Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA

Dù mục tiêu đặt ra rõ ràng, đồng thời quyết tâm cũng được 'lên dây cót' ngay từ đầu năm, song việc giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài (vốn ODA) vẫn tiếp tục chậm. Nguyên nhân không mới, nhưng việc tháo gỡ vẫn gặp khó, gây cản trở tiến độ.

Theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương và theo số liệu từ hệ thống TABMIS, tính đến hết ngày 31/7/2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương mới đạt 17,93%.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành mới được 20,66% kế hoạch vốn được giao, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt trên 33,57%; Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt 21,47%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 13,99%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 13,57%; 6 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2024. Tương tự, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài của các địa phương tính đến ngày 3/7/2024 đạt 15,23%. Trong đó 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60% (Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Vĩnh Long). Hà Nội có tỷ lệ giải ngân mới được 2,09%; TP Hồ Chí Minh là 5,27%; 16 địa phương chưa giải ngân.

Giải phóng mặt bằng vẫn “làm khó” đầu tư công.

Giải phóng mặt bằng vẫn “làm khó” đầu tư công.

Nguyên nhân giải ngân chậm không mới, nhưng khó giải quyết, trong đó khâu đấu thầu, ký kết, hồ sơ trình đi trình lại mất nhiều thời gian. Một vướng mắc nữa đó là nhiều dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, hiệp định vay; chậm nhận được ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ… Tuy nhiên, theo bà Phạm Hồng Vân, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng làm chậm tiến độ giải ngân của nhiều dự án.

Thủ tục giải phóng mặt bằng chậm khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên theo thời gian chờ đợi, làm chủ đầu tư phải làm thủ tục điều chỉnh vốn, lại chờ nhà tài trợ chấp thuận điều chỉnh vốn, chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án. Bên cạnh đó, trong năm nay, có một số địa phương đã lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát với thực tế, đặc biệt với các dự án có năm 2024 là năm giải ngân cuối cùng dẫn đến việc thiếu hoặc không có kế hoạch vốn để giải ngân.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho công tác giải ngân, thường xuyên tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án ghi nhận kịp thời các vướng mắc, khuyến nghị các giải pháp xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tổ chức các đoàn trực tiếp làm việc, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các địa phương được giao nhiều kế hoạch vốn; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm tháo gỡ các vướng mắc về phía nhà tài trợ như rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ tiến độ, tập trung triển khai thực hiện các dự án đã xong công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hoặc cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành kịp thời hạn. Đồng thời, khẩn trương xử lý vướng mắc giải phóng mặt bằng và vướng mắc khác trong phạm vi thẩm quyền. Đối với các kiến nghị giải pháp vượt quá thẩm quyền xử lý của các bộ, ngành, cần nhanh chóng tổng hợp, báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết...

Từ góc độ chuyên gia, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng phải làm tốt công tác quy hoạch, đảm bảo các tiêu chí như ổn định, đồng bộ, lâu dài và phải mang tính khoa học, sau đó mới đến việc lập dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc quy hoạch của chúng ta từ nhiều năm nay chưa đồng bộ. Do đó, khi được giao vốn mới “quay cuồng” đi chỉnh sửa nên mất rất nhiều thời gian. Đáng chú ý, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh về vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu có vướng mắc trong tầm kiểm soát của mình thì phải giải quyết ngay, nếu vượt tầm thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để giải quyết dứt điểm.

“Rõ ràng ở đây, người đứng đầu đã thiếu tinh thần trách nhiệm nên vai trò chưa được phát huy. Vì vậy, theo tôi, phải kết hợp nhiều yếu tố chứ không riêng ở một yếu tố nào. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là cần phải quy trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công cho người đứng đầu các ngành, địa phương để nâng cao trách nhiệm của họ. Có như thế chúng ta mới thực hiện được việc đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công tốt nhất, hiệu quả nhất”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh góp ý.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tim-giai-phap-thuc-day-giai-ngan-von-oda-i741267/