Tìm hướng đi mới cho trồng trọt
Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) phối hợp với các cơ quan liên quan của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang thực hiện các thí nghiệm, mô hình mới để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.GIẢM PHÂN BÓN TRONG SẢN XUẤT LÚA
Trước tình hình giá phân bón tăng cao, Chi cục TT&BVTV đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang triển khai thí nghiệm giảm phân bón trên cây lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) với giống lúa Nàng Hoa 9.
Thí nghiệm được chia làm 5 nghiệm thức, gồm: 1 nghiệm thức đối chứng theo công thức 90 N-40 P2O5-30 K2O; 3 nghiệm thức giảm lượng đạm lần lượt 10%, 20% và 30%; 1 nghiệm thức giảm 30% lượng đạm kết hợp phân hữu cơ vi sinh.
Kết quả thí nghiệm đã giảm lượng đạm và giảm lượng đạm kết hợp phân hữu cơ vi sinh đều không có khác biệt về chỉ tiêu sinh trưởng, sâu bệnh hại. Các nghiệm thức giảm tỷ lệ đạm và giải tỷ lệ đạm kết hợp phân hữu cơ vi sinh cho năng suất tương đương so với nghiệm thức đối chứng, với năng suất từ 5,98 - 6,51 tấn/ha.
Theo Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men, khi giảm lượng phân theo các tỷ lệ thì đều cho lợi nhuận thấp hơn so với bón phân đạm theo công thức 90 N-40 P2O5-30 K2O từ khoảng 2,2 đến 6,9 triệu đồng/ha. Từ đó cho thấy, công thức phân bón 90 N-40 P2O5-30 K2O phù hợp đối với sản xuất lúa tại các huyện phía Đông.
“Vụ đông xuân ở các huyện phía Đông khác với các huyện phía Tây khi không được phù sa bù đắp và đất không được nghỉ ngơi. Cùng với đó, vụ đông xuân ở các huyện phía Đông là vụ thứ 2 trong năm nên dinh dưỡng trong đất bị cây trồng của vụ trước lấy mất. Việc cắt vụ lúa thu đông để đất nghỉ ngơi và thúc đẩy quá trình khoáng hóa dinh dưỡng trong đất là một trong các yếu tố góp phần nâng cao dinh dưỡng trong đất để sản xuất đạt hiệu quả cao trong vụ đông xuân” - đồng chí Võ Văn Men cho biết thêm.
Thí nghiệm giảm phân bón trên cây lúa đã được Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Văn Thiệt đánh giá cao vì phù hợp trong bối cảnh giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao; đồng thời, đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang mở rộng thí nghiệm ở các điều kiện thổ nhưỡng, mùa vụ khác nhau để có cơ sở công thức phù hợp và hiệu quả nhất phục vụ sản xuất của nông dân để vừa có thể giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn giữ được hoặc tăng lợi nhuận.
ĐƯA CÂY MÀU XUỐNG CHÂN RUỘNG
Trong vụ đông xuân 2021 - 2022, Chi cục TT&BVTV đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây và Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm THABICO thực hiện mô hình chuyển cây màu xuống chân ruộng (bắp rau, bắp lấy hạt và đậu nành rau) gắn kết tiêu thụ sản phẩm tại huyện Gò Công Tây. Mô hình được triển khai tại xã Đồng Thạnh trong vụ đông xuân 2021 - 2022 trên diện tích 0,87 ha.
Trước khi xuống giống, nông dân tham gia mô hình được cung cấp tài liệu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại trên các loại cây. Đồng thời, Chi cục TT&BVTV cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây đã trực tiếp hướng dẫn và thường xuyên khảo sát quá trình thực hiện của nông dân, đánh giá tình hình sinh trưởng và sâu bệnh hại định kỳ 1 tuần/lần. Qua đó, các đơn vị đã có những điều chỉnh quy trình kỹ thuật phù hợp với thực tế của từng loại cây.
Kết quả, mô hình trồng bắp lấy hạt, bắp rau, đậu nành rau cho năng suất, chất lượng khá tốt: Bắp lấy hạt đạt 17 tấn/ha, trọng lượng trung bình từ 0,55 - 0,66 kg/trái, giá bán 4.200 đồng/kg; bắp rau có năng suất 14 tấn/ha, trung bình 8 - 9 trái/kg, giá bán 5.000 đồng/kg; đậu nành rau năng suất 10 tấn/ha, trung bình 20 - 30 trái/kg, giá bán 11.000 đồng/kg. Từ đó cho thấy, việc chuyển cây màu xuống chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với sản xuất lúa.
Ông Đỗ Như Trung (ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh), một trong những nông dân tham gia mô hình, cho biết: “Tôi thấy việc trồng cây bắp rau có kỹ thuật không quá phức tạp và rất dễ nắm bắt. Cùng với đó, việc chuyển sang trồng cây màu trong vụ đông xuân ở khu vực phía Đông là hợp lý do thường bị thiếu nước tưới vì ảnh hưởng của hạn, mặn. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ việc chuyển sang trồng cây màu cao gấp đôi so với trồng lúa”.
Theo đồng chí Võ Văn Men, mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 2 - 4 lần so với sản xuất lúa, giúp nông tăng thêm thu nhập và cải thiện đời sống. Chi cục đã gắn kết với Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm THABICO tiêu thụ sản phẩm bắp lấy hạt, bắp rau, đậu nành, rau đảm bảo giải quyết đầu ra cho nông dân, giúp nông dân yên tâm sản xuất.