực đang dần được hoàn thiện và có nhiều chính sách đột phá; Ưu thế về thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường của các mặt hàng nông sản ĐBSCL trên thị trường quốc tế.

Hay ngày càng có nhiều hợp tác xã đầu tư chuỗi liên kết khép kín từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp và đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát thải thấp tồn tại trong thực tế tại ĐBSCL cung cấp những dẫn chứng khoa học để có thể nhân rộng.

Các chuyên gia đưa ra những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực để phù hợp với vùng ĐBSCL. Ảnh: Linh An

Các chuyên gia đưa ra những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực để phù hợp với vùng ĐBSCL. Ảnh: Linh An

Nữ tiến sĩ cũng nêu những thách thức không hề nhỏ trong quá trình triển khai, là chuyển dịch, tái cơ cấu kinh tế chậm; đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu điện, nước sạch; kinh tế hạ tầng, xã hội, giao thông chưa đáp ứng được; khó khăn trong công tác quản lý đất đai, môi trường ô nhiễm, chưa chú trọng xử lý rác thải; dịch bệnh; thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, PGS.TS. Kha Chấn Tuyền, Khoa công nghệ Hóa học, Trường ĐH Nông Lâm cho rằng, thách thức lớn nhất của nông nghiệp vùng ĐBSCL chính là khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ. Do đó, ĐBSCL cần tránh phát triển theo chiều rộng còn mang tính tự phát, phá vỡ các quy hoạch ngắn hạn và dài hạn, khai thác tài nguyên đất, nước thiếu kiểm soát, gây nên tác động xấu cho phát triển bền vững.

Để xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL cần nhanh chóng nghiên cứu và định hướng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng địa phương; phân tích và thử nghiệm ứng dụng cơ giới hóa các khâu có chỉ số MI thấp trong các hoạt động sản xuất lúa, cây có múi, lợn, vịt, tôm và cá; quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung để tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn cho sản xuất có giá trị gia tăng cao.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Kha Chấn Tuyền, khoa Công nghệ Hóa học - Trường đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Linh An

Phó giáo sư, Tiến sĩ Kha Chấn Tuyền, khoa Công nghệ Hóa học - Trường đại học Nông Lâm TPHCM. Ảnh: Linh An

Nhanh chóng ứng dụng các kỹ thuật công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch; trong sản xuất chế biến, từng bước gia tăng ứng dụng kỹ thuật số để nâng cao độ tinh chế và chất lượng sản phẩm.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số để phối hợp giữa các nhà thu mua, chế biến và phân phối nông sản thực phẩm; hướng tới người tiêu dùng thông minh có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm mình đang sử dụng; xây dựng chiến lược quốc gia toàn diện về ứng dụng công nghệ số để đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, thực phẩm Việt Nam theo chuẩn quốc tế.

Đàm Đệ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vua-lua-vn-cap-thiet-xay-dung-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-phat-thai-thap-2314940.html