'Tìm hiểu Luật An ninh mạng': CATP Đà Nẵng hoàn thành xuất sắc cuộc thi

Ngày 10-12, Đại tá Trần Đình Chung- Thành ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc CATP Đà Nẵng chủ trì Lễ tổng kết và tuyên dương các tác giả, nhóm tác giả có thành tích xuất sắc tại cuộc thi viết 'Tìm hiểu Luật An ninh mạng' do Bộ CA phát động.

Ngày 10-12, Đại tá Trần Đình Chung- Thành ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc CATP Đà Nẵng chủ trì Lễ tổng kết và tuyên dương các tác giả, nhóm tác giả có thành tích xuất sắc tại cuộc thi viết "Tìm hiểu Luật An ninh mạng" do Bộ CA phát động.

Đại tá Trần Đình Chung tuyên dương các cá nhân có bài viết xuất sắc.

Đại tá Trần Đình Chung tuyên dương các cá nhân có bài viết xuất sắc.

Ban tổ chức cuộc thi CATP Đà Nẵng khẳng định, cuộc thi viết "Tìm hiểu Luật An ninh mạng" là việc làm hết sức thiết thực để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 1-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 126/KH-BCA-A05 ngày 11-4-2019 của Bộ CA về triển khai thi hành Luật An ninh mạng (ANM). Đồng thời, là dịp để mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) hiểu biết sâu kỹ về những quy định về Luật ANM và các điều khoản thi hành...

Theo báo cáo của Phòng Tham mưu CATP, quá trình thực hiện kế hoạch của Bộ CA, Giám đốc CATP và hướng dẫn của Ban tổ chức cuộc thi CATP, CA các đơn vị, địa phương đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai cuộc thi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Nhiều đơn vị, địa phương thông qua sinh hoạt "Ngày pháp luật", giao ban hàng ngày, họp đơn vị, sinh hoạt chi bộ, đoàn thể để phổ biến rộng rãi nội dung Luật ANM, kế hoạch, thể lệ cuộc thi, bộ câu hỏi cuộc thi để CBCS nắm vững, tham gia dự thi. Kết quả, có 36/36 CA các đơn vị, địa phương đã tham gia dự thi với tổng cộng 2.778 bài và 4.078/4.526 CBCS tham gia dự thi. Qua quá trình chấm điểm, ban giám khảo đã thẩm định và thống nhất chọn 11 bài thi xuất sắc của các cá nhân, nhóm tác giả, trong đó 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

Đại diện nhóm tác giả đạt giải Nhất, Thượng úy Lê Quốc Be- cán bộ Phòng Tham mưu CATP cho hay, khi tham gia cuộc thi, bản thân anh và đồng đội trong nhóm xác định rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh trên thế giới với số người sử dụng Internet đạt 60% dân số và đứng thứ 13 trên thế giới về sử dụng internet. Không gian mạng đã thực sự mang lại những lợi ích to lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, góp phần phát huy sức sáng tạo, quyền làm chủ, khả năng giám sát, phản biện của nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Theo Thượng úy Be, không gian mạng đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại của mỗi người chúng ta. Nhưng bên cạnh những lợi ích mang lại, không gian mạng ở nước ta cũng đã xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức, tác động rất lớn tới chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự xã hội. "Có lúc, không gian mạng đã trở thành môi trường để các thế lực thù địch, phần tử xấu, số cực đoan, cơ hội chính trị, số tội phạm hình sự... triệt để lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, tham gia cuộc thi này chính là cơ hội để chúng ta có thêm hiểu biết về Luật ANM, từ đó có những kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành xây dựng một hành lang pháp lý nhằm thiết lập quy tắc ứng xử, điều chỉnh các hành vi, quan hệ xã hội, giữ gìn môi trường mạng lành mạnh, bảo đảm các hoạt động trên không gian mạng không làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Thượng úy Lê Thị Kim Dung- Đội CSGT-TT, CAQ Liên Chiểu cũng có chung quan điểm, dẫn ví dụ: Năm 1997, Việt Nam chính thức kết nối vào mạng máy tính toàn cầu Internet. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng số người sử dụng Internet cao trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của Internet, Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức rất lớn về vấn đề bảo mật an ninh thông tin. Điển hình như năm 2016 đã có tổng cộng khoảng 145 nghìn cuộc tấn công mạng khác nhau nhằm vào hệ thống thông tin Việt Nam với ba loại hình tiến công chính là: lừa đảo, mã độc và thay đổi giao diện, gây thiệt hại hơn 10.400 tỷ đồng. Theo Thượng úy Dung, được tham gia cuộc thi viết "Tìm hiểu về Luật An ninh mạng" là việc làm rất có ý nghĩa, không chỉ trang bị được kiến thức cần thiết, kỹ năng sử dụng an toàn và ứng phó với những tác động mặt trái, rủi ro từ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đưa lại, mà còn nắm được cơ sở pháp lý để phòng ngừa, xử lý các hành vi xâm phạm ANM...

Đánh giá về cuộc thi, Đại tá Trần Đình Chung khẳng định: Lãnh đạo CA các đơn vị, địa phương đã xác định cuộc thi là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2019, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi để CBCS tham gia cuộc thi hiệu quả. Với CBCS, cũng đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa cuộc thi nên chủ động sưu tầm tài liệu và đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và làm bài dự thi đạt chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức. "Hầu hết các bài thi đều trả lời đầy đủ 9 câu hỏi, thể hiện hiểu biết của người dự thi về lịch sử hình thành và phát triển của ANM. Ngoài một số tồn tại như các bài thi chưa có đầu tư nghiên cứu, thực hiện bài thi sơ sài, đối phó, đã có rất nhiều bài đạt giải với nội dung được nghiên cứu sâu, thể hiện tâm huyết của người dự thi. Đặc biệt, các câu trả lời có sự phân tích sâu sắc, nắm vững nội dung của Luật ANM; sự phân tích so sánh đối chiếu, văn phong mạch lạc, bố cục chặt chẽ. Nhiều CBCS đã liên hệ sát thực tế, nêu bật được trách nhiệm của bản thân, của lực lượng CA trong việc thực thi và bảo vệ Luật ANM. Đặc biệt, có nhiều bài dự thi trên 100 trang, trình bày đẹp, trang trọng, sưu tầm ảnh, tư liệu minh họa sinh động, thể hiện tốt sự đầu tư, nghiên cứu tỉ mỉ của người dự thi. Ban tổ chức cuộc thi đang kỳ vọng rằng, những bài được chọn tham gia dự thi cấp Bộ sẽ đạt được kết quả tốt", Đại tá Trần Đình Chung nhận xét.

Công Hạnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_217351_-tim-hieu-luat-an-ninh-mang-catp-da-nang-hoan-th.aspx