Tìm kiếm biện pháp mới để công tác tham mưu chiến lược đạt mức độ sâu sắc hơn, hiệu quả to lớn hơn...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với trách nhiệm tham mưu chiến lược, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì xây dựng 14 đề án, qua đó Ban chấp hành Trung ương đã ban hành 3 Nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 7 Nghị quyết, 01 Kết luận, Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị, 02 Kết luận.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII tới nay, năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương đã sớm xây dựng kế hoạch công tác và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành tốt nội dung kế hoạch đã đề ra.
“Tiếp theo những kết quả nổi bật mà Ban Kinh tế Trung ương đã đạt được trong 2 năm đầu nhiệm kỳ khóa XIII, năm 2023 Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, tham mưu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành 01 Nghị quyết, 01 Kết luận; tham mưu xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành 01 kết luận và hoàn thành một số đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.
Đồng thời, trong năm 2023, nhằm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống, theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức triển khai các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị. Đặc biệt, các Nghị quyết do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất như Nghị quyết về phát triển vùng; Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết về đất đai; Nghị quyết về kinh tế tập thể, hợp tác xã; Nghị quyết về phát triển bền vững đô thị... nhằm đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống.
Bên cạnh thực hiện tốt công tác nghiên cứu, đề xuất, ông Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2023, Ban Kinh tế Trung ương đã tập trung thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và đạt được những kết quả tích cực. Ban đã chủ động ban hành các kế hoạch tổng thể về kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, kết luận của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương từ nay đến hết nhiệm kỳ khóa XIII và những năm tiếp theo, gửi các cơ quan, địa phương liên quan để phối hợp thực hiện.
Đồng thời, công tác nghiên cứu, xây dựng các báo cáo chuyên đề về các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, các vấn đề có diễn biến mới, phức tạp, phát sinh cần được kịp thời nhận diện và giải quyết... để cung cấp thêm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường Trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các kết quả đã đạt được của Ban Kinh tế Trung ương năm 2023 và 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội XIII. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với trách nhiệm tham mưu chiến lược, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì xây dựng 14 đề án, qua đó Ban chấp hành Trung ương đã ban hành 3 Nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 7 Nghị quyết, 01 Kết luận, Ban Bí thư ban hành 01 Chỉ thị, 02 Kết luận.
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh, nhiều nghị quyết, kết luận do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, đề xuất được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành là những vấn đề tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Các đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì đều đảm bảo về tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương. Ngoài những nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương còn nỗ lực chủ động nghiên cứu, tham mưu, triển khai một số vấn đề lớn thuộc phạm vi nhiệm vụ.
“Ban Kinh tế Trung ương cũng tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm phục vụ cho công tác tham mưu chiến lược. Để thực hiện được một khối lượng công việc lớn như vậy, trong đó có công việc phức tạp, khó, mới thì đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo Ban đến đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên của Ban Kinh tế Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, địa phương”, bà Trương Thị Mai nói.
Đồng tình với các ý kiến và đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ công tác của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2024, bà Trương Thị Mai đề nghị Ban Kinh tế Trung ương với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục phát huy tinh thần nỗ lực, sự quyết tâm và những kết quả đã đạt được trong năm 2023 cũng như những năm vừa qua để tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024, cụ thể như:
Một là, cần tập trung nâng cao chất lượng các nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu và đề xuất cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, các vấn đề xã hội gắn với kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.
Hai là, cần chủ động theo dõi, bám sát tình hình kinh tế - chính trị trong nước, quốc tế và dự báo kịp thời, phát hiện những vấn đề mới, có tính cấp bách, quan trọng để tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh mới.
Ba là, quan tâm triển khai và làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế để đưa các nghị quyết của Đảng đi nhanh vào cuộc sống.
Bà Trương Thị Mai nói: "Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế; tìm kiếm biện pháp mới để công tác tham mưu chiến lược của mình đạt được mức độ sâu sắc hơn, hiệu quả to lớn hơn trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"