Tìm giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững
Hội thảo khoa học 'Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới của đất nước' đã thành công tốt đẹp với nhiều dấu ấn và kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến mạnh mẽ giúp Bình Dương phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới. Bình Dương ghi nhận những ý kiến tâm huyết với những góc nhìn đa chiều, những đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học giả… để tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của đất nước.
Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước”. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Nhận diện khó khăn, thách thức
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Bình Dương. Hội thảo phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình phát triển của Bình Dương hơn 25 năm qua. Đặc biệt, hội thảo sẽ giúp cho Bình Dương xác định tầm nhìn, mục tiêu, những định hướng trọng tâm, đột phá chiến lược và động lực phát triển đến năm 2 050.
- Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nhìn lại hơn 25 năm qua, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đã mang lại những dấu ấn nổi bật trong kỳ tích phát triển của Bình Dương. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan, bằng lòng với thành công đã đạt được. Tôi mong rằng, các đồng chí luôn luôn phải thấy được mình vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều điểm nghẽn cần phải giải quyết. Thành tựu vừa qua là một chút khích lệ, một chút động viên tinh thần để thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Với nhận thức sâu sắc về cơ hội và thách thức trong thời gian tới, tôi hy vọng Bình Dương sẽ vượt qua, mà trên hết là phải vượt qua được “bẫy năng suất” và “bẫy thu nhập trung bình” trong giai đoạn hậu phát triển công nghiệp.
- Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Với những thành tựu đạt được sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đang vươn tới những triển vọng, tầm nhìn, chiến lược rộng hơn, xa hơn và động lực mạnh mẽ để hiện thực thành công trong giai đoạn tới. Trong đó, Bình Dương tiếp tục khơi thông các “điểm nghẽn” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nắm lấy trách nhiệm tiên phong, đi đầu trong phát triển thời gian tới. Bình Dương tiếp tục tận tâm, tận lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; khơi thông và huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng; tập trung phát triển vành đai công nghiệp thế hệ mới, phát triển công nghiệp xanh, đô thị thông minh; xây dựng vùng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển cân bằng giữa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; tiến tới xây dựng Bình Dương thành một đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và thật sự là nơi đáng sống.
Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định Bình Dương là tỉnh đi đầu trong đổi mới tư duy của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những chính sách nổi bật như “trải chiếu hoa” mời gọi đầu tư, kết hợp công nghiệp hóa và đô thị hóa, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội, thực hiện tốt công tác quản lý điều hành… Công nghiệp hóa tạo nguồn lực cho đô thị hóa và ngược lại, đô thị hóa tạo cơ sở cho công nghiệp phát triển. Tỉnh luôn đặt trọng tâm vào phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, kiên trì theo quy hoạch khung của tỉnh, quy hoạch vùng, thực hiện đồng bộ phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; chú trọng phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, chú trọng và tranh thủ toàn diện việc hội nhập quốc tế, phát huy vai trò đòn bẩy của doanh nghiệp Nhà nước, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao…
GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá rất cao những thành tựu phát triển Bình Dương đạt được trong thời gian qua. Đây là điểm sáng, phản ánh sinh động những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, với những quyết sách hệ trọng, như: Chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Những thành tựu đó còn phản ánh một mô hình phát triển hết sức sáng tạo trong tiến trình đổi mới của đất nước, mà Bình Dương đã thực hiện được, đó là “Trung ương mở đường, địa phương kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành, người dân tham gia” trong quá trình phát triển.
Để phát huy những thành tựu đã đạt được, tránh tất cả các nguy cơ, tạo nên sự phát triển bền vững cho tỉnh, theo TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh các giải pháp tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2020-2025, Bình Dương cần có một quy hoạch tổng thể phát triển không chỉ là đến 2050, mà nên dài hơi hơn, khoảng thời gian 25 năm là không dài so với sự phát triển của một tỉnh; ưu tiên các dự án đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, bảo đảm môi trường tự nhiên, xã hội, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao, chế biến, chế tạo, ít gây ô nhiễm làm mũi nhọn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền kinh tế tri thức là yếu tố sống còn để tỉnh đạt mục tiêu đề ra và không rơi vào bẫy thu nhập trung bình; xây dựng tỉnh Bình Dương theo mô hình đô thị, với nhiều thành phố, trung tâm đa năng, bảo đảm tính kết nối cao về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị…
Sẵn sàng cho giai đoạn mới
Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế Bình Dương đang có dấu hiệu chững lại, việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Hội thảo khoa học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Bình Dương là phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình phát triển của Bình Dương. Đặc biệt, hội thảo không chỉ giúp Bình Dương xác định tầm nhìn, mục tiêu, những định hướng trọng tâm, đột phá chiến lược và động lực phát triển đến năm 2050, mà còn phục vụ cho việc tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế số ngày càng có vai trò quan trọng, nhất là trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, đặc biệt cho các địa phương có tiềm năng và cơ hội phát triển như tỉnh Bình Dương. Mô hình phát triển của Bình Dương giai đoạn tới phải phát huy tốt nhất tiềm năng và lợi thế so sánh trong bối cảnh và điều kiện mới. “Tỉnh Bình Dương cần tiếp tục kiên định đổi mới mô hình phát triển theo hướng thu hút các nhà đầu tư chiến lược; xây dựng các chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các trọng tâm và đột phá về thể chế, hạ tầng, nhân lực, khoa học công nghệ, đất đai, bất động sản để tối ưu hóa quá trình phát triển và nguồn lực của tỉnh”, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhấn mạnh.
Với nhận thức sâu sắc về cơ hội và thách thức trong thời gian tới, Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng và liên vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương tiên phong trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Bình Dương đang nỗ lực đổi mới mô hình phát triển, tập trung phát triển những hệ sinh thái kiểu mới, hệ sinh thái công nghiệp thông minh, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ làm động lực, lấy việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm trọng tâm, trên nền tảng triết lý phát triển của tỉnh “Môi trường đầu tư hiệu quả - Xã hội nhân văn hài hòa - Chính quyền năng động kiến tạo”. Với những nỗ lực trên, Bình Dương tự tin sẽ vượt qua được thách thức, vươn lên một phân khúc mới, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.