Hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc ở Ngọc Hồi

Mặc dù là địa bàn miền núi, biên giới, xa trung tâm tỉnh Kon Tum, nhưng huyện Ngọc Hồi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Cà phê là một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Phương Liên

Cà phê là một loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Phương Liên

Huyện Ngọc Hồi là nơi duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với cả hai nước bạn Lào, Campuchia. Huyện có 5 xã biên giới, 1 xã đặc biệt khó khăn (Đắk Ang). Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm các dân tộc: Kinh, Mường, Brâu, Tày, Co, Giẻ Triêng, Sán Dìu, Nùng, Xơ Đăng, Thái, Dao, Hrê, Thổ, Ba Na, Gia Rai, Giáy, Ê Đê. Trong số 17 DTTS, chỉ có 3 DTTS tại chỗ là: Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Brâu. Do đặc điểm là huyện miền núi, biên giới, cách xa trung tâm tỉnh khoảng 60km nên kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS rất cao, chiếm tới 92,93% tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo DTTS chiếm 82,29% số hộ cận nghèo. Như vậy, về bản chất, công tác giảm nghèo của Ngọc Hồi chính là giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Trong 3 DTTS tại chỗ ở Ngọc Hồi có dân tộc Brâu, một DTTS rất ít người ở nước ta. Đồng bào sống tập trung tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y với 170 hộ, gần 600 nhân khẩu.

Những năm qua, triển khai Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Brâu đến năm 2025, với kinh phí trên 68 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 66 tỷ đồng.

Thời gian qua, Trung ương đã bố trí gần 19 tỷ đồng để thực hiện đề án, bao gồm các hoạt động: sửa chữa nhà rông và 2 nhà ở truyền thống; đường đi khu sản xuất tập trung thôn Đắk Mế. Bà con còn được hỗ trợ gần 3.000 cây ăn quả các loại, gần 37.000 cây giống cà phê, thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ 167 con bò giống và chuồng trại cho 167 hộ; hỗ trợ thành lập và duy trì đội văn nghệ thôn, hỗ trợ mua cồng chiêng, sửa chữa nhà rông của đồng bào... Bà Đinh Thị Khiêm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đắk Mế cho biết, nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước, hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người Brâu đã được nâng lên rất nhiều. Nhà nào cũng có phương tiện đi lại, phương tiện làm ăn. Từ chỗ chỉ biết làm lúa rẫy, nay bà con đã chuyển sang trồng cà phê, cao su cho thu nhập ổn định.

Còn tại xã đặc biệt khó khăn Đắk Ang - nơi đồng bào DTTS chiếm trên 90%, "mấy năm nay, bộ mặt nông thôn cũng đã có nhiều khởi sắc", ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết. "Hạ tầng nông thôn thay đổi vượt bậc, đường giao thông, lưới điện, công trình thủy lợi được quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của đồng bào. Cuộc sống và điều kiện sinh hoạt, sản xuất đã thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng" - ông A Nuy ở thôn Đắk Giá II, xã Đắk Ang hào hứng nói.

Trung tuần tháng 6/2024, huyện Ngọc Hồi đã tổ chức Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ IV. Đại hội đánh giá, từ năm 2019 đến nay, huyện đã tích cực lồng ghép nguồn lực từ các chính sách, chương trình, dự án để tập trung giảm nghèo cho đồng bào DTTS. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là gần 8,3 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 - 2025 được giao gần 137 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, huyện đã đào tạo nghề cho 1.889 người DTTS; hỗ trợ đất ở cho 3 hộ, nhà ở cho 8 hộ, đất sản xuất 16 hộ; chuyển đổi nghề cho 127 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 158 hộ; đầu tư 1 dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư cho 1.041 hộ; 1 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho bà con nhân dân trên địa bàn xã Đắk Ang; đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông, sản xuất, sinh hoạt văn hóa, học tập, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào...

Trên 97% hộ dân ở Ngọc Hồi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: Phương Liên

Trên 97% hộ dân ở Ngọc Hồi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ảnh: Phương Liên

Đồng chí Y Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, dù là huyện miền núi, biên giới nhưng đến cuối năm 2023, địa phương chỉ còn 481 hộ nghèo, chiếm 2,95%; số hộ cận nghèo là 384 hộ, chiếm 2,37% tổng số hộ trong toàn huyện. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS tại các thôn khó khăn chiếm 29,11%, thì đến cuối năm 2023, đã giảm xuống còn 10,35%. Ngọc Hồi đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8 thôn, làng DTTS đạt chuẩn thôn làng nông thôn mới; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 97% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, ước đến cuối năm nay, đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, biết viết chữ phổ thông chỉ còn 3,3%...

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng theo đồng chí Y Lan, các chương trình, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phần lớn triển khai tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, cho đối tượng là hộ nghèo. Trong khi đó, các DTTS trên địa bàn huyện sinh sống tập trung tại các xã, thôn biên giới, dù thuộc địa bàn khu vực I - tức là xã bước đầu phát triển, nhưng nhìn chung, đời sống của đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với dân tộc Brâu thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù dù đang sinh sống thành cộng đồng tại thôn Đắk Mế, xã Pờ Y - là xã biên giới nhưng lại thuộc khu vực I nên không được thụ hưởng diện hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng theo Tiểu dự án 9.1 - Dự án 9 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trước thực tế này, huyện Ngọc Hồi kiến nghị Trung ương xem xét mở rộng địa bàn và đối tượng thụ hưởng để đồng bào có cơ hội tiếp cận với nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026 - 2030, để có điều kiện vươn lên phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hieu-qua-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-o-ngoc-hoi-post481617.html