Tìm hướng đi dài hạn cho ngành bia, rượu, nước giải khát
Năm 2020 ngành bia, rượu, nước giải khát chịu khó khăn kép do tác động của dịch COVID-19 và quy định mới trong Nghị định 100/2019. Theo nhiều chuyên gia, để phát triển bền vững thì cần ngành bia, rượu, nước giải khát cần có một tầm nhìn dài hạn.
Sụt giảm doanh thu, lợi nhuận
Phát biểu tại Diễn đàn tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp bia, rượu, nước giải khát do Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức chiều 20/11, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều năm nay, song song với lĩnh vực thực phẩm - ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Mặc dù mang lại nguồn thu thuế dồi dào cho ngân sách nhà nước, nhưng Phó Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho biết, ngành đồ uống có cồn cũng được nhận định là có tác động tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng và an ninh xã hội nên cũng chịu sự chi phối và kiểm soát của Nhà nước với các chính sách thắt chặt và nổi bật nhất là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho biết, năm 2020, ngành bia, rượu, nước giải khát chịu tác động kép do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Vì thế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm sút từ 20-40%, chỉ số sản xuất giảm và chỉ số tồn kho tăng lên. Ngoài ra, ngành này còn đang phải chịu sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cạnh tranh với cả các cơ sở kinh doanh rượu bia lậu…
“Dự báo, việc giảm sản lượng tiêu thụ rượu bia, nước giải khát có thể dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng trong năm 2020 gồm việc giảm các khoản đóng góp từ doanh nghiệp sản xuất bia rượu và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến bia rượu”, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, các “ông lớn” trong ngành bia rươu, nước giải khát như đều ghi nhận sự sụt giảm trong doanh thu. Điển hình như Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) trong khi quí 1 và quí 2/2020 liên tiếp báo lỗ, đến quí 3/2020, tình hình kinh doanh đã sáng sủa hơn. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, Sabeco ghi nhận đạt gần 20.100 tỷ đồng doanh thu, giảm 28,7% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt 3.403 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.257 tỷ đồng.
Tại Habeco - Tổng Công ty Bia Rượu nước giải khát Hà Nội, kết quả kinh doanh lỗ 98,3 tỷ đồng ngay trong quý I/2020. Sau hai quý lỗ, sang quí 3 tình hình kinh doanh của Habeco đã sáng hơn, tuy nhiên vẫn sụt giảm hơn so với năm trước.
Cần hướng đi mới
PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, dù khá ảm đạm nhưng theo dự báo, thị trường của ngành bia, rượu, nước giải khát sẽ có cải thiện dần trong các năm sau. Năm 2020 là năm đặc biệt với nhiều thách thức nhưng đây sẽ là năm nền tảng cho nhiều bứt phá trong tương lai. Tuy nhiên, về trung va dài hạn, dù phục hồi nhưng tốc độ tăng trưởng các ngành này sẽ không về mức cao như trước đây, khi người tiêu dùng thay đổi thói quen để thích nghi với quy định mới.
“Ngành bia, rượu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc chi phí để duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn cùng với đó là điều chỉnh phương thức tiếp cận thị trường theo hướng sản xuất những dòng sản phẩm mới, giảm sự ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc có thêm những sảm phẩm thay thế, thích ứng với chính sách, đây sẽ là bước đi mà doanh nghiệp cần tính đến”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Trước tình thế này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Hiệp hội đã có công văn gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành nhằm… kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.
VBA đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét giảm một số loại thuế, phí trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, VBA cũng đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sản xuất các sản phẩm có độ cồn thấp hoặc không có độ cồn để có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, phù hợp với quy định của pháp luật và góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa ẩm thực của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các chuyên gia tại diễn đàn cũng nhấn mạnh, với những bài học kinh nghiệm đúc kết từ khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp ngành đồ uống buộc phải có những thay đổi trong xu hướng vận hành để thích nghi với bối cảnh hiện nay cũng như có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.