Tìm kiếm giải pháp để sức mua tăng trở lại

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, đơn hàng sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ khiến công ty không có nhu cầu vay vốn dù lãi vay đã giảm mạnh. Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp (DN) mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng. Tương tự, theo ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean), do thị trường xuất khẩu lớn của VitaJean là ở các nước châu Âu (EU), trong khi khu vực này lạm phát tăng cao, thị trường sụt giảm mạnh… khiến đơn hàng xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng nặng hơn các DN dệt may khác.

Siêu thị cũng vắng khách. Ảnh: Quang Vinh.

Siêu thị cũng vắng khách. Ảnh: Quang Vinh.

Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch tập đoàn Dệt May Việt Nam, việc sụt giảm sâu kim ngạch xuất khẩu dệt may không phải do năng lực cạnh tranh của DN mà mức suy giảm này ảnh hưởng chủ yếu bởi các yếu tố vĩ mô. Trong tất cả các quốc gia xuất khẩu dệt may, tỷ giá đồng Việt Nam giảm ít nhất trong 12 tháng qua. Tính từ tháng 5/2022 - 5/2023 tỷ giá đồng Việt Nam giảm khoảng 1,6%, trong khi đó, hai quốc gia lớn cạnh tranh trực tiếp là đồng Taka của Bangladesh giảm 20%, Thổ Nhĩ Kỳ - nhà cung cấp lớn cho toàn bộ thị trường châu Âu, giảm 21%.

Những khó khăn của kinh tế thế giới cùng sự sụt giảm tổng cầu đã khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 của Việt Nam trở nên khó khăn.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng kích thích tổng cầu là một trong những giải pháp giúp cho các đơn hàng của DN tăng trở lại. Nếu cầu xuất khẩu thấp thì nên quay trở lại kích thích tiêu dùng nội địa vì khi kinh tế thế giới còn khó khăn thì không thể mong chờ cầu xuất khẩu tăng mạnh trở lại. Nhà nước có thể hỗ trợ DN bằng tỷ giá hối đoái để, tăng sức cạnh tranh của hàng nội địa.

PGS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nêu giải pháp, để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng bên cạnh đó là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của DN vay vốn.

“Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh “nhập khẩu” lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định” - ông Trung nói.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tim-kiem-giai-phap-de-suc-mua-tang-tro-lai-5725161.html