Tìm hướng đi mới đưa ngành càphê Đắk Lắk vượt qua khó khăn

Nhiều đơn vị sản xuất càphê của Đắk Lắk đã triển khai sản xuất càphê đặc sản - loại càphê được trồng, chế biến công phu hơn nhưng đem lại giá trị cao gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.

Vùng nguyên liệu càphê được chăm sóc theo chuẩn Organic cho năng suất cao. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Vùng nguyên liệu càphê được chăm sóc theo chuẩn Organic cho năng suất cao. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích và sản phẩm càphê xuất khẩu lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 203.000ha, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt hơn 450.000 tấn, chiếm 40% sản lượng cả nước.

Ngành kinh tế chủ lực đối mặt nhiều khó khăn

Niên vụ càphê 2018-2019, diện tích càphê toàn tỉnh là 203.063ha, giảm 1.745ha so với niên vụ trước. Trong đó càphê kinh doanh là 187.940ha (tăng 661 ha so với niên vụ 2017-2018), năng suất bình quân hơn 2,54 tấn/ha (tăng 0,89 ha), tổng sản lượng 478.083 tấn (tăng 18.298 tấn).

Xuất khẩu càphê ước đạt 189.252 tấn, chiếm tỷ trọng 11,2% so với tổng sản lượng càphê xuất khẩu của cả nước; kim ngạch đạt hơn 314,5 triệu USD, chiếm 10,6% tổng kim ngạch toàn ngành; xuất khẩu càphê hòa tan đạt 5.000 tấn, kim ngạch đạt gần 28,8 triệu USD, chiếm 9,14% tổng kim ngạch xuất khẩu càphê của tỉnh.

Sản phẩm càphê Đắk Lắk đã được xuất khẩu đến 58 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương công bố tại Hội nghị Tổng kết niên vụ càphê 2018-2019, càphê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm liền đều trên 3 tỷ USD.

Với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVFTA) đi vào hiệu lực, xuất khẩu càphê của Việt Nam được trông đợi duy trì tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ.

Hiện EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất càphê của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp theo là Đông Nam Á, chiếm 13% tổng lượng và tổng kim ngạch.

Phần lớn người nông dân ở Đắk Lắk đều sản xuất càphê và ngành càphê luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ngành sản xuất càphê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây càphê.

Dù vậy, hình thức tổ chức sản xuất của Đắk Lắk vẫn chủ yếu là sản xuất nông hộ, quy mô diện tích nhỏ, tình trạng thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến… đã khiến chất lượng mặt hàng càphê bị ảnh hưởng không nhỏ. Việc tiêu thụ và tạo giá trị gia tăng từ sản xuất, kinh doanh các mặt hàng càphê vẫn còn nhiều khó khăn.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của cán cân cung-cầu, giá càphê nhân xô xuống thấp và kéo dài trong những năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tác nhân trong ngành.

Tìm hướng đi mới

Tại Hội nghị tổng kết niên vụ càphê 2018-2019 của tỉnh Đắk Lắk được tổ chức hồi giữa tháng 11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đã chia sẻ những khó khăn nông dân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh càphê đang gặp phải đồng thời khẳng định càphê vẫn là cây trồng chủ lực mang lại giá trị cao tại Đắk Lắk.

Quan điểm của tỉnh là tiếp tục duy trì diện tích càphê sẵn có, đồng thời đẩy mạnh việc tái canh càphê gắn với phát triển càphê bền vững thông qua việc áp dụng quy trình trồng xen canh.

Tỉnh tập trung mời gọi đầu tư chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới, ưu tiên nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, vốn vay tái canh, đầu tư khoa học công nghệ nâng cao chất lượng càphê Đắk Lắk nói riêng, càphê Việt Nam nói chung, đặc biệt là càphê đặc sản.

Hiện nay, trên thế giới đang thiếu hụt về nguồn cung càphê đặc sản. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu thủ phủ càphê robusta là 5 năm tỉnh Tây Nguyên.

Thời gian gần đây, nhiều đơn vị sản xuất càphê của Đắk Lắk đã bước đầu triển khai sản xuất càphê đặc sản. Sự xuất hiện của càphê đặc sản đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng càphê.

Khác với sản xuất, chế biến càphê thông thường, dòng càphê cao cấp - càphê đặc sản được trồng, chế biến đòi hỏi công phu hơn, nhưng đem lại giá trị cao hơn gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.

Để làm ra càphê đặc sản, ngoài điều kiện tự nhiên, người nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất từ chăm sóc, thu hái đến sơ chế, bảo quản sản phẩm. Đổi lại, giá cả được doanh nghiệp thu mua cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

Do quy trình thực hiện khắt khe nên đến nay tỉnh Đắk Lắk mới chỉ có vài doanh nghiệp, nông hộ tham gia sản xuất càphê đặc sản.

Trong niên vụ 2017-2018, Hiệp hội càphê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu càphê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia thử nếm đánh giá chất lượng.

Kết quả, có hơn 10% mẫu càphê có điểm số thử nếm đạt 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho càphê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

Tỉnh cũng đã tổ chức tôn vinh các sản phẩm càphê đặc sản thông qua Cuộc thi Càphê đặc sản Việt Nam 2019. Càphê đặc sản được đánh giá theo từng lô hàng, từng niên vụ và phát triển càphê đặc sản là hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Y Giang Gry Niê Knơng, niên vụ 2019-2020 các địa phương cần tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng miền gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển càphê chất lượng cao, càphê theo tiêu chuẩn đặc sản; tăng cường thu hút đầu tư vào chế biến sâu, chế biến càphê đặc sản.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chương trình tái canh càphê nhằm đưa các giống càphê mới có năng suất cao, chất lượng thử nếm tốt vào sản xuất./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tim-huong-di-moi-dua-nganh-caphe-dak-lak-vuot-qua-kho-khan/679002.vnp