Tìm hướng bảo tồn di sản nghệ thuật bài chòi
Sau 5 năm triển khai, Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh dù đạt nhiều thành quả nhưng vẫn đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến môi trường diễn xướng cho loại hình di sản này vẫn chưa nhiều và có nhiều thay đổi theo chiều hướng hiện đại, chương trình quảng bá chưa rộng rãi nên chưa thu hút người tham gia…
Di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Không lâu sau khi được công nhận, tỉnh đã có đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình di sản nghệ thuật này ở giai đoạn 2019 - 2023.
Đưa vào trường học để bảo tồn
Một trong những dấu ấn của đề án này, theo Sở Văn hóa và Thể thao, đó là trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách đưa bài chòi vào trong trường học. Vì thế, sở đã phối hợp với các huyện, thị xã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách hát, hò, kỹ năng trình diễn, cách gõ phách bài chòi cho hàng trăm giáo viên bộ môn âm nhạc, tổng phụ trách. Di sản bài chòi từ đó được đưa vào dạy lồng ghép trong chương trình môn âm nhạc cũng như các chương trình ngoại khóa của các trường để giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh.
Theo bà Nguyễn Thị Lợi, Chuyên viên Phòng Quản lý Di sản Văn hóa - Sở Văn hóa và Thể thao, việc đưa di sản bài chòi vào trường học không chỉ đơn thuần là hướng dẫn cho học sinh tập hát, hô bài chòi, mà còn giúp các em nhận ra những giá trị nhân văn ẩn chứa trong nội dung từng lời hò. Thông qua hoạt động này, các em học sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về nghệ thuật bài chòi, xem các nghệ nhân biểu diễn bài chòi và đặc biệt, các em được tham gia trực tiếp vào các hội chơi bài chòi, được các nghệ nhân hướng dẫn hò các làn điệu bài chòi với tinh thần vui tươi, sôi nổi, vừa chơi vừa học nhằm tạo sức lôi cuốn.
“Hoạt động này còn giúp các em biết trân trọng, yêu quý di sản nghệ thuật bài chòi, có niềm đam mê với bài chòi nói riêng và âm nhạc truyền thống dân tộc nói chung. Qua đó bồi đắp cho thế hệ trẻ giá trị thẩm mỹ và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sự tiếp nối cho các thế hệ trong việc bảo vệ và phát huy di sản đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, bà Lợi nhận định.
Những năm qua, nhiều câu lạc bộ cũng được thành lập và đã tham gia nhiều liên hoan nghệ thuật, cuộc thi bài chòi trong và ngoài tỉnh. Và từ những hội thi như thế, đã xuất hiện các nghệ nhân, diễn viên có giọng ca tiềm năng không những chỉ về chất giọng, kỹ thuật hô, hát bài chòi mà còn thể hiện các tiết mục bằng cả sắc thái tình cảm của người nghệ nhân, đem lại hiệu quả cảm xúc cho người nghe. Những nhân tố mới này về sau được đào tạo, bồi dưỡng kỹ hơn để tiếp nối trong công tác bảo tồn cũng như phục vụ các hoạt động nghệ thuật liên quan đến bài chòi.
Vẫn đứng trước nguy cơ thất truyền
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, qua 5 năm thực hiện về cơ bản đã đảm bảo được các nội dung công việc đề ra theo lộ trình của đề án. Thế nhưng vẫn còn lắm nỗi lo, trong đó việc duy trì đội ngũ nghệ nhân có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực bài chòi đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là khi đội ngũ nghệ nhân ngày càng lớn tuổi, trong khi lực lượng nghệ nhân, học viên trẻ, những người biết hát bài chòi ngày càng ít dần, đối mặt trước nguy cơ thất truyền.
Có một thực tế là, nghệ thuật bài chòi đang đứng trước sự cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, trò chơi, thú tiêu khiển công nghệ cao, hiện đại khác. Thị hiếu thưởng thức văn hóa, âm nhạc của một bộ phận người dân, đa phần là lớp trẻ đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Hầu hết các nhóm, câu lạc bộ thực hành bài chòi dân gian trên địa bàn tỉnh hoạt động tự nguyện. Công tác truyền dạy ở các câu lạc bộ bài chòi còn hạn chế, chủ yếu truyền dạy lời hò giữa các thành viên trong gia đình, làng xã. Kinh phí để duy trì các hoạt động còn hạn hẹp.
“Nghệ thuật bài chòi đang dần mai một, thậm chí có nguy cơ biến mất. Những lớp nghệ nhân là những người thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian, được coi là những “di sản sống”, “thư viện sống” đã lần lượt qua đời vì tuổi tác, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn theo các trò chơi hiện đại, trò chơi công nghệ cao. Đặc biệt, không gian diễn xướng của các làng xã hiện nay đang dần dần bị biến dạng dưới tác động của quá trình đô thị hóa đã làm cho không gian thực hành nghệ thuật bài chòi dân gian bị biến đổi”, ông Hải lo lắng.
Tại buổi tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện đề án, ông Phan Thanh Hải cũng đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục kéo dài đề án đến năm 2030. Ngoài ra, đề nghị Nhà nước tôn vinh và xét tặng các danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đối với các nghệ nhân xuất sắc, có công gìn giữ và phát huy di sản nghệ thuật bài chòi. Tham gia và tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng để những nghệ nhân bài chòi, cán bộ quản lý văn hóa có điều kiện nâng cao khả năng biểu diễn, cũng như trao đổi học tập kinh nghiệm quản lý giữa các địa phương, giữa các câu lạc bộ bài chòi với nhau.
Cũng theo ông Hải, cần sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian, cụ thể hóa những chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân trong loại hình nghệ thuật truyền thống này.