Tìm hướng phát triển cho du lịch nông nghiệp, nông thôn
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã thu hút sự quan tâm của du khách. Tuy nhiên, để khai thác loại hình du lịch này bền vững đòi hỏi cơ quan quản lý có chính sách phát triển tổng thể, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư khai thác.
Doanh thu lên đến 30 tỷ USD/năm
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, hiện lượng du khách tham gia hình thức du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Trung bình mỗi năm tỷ lệ khách đi du lịch nông thôn tăng 10 - 30%.
Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang được nhiều địa phương tập trung khai thác không chỉ thu hút khách du lịch mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm, từ năm 2015, bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đã trở thành điểm du lịch cộng đồng và ngày càng thu hút nhiều du khách.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh chia sẻ, trước đây, bản Sin Suối Hồ thuộc diện khó khăn, nhưng từ khi bắt tay thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, 100% hộ dân Sin Suối Hồ trồng địa lan nên thu hút du khách tới tham quan, khám phá nên cuộc sống của bà con dần được cải thiện.
Thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy, nhận thấy lợi ích mà mô hình du lịch này mang lại, hiện hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã triển khai loại hình du lịch này trải dài từ miền núi phía Bắc đến Đồng bằng sông Cửu Long với 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đi đầu trong việc phát triển loại hình du lịch này là TP Hà Nội với việc xây dựng và quy hoạch phát triển 17 làng nghề gắn với du lịch và 4 Hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang tích cực triển khai du lịch nông nghiệp nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh. Hiện một số tour du lịch cộng đồng vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành thương hiệu của địa phương như tour trải nghiệm, tham quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, tham quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu…
Tại miền Trung, du khách trong nước và quốc tế rất thích thu khi tham gia tour trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở Hội An, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng chài Cù Lao Chàm, làng bắp Cẩm Nam(Quảng Nam)…Tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt đề án phát triển các tuyến điểm du lịch đặc trưng gắn với các làng nghề dệt thổ cẩm, gốm...
Nhìn nhận những lợi ích mà mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn mang lại, TS Nguyễn Tiến Định (Cục Kinh tế hợp tác&phát triển nông thôn-Bộ NN&PTNT) nêu rõ, mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn không chỉ đem lại sinh kế cho nông dân mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái. Đồng thời hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch.
Cần sự hỗ trợ của Nhà nước
Mặc dù mang lại lợi ích kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, loại hình du lịch này vẫn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau chưa tạo ra được nét riêng biệt.
Nguyên nhân là do thiếu quy hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực này chưa cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm thu hút khách du lịch. Để khắc phục những bất cập trong quá trình phát triển loại hình du lịch này đòi hỏi cơ quan quản lý xây dựng chính sách cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, khai thác điểm đến
Góp ý vào việc xây dựng cơ chế hỗ trợ chủ thể khai thác du lịch nông nghiệp nông thôn tăng trưởng xanh và bền vững, TS Đoàn Mạnh Cương (Vụ Văn hóa - Giáo dục, Văn phòng Quốc hội) nêu rõ, trong thời gian tới cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế chính sách tác động vào việc cung cấp và giá cả của các yếu tố đầu vào sản phẩm du lịch. “Các địa phương trong đó có Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch này”-ông Cường kiến nghị.
Đồng tình với góp ý này, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Chiến lược và Chính sách phát triển (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) TS. Nguyễn Văn Thắng hiến kế, thời gian tới nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn tham quan, trải nghiệm, qua đó kích thích địa phương phát triển loại hình du lịch này.
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, Giám đốc Công ty du lịch Travelogi Việt Nam Vũ Văn Tuyên cho rằng, trước mắt, ngành du lịch cần xác định được đối tượng khách du lịch mục tiêu, từ đó đưa ra các hoạt động tiếp thị sản phẩm phù hợp. Ngoài ra, địa phương cần phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, trong đó đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch khác biệt, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao; Tăng cường sự kết nối giữa các địa phương hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng và hấp dẫn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-huong-phat-trien-cho-du-lich-nong-nghiep-nong-thon.html