Tìm giải pháp trị hiện tượng lạ 'rủ nhau bùng nợ'

kinhtedothi - Dù các quy định về việc xử phạt với hành vi bùng nợ đã có, tuy nhiên, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn rất khó khăn.

Vì thế, để xử lý triệt để tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, nên luật hóa các quy định về thu hồi nợ.

“Bùng nợ” là thuật ngữ được nhắc đến nhiều thời gian gần đây. Chỉ cần gõ cụm từ này, trên khắp các diễn đàn, từ website đến các mạng xã hội, hàng chục nghìn kết quả tìm kiếm ngay lập tức hiện lên. Hiện tượng nhức nhối này là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu các công ty tài chính dâng cao tính từ đầu năm đến nay.

Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ lụy lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính.

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid- 19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng.

Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng. Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 .

Trong bối cảnh cho vay tiêu dùng chính thống sụt giảm, tín dụng đen lại có dấu hiệu bùng phát thời gian qua. Đáng lo là rộ lên tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen.

Tình trạng này kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ì trả nợ, thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng bùng nợ trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó

Dù các quy định về việc xử phạt với hành vi bùng nợ đã có, từ xử phạt hành chính đến hình sự. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ của các công ty tài chính tiêu dùng vẫn rất khó khăn và bị hạn chế hơn rất nhiều so với ngân hàng.

Nguyên nhân bởi khách hàng không có tài sản bảo đảm. Hoạt động cho vay hoàn toàn dựa vào tín chấp, ý thức trả nợ của khách hàng. Vì thế, trong dài hạn, để xử lý triệt để tình trạng này, giới chuyên gia cho rằng, nên luật hóa các quy định về thu hồi nợ.

Hiện, tại Việt Nam, dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp theo luật đang bị cấm. Song tại nhiều nước, dịch vụ này được quy định rõ ràng, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện các quy định bảo đảm phù hợp với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho phép quản lý dịch vụ thu hồi nợ chuyên nghiệp.

Nha Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-giai-phap-tri-hien-tuong-la-ru-nhau-bung-no.html