Tìm hướng nâng khả năng cạnh tranh các sản phẩm mía đường

Thay đổi nhận thức của người nông dân trong công tác trồng trọt, quản lý, chú trọng hơn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản xuất có vai trò quyết định đến việc nâng cao thu nhập cho người trồng mía và nâng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đường của Việt Nam tại thị trường khu vực và trên thế giới.

Đó là nội dung cơ bản được các chuyên gia, các nhà sản xuất và chế biến trong ngành mía đường Việt Nam và quốc tế tập trung thảo luận tại Hội thảo “Giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người trồng mía ở Việt Nam” do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tổ chức ngày 14/7 tại TPHCM.

Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT), cho biết trong những năm qua, ngành Mía đường Việt Nam đã phát triển với tốc độ nhanh từ 300 tấn/năm (năm 2004) lên đến 1,6 triệu tấn/năm (mùa vụ 2013-2014) trong đó xuất khẩu đạt hơn 500.000 tấn.

Tuy nhiên, hiện nay vấn đề “nổi cộm” của ngành Mía đường Việt Nam là giá thành sản xuất mía còn rất cao do nhiều nguyên nhân như: Năng suất lao động thấp (bằng 1/2thế giới); đất quy hoạch trồng mía manh mún, nhỏ lẻ nên chưa áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc, trồng trọt; các giống mía sử dụng chưa đảm bảo kỹ thuật và còn xảy ra nhiều dịch bệnh; tình trạng lãng phí phân bón còn phổ biến; chưa thực hiện tưới tiêu (mới có 20% diện tích mía được tưới).

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn TTC, mặc dù trong vụ mía đường 2013-2014 năng suất mía đạt trung bình 64,2 tấn/ha nhưng mới có 10% vùng nguyên liệu đạt trình độ năng suất của khu vực và hiện đang có đến 42% vùng nguyên liệu của vùng Đông Nam Bộ có nguy cơ chuyển cây trồng khác do năng suất mía thấp.

Việc nhập các giống mía mới đang phổ biến trong ngành mía. Tuy nhiên, đang xảy ra tình trạng không có kiểm dịch, chưa nghiên cứu kỹ về mức độ phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết ở Việt Nam của những loại giống mới này nên nhiều giống đã thoái hóa dẫn đến ảnh hưởng đến năng suất lao động và thu nhập của người trồng mía.

Bên cạnh đó, ngành công nghệ chế biến đường còn lạc hậu dẫn đến năng suất đường thấp. Hiện tại, năng suất đường ở Việt Nam mới đạt 5,47 tấn/ha trong khi ở Thái Lan là 8 tấn/ha và ở Australia là 12 tấn/ha.

Từ đó, thu nhập của người trồng mía ở Việt Nam đang rất thấp so với trong khu vực và thế giới. Khảo sát của Ủy ban Mía đường Tập đoàn TTC cho thấy, lợi nhuận trồng mía của vùng Đông Nam Bộ là 5,16 triệu đồng/ha, vùng Trung Tây Nguyên là 8,432 triệu đồng/ha trong khi lợi nhuận của người trồng mía ở Thái Lan đang là 20,645 triệu đồng/ha.

Áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường TTC, do tính chất đặc thù của ngành mía đường là trồng trên diện tích rộng và năng suất mía liên quan trực tiếp tới sản lượng, chất lượng đường nên việc áp dụng cơ giới hóa sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất mía, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ tăng sản lượng đường từ đó tăng thu nhập cho người trồng mía.

Kinh nghiệm từ Công ty CP Mía đường Nước Trong cho thấy, đã có giải pháp giảm chi phí bằng việc cơ giới hóa trong quá trình tưới tiêu (khâu quan trọng nhất để nâng cao năng suất mía) bằng việc triển khai hệ thống tưới mía tự động. Công ty đã đầu tư hệ thống lưới điện hạ thế đến các khu vực và sử dụng trạm biến áp, sử dụng mô tơ điện tại mỗi cụm. Đồng thời, đặt giếng nước khoan giữa ruộng mía để đưa nước đến các hệ thống tưới bằng dây dẫn nổi hoặc chôn ngầm.

Bên cạnh đó, cần áp dụng khoa học kỹ thuật trong chọn giống mía để phát triển ổn định cho các vùng nguyên liệu. Cần sử dụng giống thuần chủng sạch bệnh sẽ giúp kéo dài vụ gốc, giảm chi phí. Cẩn trọng trong việc di chuyển giống giữa các vùng miền. Ngoài ra cần đến các yếu tố như sự hỗ trợ của dự báo thời tiết, máy móc cơ giới và việc chuẩn bị đất trồng đảm bảo kỹ thuật trong quá trình canh tác.

Tuy nhiên, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, trong quá trình triển khai giống mới và lai tạo giống mía cần chú ý yếu tố phù hợp với điều kiện sản xuất, tự nhiên, thổ nhưỡng của quốc gia. Theo đó, khi sử dụng giống mía phải qua khảo sát và thử nghiệm. Giống mía phải sạch bệnh được thông qua chương trình nhân giống mía đa cấp.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Lộc cho biết, mô hình lưu gốc để đảm bảo giống cùng với việc áp dụng những biện pháp kỹ thuật, canh tác hợp lý giúp kéo dài thêm nhiều vụ mía gốc mà vẫn duy trì được năng suất và chất lượng mía nguyên liệu là một trong những giải pháp quan trọng cần được triển khai. Theo đó, để lưu gốc lâu cần chọn đúng giống, phù hợp, chuẩn bị đất trồng mía cày sâu, bón bổ sung phân hữu cơ, vôi, tưới mía đầy đủ.

Ngoài ra, để tăng năng suất sản xuất mía cần áp dụng các biện pháp bón phân khoa học, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật và chú ý phòng tránh các bệnh cho cây mía, áp dụng một số biện pháp để quản lý bệnh kiểm soát, phòng ngừa các bệnh lây lan nguy hiểm cho mía.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Luis Enrique Rodriguez, Giám đốc Marketing toàn cầu của John Deere, đã giới thiệu về các biện pháp canh tác ở Louisiana nhằm giảm chi phí sản xuất mía và một số phương pháp kỹ thuật canh tác nâng cao năng suất cho mía; cách thức làm tăng hàm lượng chất hữu cơ, giảm thiểu tối đa việc làm đất…

Ông Hyatt Thomas James, Giám đốc dự án toàn cầu phụ trách về tưới phun của Australia cũng chia sẻ về mô hình tưới tự hành để giảm chi phí sản xuất mía tại tại các nước công nghiệp mía đường như Brazil, Mỹ, Australia.

Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, nếu tập trung triển khai những giải pháp đã được nêu ra tại hội thảo, trong thời gian tới ngành mía đường Việt Nam không chỉ nâng cao được thu nhập của người trồng mía mà còn nâng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm đường của Việt Nam tại thị trường khu vực và trên thế giới.

Thanh Thủy

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/tim-huong-nang-kha-nang-canh-tranh-cac-san-pham-mia-duong/203651.vgp