Tìm hướng phát triển cây thanh long bền vững (Bài 1)
Những năm qua, cây thanh long trở thành một trong những loại cây chủ lực của tỉnh bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hơn 2 năm trở lại đây, người trồng thanh long liên tục thua lỗ vì giá thấp, khó tiêu thụ. Để cải thiện tình trạng này, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân tập trung chuyển đổi phương thức sản xuất và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp thu mua để có đầu ra ổn định.
Bài 1: Gắn bó với cây thanh long
Thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 đã làm cho thị trường tiêu thụ thanh long gặp nhiều biến động, nông dân không tiêu thụ được phải chịu thua lỗ, thậm chí phá bỏ để chuyển sang trồng các loại cây khác. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta phủ nhận hiệu quả kinh tế của loại cây này. Đã có rất nhiều nông dân "đổi đời" nhờ thanh long và vẫn đang gắn bó với loại cây này.
"Đổi đời" nhờ thanh long
Đến huyện Châu Thành những ngày này, chúng ta dễ dàng bắt gặp những vườn thanh long bạt ngàn. Xe máy, xe ba gác chở thanh long ngược xuôi trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Mặc dù những năm gần đây, thị trường nông sản Việt, trong đó có thanh long gặp nhiều biến động, có thời điểm “thừa hàng, dội chợ”, một số diện tích được chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không thể phủ nhận rằng chính nhờ cây thanh long mà đời sống và thu nhập của người dân huyện Châu Thành đã khá hơn.
Trong ngôi nhà mới khang trang, tiện nghi, ông Nguyễn Văn Hôi - nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, hồ hởi kể hơn 10 năm trước, cũng trên 0,5ha đất đang có, với lúa và hoa màu, ông phải làm quần quật quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Sau nhiều lần suy nghĩ, ông lặn lội ra tận tỉnh Bình Thuận học hỏi nghề trồng thanh long. Trở về, ông Hôi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Những vụ đầu tiên, tuy giá cả còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định nhưng ông Hôi vẫn có lợi nhuận khá. Điều đó đã tạo nhiều động lực để ông tiếp tục gắn bó và học hỏi thêm nhiều kiến thức về cây thanh long.
Hơn 3 năm trở lại đây, ông quyết định thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang VietGAP và GlobalGAP để nâng cao chất lượng trái thanh long và liên kết với công ty thu mua. Nhờ vậy, lợi nhuận từ cây thanh long mà ông thu về cũng dần khá hơn, đời sống gia đình có sự chuyển biến rõ nét. “Vụ thanh long này, chỉ với 0,5ha nhưng sau khi trừ mọi chi phí, gia đình tôi vẫn lãi hơn 150 triệu đồng. Để sản xuất thanh long có hiệu quả bền vững, tôi và nhiều người dân nơi đây vẫn đang nỗ lực nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho trái thanh long của mình” - ông Hôi phấn khởi nói.
Tương tự ông Hôi, chỉ với 0,3ha đất trồng thanh long ruột đỏ, nhờ canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP, toàn bộ sản phẩm thanh long của gia đình anh Đoàn Tấn Lực, ngụ cùng địa phương, cũng được một công ty ở Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá trên 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đem lại lợi nhuận cho gia đình anh gần 100 triệu đồng/vụ. Theo anh Lực, cũng từ thanh long mà gia đình anh mới có cơ ngơi như hôm nay, ngoài xây dựng nhà cửa khang trang, anh còn mua được thêm xe, phương tiện nghe nhìn.
“Dù 2 năm gần đây, giá thanh long nhiều biến động nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm gắn bó. Dù sao đi nữa, thu nhập từ cây thanh long vẫn cao hơn cây lúa gấp nhiều lần. Mặt khác, nếu tôi chuyển sang trồng các loại cây khác chưa chắc đem lại hiệu quả cao do thiếu kinh nghiệm canh tác” - anh Lực chia sẻ.
Từ thành quả có được, ông Hôi, anh Lực sẵn lòng chia sẻ cho nhiều nông dân khác những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn về trồng thanh long với mong muốn cùng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Liên kết để phát triển
Đưa chúng tôi đi thăm vườn thanh long xanh mướt, nặng trĩu quả, ông Nguyễn Văn Bé (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) cho biết, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn sạch không phải dễ, đòi hỏi người trồng phải kiên trì theo đuổi. Bởi như trước đây, khi canh tác thanh long theo kiểu truyền thống, nhà nông tự đưa ra quy trình chăm sóc, bón phân, thời vụ theo kiểu “nắng ngủ, mưa nghỉ, mát trời đi chơi” thì làm theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP bắt buộc người trồng phải bảo đảm quy định về sử dụng phân bón, thuốc và thời gian cách ly đúng chuẩn.
"Đặc biệt, phải xây dựng được vùng đệm an toàn vì chỉ cần các hộ xung quanh canh tác không an toàn, các loại hóa chất theo đường nước, gió, không khí “chạy” sang vườn nhà mình thì thanh long của mình trồng cũng không đạt chuẩn, do đó, đòi hỏi phải có sự liên kết, tổ chức sản xuất đồng bộ" - ông Bé nói.
Cũng xuất phát từ quan điểm đó, tháng 7/2019, Hội quán Cầu Đôi - hội quán thanh long đầu tiên tại huyện Châu Thành đã chính thức ra đời tại xã An Lục Long. Sau 3 năm đi vào hoạt động, từ 22 thành viên ban đầu, đến nay, hội quán đã thu hút gần 90 thành viên tham gia. Ngoài giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hội quán còn là sân chơi bổ ích, thiết thực của nông dân. Chủ nhiệm Hội quán Cầu Đôi - Phan Quốc Chinh chia sẻ, hội quán không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng để người dân “nói nhau nghe và nghe nhau nói” mà còn là nơi để các thành viên trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản. “Trong quá trình sinh hoạt, chúng tôi lồng ghép giới thiệu các loại phân hữu cơ vi sinh có mặt trên thị trường cho các thành viên lựa chọn sử dụng.
Đồng thời, hướng dẫn các kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và tuyên truyền các chủ trương của địa phương. Thông qua đó, các thành viên sẽ cùng nhau trao đổi cách làm mới, hiệu quả, xem phim tư liệu, nghe nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm,...” - anh Phan Quốc Chinh nói.
Anh Đoàn Tấn Lực - thành viên Hội quán Cầu Đôi, bộc bạch: “Trong các cuộc sinh hoạt của hội quán, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mạnh dạn trao đổi với cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp để tiếp thu ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, cách tiếp cận thị trường trong sản xuất và xây dựng kế hoạch phát triển cho mình; đồng thời, có điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền để đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lục Long - Nguyễn Văn Hải cho biết: An Lục Long là xã nông nghiệp, 10 năm trở về trước, nông dân chủ yếu trồng lúa, 10 năm trở lại đây trồng chuyên canh thanh long. Theo đánh giá của nông dân và các nhà chuyên môn, cây thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 lần so với cây lúa. Hơn 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long xuống rất thấp khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tăng cường chăm sóc và chuyển đổi phương thức sản xuất sang trồng theo hướng VietGAP, GlobalGAP,...
“Chủ trương của huyện cũng như địa phương là quy hoạch 1 cây, 1 con. Theo đó, chỉ tập trung phát triển cây thanh long là cây chủ lực. Đối với những vườn già cỗi, chúng tôi vận động nông dân cải tạo trồng lại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, chính quyền địa phương sẵn sàng kêu gọi, mở cửa đón tiếp doanh nghiệp từ nơi khác đến địa phương thu mua, bao tiêu sản phẩm, đơn cử có công ty tại Cần Thơ, họ đang kết hợp Hội quán Cầu Đôi thu mua hết sản phẩm cho các thành viên” - ông Hải nhấn mạnh./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tim-huong-phat-trien-cay-thanh-long-ben-vung-bai-1--a138164.html