Tìm lại chùa xưa

Theo trang tin Phật học đời sống (www.phathocdoisong.com), hiện nay Đà Nẵng có 91 ngôi chùa, 3 tịnh xá. Ngoại trừ một số ngôi chùa mới được xây dựng từ vài thập niên gần đây như Chùa Linh Ứng Bãi Bụt (2004), Chùa Linh Ứng Bà Nà (1999), Tịnh thất Vạn Thiện (1992), Chùa Bồ Đề Thiền Viện (1995)... thì phần lớn các chùa còn lại đều thuộc dạng cổ tự.

Trong đó, có chùa ra đời từ thời Lê, Nguyễn... Mới đây, nhân mùa Phật đản 2022 (Phật lịch 2566), đối chiếu theo thông tin trên cùng tài liệu của tập sách Lược sử Phật giáo TP Đà Nẵng của tác giả Nguyên Lam Chân Tuệ Định (Nxb Tôn Giáo, năm 2008), chúng tôi đã trở lại chiêm bái một số chùa cổ tiêu biểu còn tồn tại, đã được cải tạo, trùng tu khá khang trang và ghi chép được nhiều điều thú vị.

Chùa Tam Bảo.

BIA ĐÁ CỔ Ở AN LONG TỰ

Chùa Long Thủ (nay là chùa An Long) tọa lạc trên khu đất nằm sau lưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thuộc P. Bình Hiên, được khởi dựng vào năm 1653. Vào năm 1961, chùa được trùng tu đồng thời đổi tên chùa thành An Long. Qua nhiều thời gian biến động, chùa cũ hầu như đã hoàn toàn thay đổi.

Chứng tích của chùa cũ Long Thủ, cũng là di vật quý giá của chùa hiện vẫn lưu giữ trong khuôn viên chùa là tấm bia đá cổ "Lập Thạch Bi Long Thủ Tự" được phát hiện và đặt (lại) ở vị trí cổng chùa từ năm 1903. Bia được làm bằng sa thạch, màu xám được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1658), do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu viết. Nội dung bia ghi rõ về việc xây dựng và tên họ những người đã đóng góp tiền của, đất đai để xây dựng chùa cùng danh sách những mảnh đất được cúng. Hiện nay văn bia đã có nhiều chữ phần bị mòn mờ, phải gắn lại bằng vữa xi-măng, rất may là Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã làm bản dập và Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam lưu giữ 3 bản dập. Năm 1992, Bộ Văn hóa -Thông tin đã ra quyết định công nhận bia chùa Long Thủ là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bên cạnh đó, bố cục, đề tài và mô-típ trang trí trên văn bia còn là tiêu chí có niên đại chính xác để có thể đối chiếu, nghiên cứu nghệ thuật giai đoạn nửa sau thế kỷ XVII ở Đàng Trong.

CHUÔNG CHÙA ĐÀ SƠN

Chùa Đà Sơn (Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) gắn liền với truyền thuyết dân gian và quả đại hồng chung của làng Đà Sơn. Vào những năm Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng, giặc đã dồn hết rơm rạ hai làng chất quanh ngôi chùa uy nghi châm lửa đốt, chùa cháy hơn ba ngày đêm cùng nhiều pho tượng gỗ quý đã biến thành tro bụi.

Chuông cổ Đà Sơn.

Năm 1960, chùa được xây dựng lại và đặc biệt, chiếc chuông cổ lại được người dân đào lên để thờ tự, mặc dù trải qua biết bao thiên tai, nhân họa, chiếc chuông tiếp tục được di dời qua nhiều nơi trên đất Đà Sơn. Đến năm 1993, chùa Đà Sơn được xây dựng lại khang trang thì chiếc chuông cổ mới chính thức an vị tại chùa Đà Sơn.

Theo nội dung từ dòng văn khắc chữ Hán trên thân chuông "Cảnh Hưng thập lục niên, đông quý nguyệt cốc nhật chú", chuông chùa Đà Sơn được xác định đúc vào cuối năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755), nguồn gốc: "Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện, Đà Sơn xã, toàn tựu Tây Linh tự" và do "bổn đạo toàn xã và chư thiện nam tín nữ thập phương đàn việt, cô nhi quả phụ hiến cúng…". Được biết, Đại hồng chung chùa Đà Sơn không chỉ là pháp khí dùng tại chùa trong khi hành lễ mà còn là bảo vật được ghi vào di tích đã được đăng ký bảo vệ theo Quyết định số 319/VH-TT ngày 1-12-1994 của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cấp. Đến tháng 9-2012, chùa đúc được một chiếc chuông mới nặng 852 kg để sử dụng và chuông cổ được đưa vào biệt thất bảo quản.

CHÙA QUAN THẾ ÂM VÀ BẢO TÀNG VĂN HÓA PHẬT GIÁO ĐẦU TIÊN

Chùa Quán Thế Âm được thành lập vào năm 1957, nằm ngay dưới chân núi Kim Sơn, do Hòa Thượng Thích Pháp Nhãn trùng tu. Từ năm 1995 Đại Đức Thích Huệ Vinh trụ trì đến nay.

Tại đây, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên của Việt Nam chính thức khánh thành mở cửa đón khách đến tham quan từ 24-12-2015. Bảo tàng hiện có hơn 500 hiện vật làm từ nhiều chất liệu khác nhau, có niên đại lâu đời và rất quý hiếm, do 3 đời sư trụ trì chùa Quán Thế Âm sưu tập trong 40 năm qua. Trong đó, nhiều cổ vật, bảo vật... rất có giá trị về mặt văn hóa, phản ánh đời sống văn hóa Phật giáo đối với xã hội Việt Nam và khu vực qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng đang lưu giữ nhiều hiện vật là những tượng Phật, mộc bản kinh Phật, Lư đồng thời xa xưa, đồ thờ cúng,... có niên đại từ thế kỷ VII, đến cuối thế kỷ XIX, XX".

Đặc biệt, Lễ hội chùa Quan Âm được tổ chức vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội dân gian mang đậm tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật.

CHÙA PHỔ ĐÀ - PHẬT HỌC ĐƯỜNG TẠI ĐÀ NẴNG

Chùa Phổ Đà thuộc hệ phái Bắc tông. Năm 1927, Hòa thượng Thích Tôn Thắng cho xây dựng một am thất bằng ngói lấy tên là Phổ Thiên tự, tọa lạc tại xã Bình Thuận, nay là số 340 đường Phan Châu Trinh, P. Bình Thuận, Q. Hải Châu, Đà Nẵng.

Năm 1933, Hòa thượng Thích Tôn Thắng khởi xướng thành lập Phật học đường tại Đà Nẵng để đào tạo Tăng tài bằng cách kiến thiết ngôi chùa Phổ Thiên thành một chốn thiền môn khang trang hơn so với lúc ban đầu làm cơ sở cho Hội Phật học Đà thành. Từ năm 1958, Hòa thượng phát tâm hiến cúng ngôi chùa Phổ Thiên cho Giáo hội Phật giáo Trung Phần để làm Phật học viện Trung Phần và đổi tên là Phổ Đà. Đến năm 1992, chùa Phổ Đà được gọi là Trường Trung cấp Phật học Quảng Nam- Đà Nẵng (nay là Trường Trung cấp Phật học TP Đà Nẵng). Bên cạnh hoạt động giáo dục Tăng Ni, chùa Phổ Đà là trú xứ an cư và bố tát của chư Tăng, là nơi tu học của thiện nam tín nữ với những Phật sự trọng tâm như: điểm an cư tập trung được tổ chức từ năm 1976 đến nay với mỗi mùa ACKH (an cư kiết hạ) bao gồm chư Tăng trên địa bàn thành phố.

Chùa Phổ Đà hiện nay.

CHÙA TAM BẢO - NÉT ĐẸP KIẾN TRÚC TÔN GIÁO ĐỘC ĐÁO

Chùa Tam Bảo do Hòa thượng Thích Giới Nghiêm khai sơn, được xây dựng vào năm 1953 và hoàn thành sau 10 năm. Đây là ngôi tổ đình của Phật giáo Nam tông Việt ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung. Chùa được trùng tu năm: 2001 - 2004.

Kiến trúc chính của chùa là 5 tháp cao, mỗi tháp có một màu tượng trưng cho 5 màu cờ của Phật giáo: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Tháp cao nhất của chùa Tam Bảo là nơi đặt xá lợi - xương của Đức Phật. Sân trước trồng 2 cây bồ đề. Đây là 2 cây bồ đề được chiết từ chính cây bồ đề Đạo Trường tại thánh địa Bodh Gaya Ấn Độ. Sân sau là nơi trồng 2 cây sa - la được lấy về từ Lumbini ở Nepal - nơi sinh và lớn lên của Đức Phật. Khu chính điện là nơi đặt tượng Phật Thích Ca. Hai bên là các tượng Phật khác như tượng Đức Phật thiền định, tượng Đức Phật Thích Ca trì bình khất thực, tượng Đức Phật nhập niết bàn...

Chùa Tam Bảo Đà Nẵng được xem là một trong những công trình tôn giáo gây ấn tượng với lối kiến trúc Đông Nam Á, nhưng vẫn giữ nét đẹp riêng bình dị, cổ kính của kiến trúc chùa chiền Việt Nam.

Tr.Tr.S

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tim-lai-chua-xua-post261965.html