Tìm hướng đi cho mô hình kinh tế hợp tác (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ hợp tác xãVới xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từng hộ sản xuất nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn khi tự tìm chỗ đứng trên thị trường. Trong bối cảnh ấy, khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được xác định là một trong những 'bà đỡ', là đầu tàu kéo nông nghiệp, nông dân và nông thôn đi lên. Nhưng để làm được điều này, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ cho kinh tế hợp tác, HTX phát triển.

Kiểm tra sản phẩm tại xưởng chế biến của HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Kiểm tra sản phẩm tại xưởng chế biến của HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, huyện Mộc Châu (Sơn La).

Gỡ bỏ rào cản

Qua khảo sát thực tế tại nhiều địa phương, các HTX hiện nay, chúng tôi nhận thấy, khó khăn tập trung và bao trùm nằm ở một số lĩnh vực: vốn tín dụng, đất đai và nguồn nhân lực trình độ cao. Trong đó, vốn tín dụng là một trong những hạn chế luôn được các HTX chia sẻ trong các câu chuyện của mình. "Nguồn vốn là một khó khăn muôn thuở không chỉ với chúng tôi mà gần như của tất cả các HTX", Giám đốc HTX Gia Thịnh (xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) Nguyễn Chí Chinh mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về những khó khăn mà các HTX nông nghiệp nhìn chung thường gặp phải. Ðược thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2008, HTX Gia Thịnh ban đầu có 10 thành viên với vốn điều lệ chỉ khoảng 200 triệu đồng. Ðến nay, HTX đã phát triển lên 16 thành viên, vốn điều lệ nâng lên đạt 2 tỷ đồng. Nhưng kể từ khi thành lập đến nay, nguồn vốn hoạt động của HTX đều chỉ được huy động từ các thành viên, hoặc anh em họ hàng của các thành viên.

"Việc tiếp cận vốn, mới đầu nghe thì có vẻ dễ, cảm tưởng như hôm nay đi vay, ngày mai sẽ có vốn ngay. Nhưng thực tế, các HTX tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, kể cả nguồn vốn từ Liên minh HTX Việt Nam. Ðơn cử như HTX chúng tôi, sau khi mở rộng hoạt động, nhu cầu về vốn rất cấp bách, muốn đi vay nhưng do tài sản của HTX không có gì để thế chấp cho nên khi đặt vấn đề tiếp cận vốn từ ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân huyện Mộc Châu, trước sau chúng tôi đều bị từ chối", Giám đốc Nguyễn Chí Chinh bày tỏ. Ngoài ra, một khó khăn khác cũng "đeo đẳng" HTX Gia Thịnh trong suốt hơn 10 năm hoạt động đến nay chính là vướng mắc về mặt bằng sản xuất. Hiện trụ sở giao dịch của HTX vẫn đặt trong khuôn viên trang trại hoa lan của gia đình anh Chinh. HTX cũng mong muốn các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoàn thiện thủ tục hồ sơ, từ đó HTX có điều kiện để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Cũng có chung vướng mắc về vốn, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập (huyện Mộc Châu, Sơn La) Hoàng Thị Thúy chia sẻ: Ðến nay, HTX vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi nào từ Nhà nước mà chủ yếu từ huy động của các thành viên trong HTX. Hiện vốn điều lệ ban đầu của HTX là 2 tỷ đồng. Ðể hoạt động kinh doanh, có lúc cao điểm HTX phải huy động tới 20 tỷ đồng. Vì HTX ngoài sản xuất chè ra, còn tham gia kinh doanh (thu mua chè từ doanh nghiệp khác) để xuất khẩu cho nên cần vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, các quy định cho vay của ngân hàng đối với đối tượng vay là HTX lại rất khắt khe, thí dụ theo quy định cho vay HTX, ngân hàng không được phép cho vay quá mức vốn điều lệ,... vì vậy khi cần nguồn vốn lớn để hoạt động, HTX buộc phải huy động thêm từ các thành viên, hoặc sử dụng tài sản cá nhân để thế chấp vay ngân hàng. Thậm chí, có lúc HTX phải chấp nhận vay bên ngoài với lãi suất cao.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Sơn La Nguyễn Thế Phương cho biết, do nằm trên địa bàn Tây Bắc điều kiện địa hình và giao thông không thuận lợi, cho nên việc phát triển kinh tế hợp tác, HTX ở Sơn La gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, một trong những khó khăn cần nhắc đến là các HTX nông nghiệp thường hoạt động kém hiệu quả do thiếu vốn, khó tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi,... Chưa kể, trình độ cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, do vậy việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật và tiếp thu những chính sách mới về phát triển HTX còn rất hạn chế. "Phần lớn các HTX vẫn làm ăn theo kiểu tự phát. Muốn duy trì và phát triển bền vững, ban lãnh đạo HTX rất cần được tập huấn thêm về kỹ năng quản trị, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật,... Chúng tôi cũng luôn mong mỏi Nhà nước và hệ thống Liên minh HTX tổ chức thêm các lớp tập huấn về kỹ thuật cũng như kỹ năng lãnh đạo cho các HTX", Giám đốc HTX Gia Thịnh Nguyễn Chí Chinh đề xuất.

Hoàn thiện khung pháp lý

Có thể thấy, đến nay, hệ thống cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế tập thể, HTX được xây dựng khá đồng bộ. Chúng ta đã có những cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự thành lập và vận hành của HTX từ năm 1955. Luật HTX đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1996, trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung và thay thế vào các năm 2003, 2012 đã khá hoàn thiện. Trong đó, Luật HTX năm 2012 đánh dấu sự thay đổi căn bản về tư duy phát triển HTX, khi vận dụng nhiều nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Liên minh HTX quốc tế (ICA). Bên cạnh đó, cùng với Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế hợp tác (Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002) từ hơn 15 năm trước, Việt Nam cũng đồng thời xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để phát triển kinh tế tập thể.

Những chủ trương và hành lang pháp lý này đã góp phần quan trọng hình thành nên một thế hệ HTX kiểu mới, thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài của những HTX kiểu cũ. Theo khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Ðình Huệ tại Diễn đàn pháp lý Liên minh HTX quốc tế Khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra giữa tháng 4 vừa qua: "Dù tỷ lệ HTX làm ăn hiệu quả vẫn còn nhỏ, mới chỉ đạt hơn 50%, nhưng so với tỷ lệ 10% cách đây chỉ ba năm, đó là thành tích rất đáng khích lệ". Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cũng lưu ý, điều quan tâm nhất hiện nay là hoàn thiện cơ chế, tránh để HTX hết vướng chỗ này lại vướng chỗ kia, không thể bứt phá để hoạt động hiệu quả được.

Hiện con số HTX hoạt động đạt hiệu quả cao ở mỗi địa phương vẫn chỉ ở mức "đếm trên đầu ngón tay" và gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, Chính phủ còn lúng túng chưa thể xử lý ngay. Thí dụ việc giải thể các HTX kiểu cũ để chuyển sang hoạt động theo mô hình mới; quy trình, trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp trong HTX và mối quan hệ của doanh nghiệp này với HTX; hoặc khuôn khổ pháp lý cho kiểm toán và đánh giá hiệu quả làm ăn của các HTX,... Ðây đều là những vướng mắc pháp lý lớn mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa tìm ra cách giải quyết thấu đáo.

Mặt khác, nhiều chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản trị HTX cũng bị đánh giá là chưa thật sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, quy định HTX có thể vay tín chấp ở ngân hàng đến 400 triệu đồng, nhưng trên thực tế, có thể nói gần như chưa có một HTX nào tiếp cận được mức vay này. Bởi tài sản của mô hình HTX kiểu mới khác với tài sản trong mô hình kinh doanh kiểu đối vốn. Do đó, HTX kiểu mới gặp vướng mắc khi dùng tài sản thế chấp ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng cũng không dám "hy sinh rủi ro hệ thống" cho vay không thế chấp do nguy cơ dễ dẫn tới nợ xấu.

Nhiều ý kiến cho rằng, HTX nông nghiệp là "bà đỡ" trong tiến trình cơ cấu lại nền nông nghiệp, có ảnh hưởng tới hàng triệu nông dân và sự phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Do vậy, cần có một khuôn khổ pháp lý riêng biệt, một nghị định riêng để điều chỉnh hoạt động các mô hình HTX nông nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn về đào tạo nguồn nhân lực và các thiết chế hạ tầng đi cùng. Mục tiêu thị trường và cạnh tranh chính là động lực để HTX tồn tại và phát triển. Muốn vậy, bên cạnh việc nhận thức đúng và xóa bỏ các rào cản, cơ chế kinh doanh, các HTX cũng rất cần có nguồn nhân lực tốt.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Thành Thống, trong bối cảnh kinh tế - xã hội biến đổi không ngừng, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực quản lý HTX để bắt kịp nhu cầu thị trường là hết sức cần thiết. Chất lượng nguồn nhân lực sẽ có vai trò quyết định, giúp HTX năng động hơn, sáng tạo hơn và đổi mới mạnh mẽ hơn. Bên cạnh sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của bản thân các HTX, cần tập trung nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Ðể từng bước khắc phục yếu kém, tạo động lực cho khu vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho HTX phát triển. Ðồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đưa khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển bền vững, tương xứng tiềm năng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Hiện nhiều HTX làm ăn hiệu quả, nguồn tiền quay vòng dôi dư đang được dùng vào dịch vụ tín dụng nội bộ để hỗ trợ các thành viên trong các đơn vị. Nhưng với vai trò quản lý cao nhất đối với mô hình kinh tế HTX, Liên minh HTX Việt Nam sẽ chỉ duy trì hoạt động tín dụng nội bộ HTX như một hình thức sử dụng tiền vốn tạm thời nhàn rỗi chung của HTX để hỗ trợ đời sống và sản xuất của các thành viên chứ không mang tính thương mại hay kinh doanh tiền tệ. Ðặc biệt, đơn vị sẽ quản lý và kiểm soát chặt chẽ, không để tín dụng nội bộ HTX có nguy cơ trở thành tín dụng thương mại hoặc tín dụng đen.

NGUYỄN NGỌC BẢO Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

-------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 27-8-2019.

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41363802-tim-huong-di-cho-mo-hinh-kinh-te-hop-tac-tiep-theo-va-het.html