Tìm khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo
Các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện cơ chế, quy định về tài sản ảo, tiền ảo vừa đảm bảo mục tiêu phòng, chống rửa tiền, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Ngày 13-3, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức hội thảo khoa học Góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo nhằm thu thập ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này.
Phức tạp tiền ảo ngoài khung
Theo các chuyên gia, tổ chức tham gia hội thảo, trong bối cảnh giá bitcoin lập đỉnh, việc cấm tài sản ảo là không hợp lý bởi đây là xu thế không thể đảo ngược.
Theo thông tin mới nhất, giá bitcoin đạt kỷ lục là 72.750 USD. Đây cũng được xem là mức giá cao nhất mọi thời đại.
Lượng tiền mà các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu trên sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới binance hiện đã lên tới hơn 20 tỉ USD trong vòng một tháng.
Báo cáo thị trường tiền số của Coin98 Insights mới đây cho thấy Việt Nam luôn nằm trong top 10 nước tham gia nhiều nhất vào thị trường tiền số.
Cũng theo kết quả cuộc “Khảo sát thị trường Crypto Việt Nam năm 2023” cho thấy thị trường tiền số trong năm 2023 khá ảm đạm. Gần 65% nhà đầu tư tham gia thị trường không thu được lợi nhuận, trong đó có tới 43,6% nhà đầu tư đang chịu lỗ.
Có hai lý do chính khiến các nhà đầu tư Việt Nam mất tiền trong giai đoạn 2023: Do FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) và không lên kế hoạch giao dịch kỹ lưỡng là hai lý do nổi bật nhất, chiếm hơn 66%.
Thực tế, tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, “nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng, đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo”.
Trong bối cảnh các giao dịch liên quan tài sản ảo phức tạp và có thể gây ra nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng không thể can thiệp. Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách giai đoạn hiện nay, mà muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý.
Liên quan đến tiền ảo, tháng 5-2023, tại TP.HCM xảy ra vụ án hình sự cướp tài sản ảo trị giá 37 tỉ USD. Theo đó, đối tượng cướp USB ghi mã khóa cá nhân để dịch chuyển BTC sang ví đối tượng.
Trong đó, xác định hành vi của các bị cáo là cướp tài sản trên cơ sở các bị cáo đã quy đổi tiền VND để chia nhau dù pháp luật Việt Nam không chấp nhận tiền số nói chung, hay bitcoin là tiền tệ, phương thức thanh toán.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, giảng viên cấp cao ĐH RMIT Việt Nam, cho biết theo các thống kê của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những trung tâm giao dịch tiền số năng động nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, việc thiếu khung pháp lý đã dẫn đến một số vấn đề thiếu bảo vệ cho nhà đầu tư trước nguy cơ lừa đảo, khó khăn trong việc truy tìm các hoạt động tội phạm và lừa đảo liên quan đến tiền số như rửa tiền. Cơ quan thuế không có khả năng thu thuế từ các hoạt động liên quan đến tiền số.
Cần khung pháp lý cho thị trường tỉ USD
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay trong bối cảnh giao dịch tài sản ảo ngày càng gia tăng, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam rất quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ, thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý cho tài sản ảo.
Bổ sung thêm, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA, cho biết tổng giá trị tài sản ảo dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỉ USD vào năm 2030.
Từ phía các DN trong lĩnh vực, ông Nguyễn Ngọc Hưng, CEO Công ty Spores Network, cho rằng thị trường blockchain, tài sản số đã phát triển đến giai đoạn cần có khung pháp lý hoàn thiện để bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ những DN chân chính.
Điều căn bản nhất mà công ty và những người hoạt động trong lĩnh vực cần nhất là sự công nhận tài sản số là quyền tài sản.
Trong ngành đã xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp, nhiều người bị chiếm đoạt tài sản số nhưng hiện chưa có khung pháp lý bảo vệ.
Tiếp đó là cần khung pháp lý cho mô hình sandbox để DN thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khi bị FATF đưa vào danh sách xám, sẽ có những bất lợi trong đánh giá của quốc tế nói chung, đặc biệt là liên quan đến hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Và tài sản ảo là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới.
“Việc cấm là không khả thi. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng cần nhanh chóng ban hành các quy định quản lý phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền” - ông Trung nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đoan Hùng cũng nhìn nhận từ kế hoạch tới thực tiễn là một quãng đường dài và có rất nhiều thách thức.
Thừa nhận hay không thừa nhận, cấm hay điều chỉnh tài sản ảo đều đặt ra những xung đột lợi ích giữa nhóm đối tượng đầu tư, kinh doanh truyền thống như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và những người theo đuổi lĩnh vực kinh tế số như blockchain, AI, IoT...
Tại hội thảo, ông Jae Tu, Giám đốc phát triển kinh doanh toàn cầu CoinEx - đơn vị sản xuất bitcoin sạch lớn nhất thế giới, cho biết đơn vị này cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý và đạo đức tại Việt Nam, đặc biệt là các quy định về phòng, chống rửa tiền.
Ngoài ra, CoinEx nhấn mạnh tầm quan trọng và đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý, cơ quan thực thi pháp luật và những đơn vị doanh nghiệp (DN) có liên quan nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức tuân thủ chặt chẽ pháp luật một cách hiệu quả hơn.
Đại diện Remitano, đơn vị trong lĩnh vực tài sản ảo đã hiện diện hơn 10 năm tại Việt Nam cũng nêu ý kiến về việc hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo hoạt động và phát triển sẽ khuyến khích các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, đưa Việt Nam thành điểm đến công nghệ tại khu vực.
Thực hiện khung pháp lý tài sản ảo trong tháng 5-2025
Hiện đã có nhiều quốc gia xây dựng chính sách, khuôn khổ pháp lý cho tài sản số nói chung, tài sản ảo, tiền ảo nói riêng như EU, Nhật Bản, Mỹ, một số nước trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…
Tại Việt Nam, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Mới đây nhất, Chính phủ ký Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 23-2-2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5-2025.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tim-khung-phap-ly-cho-tai-san-ao-tien-ao-post780271.html