Tìm hướng kết nối dòng vốn cho doanh nghiệp, vàng thế giới vẫn chịu sức ép lớn

Tuần qua, giới ngân hàng và doanh nghiệp được tiếp nhận những quan điểm khá cụ thể của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về các giải pháp tín dụng, tiền tệ hướng đến doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, tại thị trường quốc tế, xu hướng lãi suất tăng cao vẫn là đề tài đáng chú ývà điều này cũng tạo sức ép lớn lên giá vàng.

Ngân hàng quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Một trong những nội dung đáng quan tâm về tiền tệ - ngân hàng là những phát biểu của Thống đốc NHNN trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) diễn ra tuần qua. Đây cũng có thể được coi là một trong những quan điểm chính thống của ngành ngân hàng trong thời gian tới về các giải pháp tiền tệ, tín dụng cho doanh nghiệp SME.

Thống đốc NHNN đã trao đổi nhiều nội dung về giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp SME. Ảnh: S.B

Thống đốc NHNN đã trao đổi nhiều nội dung về giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp SME. Ảnh: S.B

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên lĩnh vực ngân hàng, các ý kiến xoay quanh hai vấn đề, đó là lãi suất và tiếp cận tín dụng.

Dư nợ cho doanh nghiệp SME đạt 2,3 triệu tỷ đồng

Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ nền kinh tế đạt 12,423 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so 2022. Dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế).

Dư nợ đối với doanh nghiệp SME đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 18,5% dư nợ nền kinh tế. Hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều tham gia cho vay doanh nghiệp SME, nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường.

Đối với vấn đề lãi suất, các ngân hàng đang tích cực giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất bình quân giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022, do chính sách có độ trễ nên có thể các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Thống đốc cũng cho rằng để hạ lãi suất là một cố gắng của NHNN bởi khi hạ lãi suất, NHNN phải chèo lái và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách để có thể làm sao ổn định không những thị trường tiền tệ mà còn thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, NHNN cho biết vẫn chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật. Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.

Phối hợp với Hàn Quốc dự báo nhu cầu tiền mặt của Việt Nam

Một trong những sự kiện tiền tệ tuần qua là việc NHNN đã có buổi làm việc với Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) thảo luận về vấn đề “Dự báo nhu cầu tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ Nguyễn Thị Thu Hương (trưởng nhóm nghiên cứu phía Việt Nam), kinh nghiệm thực tế của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cùng sự tham gia của các giáo sư, nhà nghiên cứu từ các trường Đại học của Hàn Quốc sẽ giúp đề xuất mô hình dự báo nhu cầu tiền mặt phù hợp cùng các bước thực hiện cụ thể. Đây sẽ là nguồn hỗ trợ và tham khảo có giá trị, góp phần bổ sung nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ chính sách của Việt Nam liên quan đến công tác quản lý tiền mặt.

Như cầu tiền mặt cho nền kinh tế cần phải được dự báo bằng các phương pháp khoa học. Ảnh: T.L

Như cầu tiền mặt cho nền kinh tế cần phải được dự báo bằng các phương pháp khoa học. Ảnh: T.L

Một số nội dung được các bên thảo luận là những đánh giá về nhu cầu tiền mặt tại Việt Nam trong thời gian qua; các mô hình và phương pháp dự báo nhu cầu tiền mặt hiện nay tại Việt Nam; đặc điểm của các mô hình và phương pháp dự báo cầu tiền mặt của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc. Từ những số liệu đã có, các chuyên gia của 2 bên sẽ nghiên cứu bàn thảo và đưa ra các đề xuất về định hướng cải thiện các mô hình dự báo nhu cầu tiền mặt của Việt Nam; tác động kinh tế vĩ mô của những thay đổi trong nhu cầu tiền mặt và tác động đối với các chính sách phát hành tiền mặt…

Cần có sự tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Mối gắn kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp là đề tài không chỉ các doanh nghiệp và cả phía ngành ngân hàng rất quan tâm để đưa dòng vốn đế đúng đối tượng an toàn, hiệu quả. Lãnh đạo NHNN mới đây cũng vừa kiến nghị Chính phủ việc có thể tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ SME theo Luật hỗ trợ SME để có hướng giải quyết hiệu quả các vấn đề. Theo đó, mỗi bộ ngành, địa phương đều có các giải pháp, chính sách cùng tham gia tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong số các giải pháp hỗ trợ, NHNN cũng mở ra một phương án là việc tăng cường hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng dụng địa phương là rất quan trọng bởi địa phương nắm rõ nhất về hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Nếu dành nguồn lực cho bảo lãnh cho vay vốn, tín dụng cũng có thể tăng trưởng sẽ cao hơn hướng dòng vốn đến doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Giá vàng thế giới vẫn chịu sức ép từ lãi suất

Diễn biến giá vàng thế giới tuần qua cho thấy xu hướng giảm vẫn còn chi phối khá mạnh. Sau một số phiên giá vàng nỗ lực phục hồi nhờ lực cầu bắt đáy, giá vàng rơi vào trạng thái giảm mạnh hơn vào cuối tuần. Đến chiều ngày 7/7, giá vàng giao ngay giao dịch trên sàn Kitco chỉ còn ở mức 1.915 USD/ounce.

Trong khi đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng vẫn giữ quan điểm có thể sẽ thực hiện tiếp các đợt tăng lãi suất trong giai đoạn từ nay đến cuối năm và điều này đang gây áp lực lớn lên giá vàng.

Trong khi đó, sức ép với giá vàng trong nước không quá lớn do bối cảnh tiền tệ trong nước đang có những diễn biến khác so với giá vàng thế giới. Hiện tại, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn theo xu hướng nới lỏng, kỳ vọng của NHNN là vẫn muốn tiếp tục đưa lãi suất xuống thấp hơn nữa. Mục tiêu này cũng có cơ sở để thực hiện do bối cảnh lạm phát trong nước đang ở trạng thái không căng thẳng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, so với tháng 12/2022, CPI tháng 6 cũng chỉ tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%. CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

Tự doanh nghiệp cũng cần khắc phục hạn chế của bản thân

Mặc dù đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng lãnh đạo NHNN vừa qua cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng cần khắc phục những hạn chế của mình bởi đó chính là những vấn đề đang gây cản trở trong việc ngân hàng đưa ra quyết định cho vay. Chẳng hạn như các vấn đề cần phải nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính, minh bạch hóa thông tin....

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tim-huong-ket-noi-dong-von-cho-doanh-nghiep-vang-the-gioi-van-chiu-suc-ep-lon-131592.html