Tìm hướng phát triển bền vững
Nhắc đến Sơn Tây, hẳn không ít người sẽ nghĩ ngay đến làng cổ Đường Lâm. Ngay mới đây, Đường Lâm tiếp tục được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch. Động thái 'tiếp sức' này kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp địa phương phát triển kinh tế, đem lại nhiều hơn các giá trị văn hóa truyền thống cho du khách khi đến tham quan. Thúc đẩy và khơi gợi tiềm năng sẵn có, tìm giải pháp để người dân làng cổ hưởng lợi từ việc bảo tồn, phục vụ hoạt động du lịch là việc làm cần thiết, cần được các đơn vị quản lý liên quan nhanh chóng triển khai.
Nhiều tiềm năng
Tại xã Đường Lâm, tuy trào lưu đô thị hóa, thương mại hóa tác động nhưng không gian, cảnh quan môi trường của một làng cổ vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Tuy sự gia tăng dân số đã làm cho diện tích đất thổ cư của các làng trong xã Đường Lâm trở nên chật chội, nhưng cho đến bây giờ, phần lớn mỗi ngôi nhà trong thôn vẫn giữ được một khuôn viên riêng, những nét văn hóa truyền thống trong lối ứng xử, trong tình làng nghĩa xóm.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Lợi, Đường Lâm, từ lâu được biết đến như một “bảo tàng di sản”, là tên gọi chung cho cả 5 làng là Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm hợp thành. Nơi đây là một bức tranh tiêu biểu, khắc họa rõ nét nhất những đặc trưng của làng cổ xưa xứ Bắc. Bên cạnh những bức tường đá ong sứt sẹo dấu ấn mưa nắng, khắc họa thời gian thì nhiều ngôi nhà cổ trong làng cho đến nay vẫn còn đậm nét kiến trúc cổ kính.
Chưa hết, những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của các địa danh tâm linh như Đình Mông Phụ, Chùa Mía, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đình Cam Thịnh, lăng Phùng Hưng, Ngô Quyền, giếng cổ… còn khiến bất kỳ ai khi đến đây đều như lạc vào vùng không gian của vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm trước đó.
Theo tìm hiểu, Đường Lâm cũng là quê hương của các danh nhân nổi tiếng như: Vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An..., ngày nay, Đường Lâm cũng sản sinh ra những tài năng cho đất nước như nhà văn Đỗ Doãn Quát, Hà Nguyên Huyến, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, nhà thơ Đỗ Doãn Phương… Ngoài những “kho báu” di sản đầy trân quý đó, không thể thiếu là những món ăn dân dã đậm chất quê đã và đang từng ngày được vun bồi thương hiệu như: Bánh tẻ Đường Lâm, tương Đường Lâm.
Làm du lịch kết hợp các sản phẩm dịch vụ
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4851/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm. Theo đó, điểm du lịch làng cổ Đường Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây sẽ do Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm tổ chức quản lý. Ban Quản lý có trách nhiệm thực hiện tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan.
Các Sở ngành như: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Công an Thành phố, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng địa điểm du lịch làng cổ ở Đường Lâm theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
Qua thống kê, quần thể di sản văn hóa làng cổ ở Đường Lâm, hiện có 50 di tích có giá trị. Trong đó, 7 di tích được xếp hạng Quốc gia, 2 di tích và 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp Tỉnh, Thành phố, 98 ngôi nhà cổ truyền thống có niên đại lâu đời, 17 lễ hội lớn tại các di tích…
Xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, những năm qua, công tác quản lý được thị xã Sơn Tây đặc biệt quan tâm. Theo đó, thị xã đã ban hành Nghị quyết số 08 về “Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo” nhằm cụ thể hóa việc triển khai. Nghị quyết số 08 đã góp phần định hướng và gây dựng nền tảng bền vững cho việc phát triển du lịch trên vùng đất này.
Để hỗ trợ người dân được hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây và Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm đã triển khai nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng, nâng cao nhận thức và trình độ làm du lịch cho người dân như: Mời các hộ đi tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng, homestay ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (lào Cai), phố cổ Hội An – Quảng Nam…; tập huấn cho người dân tiếp khách, mời khách, đón khách một cách chuyên nghiệp; tổ chức thi làm các sản phẩm bánh kẹo của địa phương; mở chợ quê vào những ngày lễ, hội; tạo ra những sản phẩm lưu niệm phong phú từ mây tre đan, gốm sứ, tranh thêu, rơm…
Những nỗ lực và giải pháp phát triển du lịch tại Đường Lâm đã dần dần phát huy hiệu quả. Dễ thấy nhất, bất kỳ ai khi đến du lịch Làng cổ Đường Lâm đều có thể thưởng thức những thức quà quê dân dã là “của hiếm” từng thịnh hành thuở xưa cũ như: Kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc và chè lam. Nghề làm “quà quê” đã giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Cao Văn Hiền - thôn Đông Sàng, chủ cơ sở sản xuất kẹo Hiền Bao cho biết, sản phẩm của ông có mặt ở cả trong Nam và ngoài Bắc; khoảng 40% sản phẩm tiêu thụ ở thị trường thành phố, và 30% bán có mặt trong các gian hàng của Nhật Bản tại Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm kẹo lạc của gia đình còn đoạt giải Nhất cuộc thi sản phẩm du lịch làng cổ ở Đường Lâm do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tổ chức.
Nói sâu về sản vật địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm cho biết, tất cả nguyên liệu chế biến đều là thứ sẵn có của vùng. Chẳng hạn, keo mía có sẵn, lạc nhân dân cũng tự trồng được… Qua đôi tay khéo léo và kinh nghiệm của người thợ, thứ lạc vừa ngon vừa bùi hòa quyện, mang lại hương vị riêng có của vùng đất này. “Chẳng cần những sản phẩm gì xa xôi, chỉ cần phát triển, nhân rộng, và xây dựng những thương hiệu này đời sống người dân chắc chắn sẽ đi lên mà vẫn giữ được truyền thống lâu đời” – ông Phan Văn Lợi nhấn mạnh.
Nhất quán quan điểm cần đánh thức tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống song Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Phan Văn Lợi vẫn chất chứa không ít nỗi băn khoăn. Đó là chuyện gìn giữ làng cổ và phát triển, cải thiện đời sống người dân. Vì sao ư? Bởi sự gia tăng dân số tự nhiên và nhu cầu cải thiện điều kiện chỗ ở của người dân làng cổ đang là áp lực rất lớn, mâu thuẫn với yêu cầu bảo tồn di tích trong làng cổ. Với ông, vai trò của nhân dân trong xây dựng, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế địa phương là rất quan trọng song vấn đề giải quyết chỗ ở mà không phá vỡ cảnh quan cũng quan trọng không kém. Và để đánh thức được những tiềm năng sẵn có thì trước tiên phải nhanh chóng giải quyết gút mắc này. Chỉ khi có sự thống nhất từ chủ trương tới hành động, mọi việc mới thành được.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tim-huong-phat-trien-ben-vung-96293.html