Tìm hiểu về tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân 'có thể tạo sóng thần' của Triều Tiên

Theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên ngày 24/3, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm thành công hệ thống vũ khí tấn công dưới nước mới là tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân mang tên 'Haueil' (Sóng thần)

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bên cạnh vũ khí được cho là tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân Haueil (Ảnh: KCNA).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bên cạnh vũ khí được cho là tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân Haueil (Ảnh: KCNA).

Theo trang tin Trung Quốc The Paper ngày 25/3, Triều Tiên đã lần đầu tiên công khai chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân không người lái của họ, qua các bức ảnh công bố thì thấy kích thước của con tàu tấn công này lớn hơn một quả ngư lôi hạng nặng có đường kính 533 mm.

Có thể tấn công cảng đối phương, "gây nên sóng thần"

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, cuộc thử nghiệm lần này được thực hiện ở bờ biển huyện Iwon, tỉnh Nam Hamgyong, Triều Tiên, con tàu đi theo đường hình elip và hình số 8 được thiết lập trên Biển Đông của Triều Tiên từ 21 đến 23/3. Tàu lặn ở độ sâu từ 80 mét đến 150 mét trong 59 giờ 12 phút, tới chiều ngày 23/3 đến điểm mục tiêu giả định cảng đối phương trong vùng biển Vịnh Hongyuan và tiến hành thử nghiệm vụ nổ dưới nước của đầu đạn. Tất cả các dữ liệu chiến thuật và kỹ thuật và các chỉ tiêu kỹ thuật hành trình của tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân này đã được đánh giá chính xác, độ tin cậy và an toàn của nó đã được xác nhận và khả năng tấn công của nó đã được chứng minh.

Theo KCNA, nhiệm vụ của vũ khí chiến lược hạt nhân ngầm là bí mật lẻn vào vùng nước tác chiến, tiến hành vụ nổ dưới nước để gây ra sóng thần phóng xạ siêu mạnh, phá hoại và tiêu diệt biên đội tàu chiến và các cầu cảng tác chiến chủ chốt của kẻ địch.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các chuyên gia tham gia cuộc thử nghiệm(Ảnh: KCNA).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các chuyên gia tham gia cuộc thử nghiệm(Ảnh: KCNA).

Giáo sư Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân Trung Quốc, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn trang The Paper (www.thepaper.cn) rằng các cơ quan truyền thông chính thức của Triều Tiên tuyên bố rằng tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân của Triều Tiên tương tự như tàu ngầm không người lái "Poseidon" của Nga, cả hai đều là vũ khí chiến lược thuộc loại vũ khí chiến lược, có thể mang đầu đạn hạt nhân để tấn công hạt nhân hoặc răn đe hạt nhân.

"Tuy nhiên, tàu ngầm không người lái 'Poseidon' của Nga sử dụng động cơ năng lượng hạt nhân, còn tàu ‘Haueil’ Triều Tiên thì nhiều khả năng sử dụng năng lượng thông thường", Lý Kiệt nói.

Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Thông điệp Liên bang vào thời điểm đó đã giới thiệu một số vũ khí mới mà Nga đang phát triển, trong đó bao gồm hệ thống tên lửa “Sarmat”, phương tiện ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân, tên lửa hành trình sử dụng năng lượng hạt nhân “Swift”… Phương tiện ngầm không người lái hạt nhân sau khi lấy ý kiến công chúng Nga bình chọn trên mạng được đặt tên là "Poseidon".

Đầu đạn thử nghiệm phát nổ (Ảnh: KCNA).

Đầu đạn thử nghiệm phát nổ (Ảnh: KCNA).

Tờ Izvestia của Nga trước đây đã đưa tin ông Alexander Mikhailov, Giám đốc Cục Phân tích Chính trị và Quân sự Nga, cho biết "Poseidon" có thể di chuyển với tốc độ lên tới 200 km/h ở độ sâu 1.000 mét dưới nước và có thể mang theo các loại vũ khí thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân đương lượng nổ tương đương 2 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Phân tích chỉ ra rằng một khi trang bị của phương tiện ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân "Poseidon" phát nổ gần bờ biển của kẻ thù, vụ nổ có thể gây ra cơn sóng thần cao 500 mét và rộng 550 km, không chỉ có thể phá hủy hoàn toàn căn cứ hải quân, mà cả các thành phố ven biển của đối phương.

Phương tiện ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân "Poseidon" chủ yếu được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân đặc chủng của Hải quân Nga, hiện nay, các tàu ngầm hạt nhân đặc chủng "Belgorod" và "Khabarovsk" của Nga đã được hạ thủy. Theo tờ Izvestia của Nga ngày 20/2, Hải quân Nga đang xây dựng trên bán đảo Kamchatka cơ sở hạ tầng cho tàu ngầm hạt nhân "Belgorod" có khả năng mang theo phương tiện ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân "Poseidon".

Theo KCNA, Triều Tiên đã phát triển hệ thống vũ khí tấn công chiến lược hạt nhân dưới nước khái niệm tác chiến mới từ năm 2012. Vũ khí bí mật này được đặt tên là "Tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân ‘Haueil’ (Sóng Thần)" tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng Lao động Triều Tiên. Sau khi “Haueil” đã trải qua hơn 50 cuộc kiểm tra giai đoạn cuối hình thức khác nhau, Hội nghị toàn thể lần thứ VI của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động khóa VIII tổ chức vào tháng 12/2022 đã quyết định tiến hành triển khai tác chiến.

Tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân chủ yếu được sử dụng để tấn công biên đội tàu chiến và các cảng chiến đấu chủ yếu của đối phương.

Tàu Haueil đang di chuyển ngầm dưới nước (Ảnh: KCNA).

Tàu Haueil đang di chuyển ngầm dưới nước (Ảnh: KCNA).

"Có thể tấn công căn cứ quân sự Mỹ ở Guam"

Việc Triều Tiên lần đầu tiên công bố tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân “Haueil” cũng khiến việc phát triển lực lượng hạt nhân trên biển của Triều Tiên trở thành chủ đề bàn luận của thế giới bên ngoài.

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnick, ông Kim Dong Yeop, phó giáo sư tại Đại học Chosun của Hàn Quốc, cho rằng căn cứ các thông số mà Triều Tiên công bố, loại vũ khí mới này có thể tấn công trực tiếp các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Đảo Guam. Các chuyên gia tạm thời chưa thể xác định độ tin cậy của tin tức từ phía Triều Tiên, nhưng xét thấy vũ khí không người lái dưới nước hiện đang là lĩnh vực mà các quốc gia trên thế giới cạnh tranh khốc liệt để phát triển, và một phần lớn các hệ thống nghiên cứu và phát triển sẽ được hiện thực hóa, vì vậy khó có thể xem nhẹ công bố của Triều Tiên.

Dựa trên phân tích các bức ảnh do Triều Tiên công bố, chuyên gia Lý Kiệt cho rằng đường kính của tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân “Haueil” lớn hơn đường kính phổ biến của loại ngư lôi hạng nặng (533mm), khi chiến đấu bị đẩy ra khỏi hang chứa đặt ngầm dưới nước; để tăng cường khả năng sống sót, Triều Tiên có thể xây dựng nhiều hang, một số có triển khai tàu ngầm tấn công, một số không triển khai để nghi binh.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát vụ thử nghiệm (Ảnh: KCNA).

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un quan sát vụ thử nghiệm (Ảnh: KCNA).

Sự xuất hiện của tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân “Haueil” rõ ràng sẽ tăng cường phương tiện tấn công cho lực lượng hạt nhân trên biển của Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên đã công khai thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm.

Tên lửa đạn đạo có ưu điểm là tốc độ bay nhanh và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ mạnh. Các cường quốc hạt nhân thường xây dựng lực lượng hạt nhân trên biển với tàu ngầm hạt nhân kết hợp với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Mặc dù Triều Tiên hiện không có tàu ngầm hạt nhân nhưng nước này vẫn đang xây dựng mô hình năng lượng hạt nhân trên biển kết hợp giữa tàu ngầm thông thường với tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm tùy theo tình hình thực tế. Vào tháng 5/2015, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên "Pukuksong-1”; vào tháng 12/2019, Triều Tiên đã thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới "Pukuksong-3”; vào tháng 10/2021, tàu ngầm của Triều Tiên lại phóng thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới. Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã công khai trình diễn 2 loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm là " Pukuksong-4” và “Pukuksong-5”.

Hình ảnh vụ nổ thử nghiệm (Ảnh: Yonhap/KCNA).

Hình ảnh vụ nổ thử nghiệm (Ảnh: Yonhap/KCNA).

Tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân di chuyển dưới nước có thể nâng cao khả năng che giấu của nó với sự trợ giúp của nước biển.

Về tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm, ngày 12/3, Triều Tiên lần đầu tiên công khai sự tồn tại của tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm. Theo KCNA, tàu ngầm mang tên "Tàu anh hùng 24/8" của Triều Tiên vào ngày hôm đó đã phóng hai tên lửa hành trình chiến lược và các tên lửa này đã bay được 1.500 km. Theo KCNA, thông qua cuộc huấn luyện phóng, độ tin cậy của hệ thống vũ khí đã được xác nhận và một thành phần quan trọng khác của lực lượng răn đe hạt nhân của Triều Tiên đã được thử nghiệm và đánh giá: tình huống chiến đấu tấn công từ tàu ngầm của lực lượng tàu ngầm.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với The Paper trước đó, chuyên gia tên lửa Trung Quốc Lý Văn Thịnh nói: “Tên lửa hành trình tầm xa chủ yếu bay ở độ cao thấp và khả năng che giấu khá mạnh, đồng thời có thể tránh một số vị trí phòng không thông qua việc lập kế hoạch đường bay, đồng thời có khả năng đột phá mạnh; trong khi tên lửa đạn đạo bay ở độ cao lớn hoặc bên ngoài bầu khí quyển, cả hai loại có thể phối hợp với nhau, một cao và một thấp, để tăng tỷ lệ thành công của các đòn tấn công."

So với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân đi dưới nước và sử dụng nước biển để cải thiện khả năng che giấu, và kích thước của nó nhỏ hơn nhiều so với tàu ngầm mang tên lửa, các hệ thống chống ngầm hiện có rất khó đối phó hiệu quả với loại vũ khí này.

"Từ tên lửa đạn đạo đến tên lửa hành trình, cho đến tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân hiện nay, vũ khí của lực lượng hạt nhân trên biển của Triều Tiên đang cho thấy xu hướng đa dạng hóa. Thay vì 'bỏ trứng vào một giỏ', mục đích của Triều Tiên hướng tới tăng cường độ tin cậy của các lực lượng tác chiến và răn đe hạt nhân trên biển". Ông Lý Kiệt phân tích bổ sung: "Triều Tiên tuyên bố rằng loại vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công các hạm đội của kẻ thù mà mối đe dọa lớn nhất đối với Triều Tiên là biên đội tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, cũng là thủ đoạn được Mỹ thường xuyên sử dụng để đe dọa Triều Tiên, vì vậy tàu ngầm không người lái tấn công hạt nhân sẽ trở thành thứ vũ khí cốt lõi của Triều Tiên để đối phó với tàu sân bay Mỹ”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tim-hieu-ve-tau-ngam-khong-nguoi-lai-tan-cong-hat-nhan-co-the-tao-song-than-cua-trieu-tien-post165280.html