Tìm giải pháp phát triển ngành công nghiệp không khói

Chiều 5-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông báo, đã có 89 đại biểu Quốc hội (ĐB) đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn về những nội dung: công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: KH-ĐT, Tài chính, GTVT, GD-ĐT, LĐTB-XH, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ đây là dịp để bộ báo cáo Quốc hội những kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Dẫn điều tra dư luận xã hội học của Ban Tuyên giáo Trung ương do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thu thập và xử lý thông tin, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL thông báo “có một tín hiệu khá vui mừng” khi được hỏi việc phát triển văn hóa con người Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hay chưa? Tỷ lệ khẳng định đã tăng 32%, từ 43% năm 2019 lên 75% năm 2024.

“Điều này cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về lĩnh vực này”, Bộ trưởng nhận định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, ngành VH-TT-DL vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và có nhiều hạn chế trong công tác. Toàn ngành cũng ý thức phải quyết tâm, nỗ lực, cố gắng cao hơn để tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao, xử lý tốt mối quan hệ giữa mong muốn xã hội với chức năng nhiệm vụ của ngành, giữa mục tiêu cần thực hiện với nguồn lực còn hạn hẹp hiện nay.

 ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Là ĐB đầu tiên nêu câu hỏi, ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) băn khoăn về giải quyết việc làm cho vận động viên sau khi giải nghệ.

“Đa số các vận động viên đều chung nỗi lo sẽ làm công việc gì sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu. Sau khi giải nghệ, chỉ có số ít vận động viên được chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc các công việc khác liên quan đến thể thao, kinh doanh. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ?”, ĐB Trần Quang Minh hỏi.

ĐB Trần Quốc Quân (Long An) đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian tới, cần ban hành chính sách riêng theo hướng Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống đỉnh cao. Còn về phía địa phương, sẽ khuyến khích tìm kiếm, hỗ trợ cho các nghệ nhân, bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này. Cùng với đó là tập trung kết nối với du lịch, phát triển nhiều sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa, để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, để có điều kiện phát triển loại hình này.

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phản ánh, sau đại dịch, Chính phủ và Quốc hội quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Ông Cường đề nghị Bộ trưởng nêu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

 ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng). Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng hồi đáp, 300 tỷ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển, mà theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ, được áp dụng theo quyết định do Thủ tướng ban hành. Số tiền 300 tỷ đồng được chia làm 2 phần, mỗi phần 150 tỷ đồng. Theo đó, 150 tỷ đồng được nhận trước đã gửi vào ngân hàng, số lãi chi cho hoạt động của bộ máy theo đúng quy định và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước. Số tiền còn lại được lưu giữ ở Kho bạc Nhà nước.

Còn kinh phí chi cho xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp, thông qua tỷ lệ phần trăm các hoạt động của ngành du lịch (như phí, vé) và được Nhà nước thu lại.

Hiện Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành, thiết lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới (mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập).

“Có những vướng mắc nhưng tinh thần chung là sẽ quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy, vận động lại, và nếu cần thiết sẽ báo cáo đánh giá tác động để xem xét, đề xuất sửa đổi quyết định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt điều lệ hoạt động của quỹ này, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá du lịch”, Bộ trưởng Hùng trả lời.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-giai-phap-phat-trien-nganh-cong-nghiep-khong-khoi-post743153.html