Tìm lại hào quang cho ca trù
Việt Nam đã làm nhiều việc để chuyển ca trù từ Danh mục di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. UNESCO cũng đã 2 lần đề nghị Việt Nam cung cấp về tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp của ca trù, nhưng đến nay, ca trù vẫn chưa thể ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp...

Từ năm 2009 đến nay, hát ca trù đã có sự hồi sinh mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. Ảnh: M.H.
Hát ca trù đã được UNESCO ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp từ ngày 1/10/2009. Là người từng tham dự phiên họp tháng 10/2009 của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO tại Abu Dahbi (thủ đô của Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất), tôi nhớ trong lần xét chọn đầu tiên từ khi Công ước năm 2003 có hiệu lực, Việt Nam đã quyết định đề cử hát ca trù vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, bởi đặc điểm và giá trị của nó.
Hát ca trù còn có các tên gọi khác như: Hát ả đào, đào nương ca, cô đầu (hát ở các ca quán), nhà trò (hát ở đình, đền, miếu), nhà tơ (hát ở dinh quan, tư gia các gia đình quyền quý), cửa quyền (trong cung phủ). Sự độc đáo của ca trù bởi nó là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp, là sự phối hợp đa dạng, nhuần nhuyễn giữa thi ca, âm nhạc và đôi khi có cả múa và trò diễn. Sở dĩ, loại hình nghệ thuật trình diễn này gọi là ca trù là gọi theo hình thức diễn xướng. Nó độc đáo ở không gian nghệ thuật riêng, nhạc cụ và thể thơ riêng biệt.
Nghệ nhân ca trù sử dụng ba loại nhạc cụ là đàn đáy, phách và trống, trải qua thời gian, trở nên những nhạc cụ đặc trưng của ca trù, góp phần đưa ca trù trở thành một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. Trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu… làm mê hoặc lòng người như ca trù.
Ca trù thể hiện một ý thức về bản sắc, có tính sáng tạo, được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua các tổ chức giáo phường. Những giáo phường này đã duy trì các cộng đồng có quan hệ mật thiết, tạo nên nét đặc trưng cho ca trù.
Trải qua nhiều biến động thời gian nhưng hơn 500 năm qua, hát ca trù vẫn có một sức sống riêng bởi giá trị của nó trong văn hóa Việt Nam. Đến năm 2008, Việt Nam đã có nhiều cố gắng và có sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ hát ca trù, song sức sống của nó vẫn chưa phải ở mức cao và vẫn cần bảo vệ hơn nữa để phát triển khả năng tồn tại.
Do vậy, Việt Nam xây dựng hồ sơ quốc gia hát ca trù vào năm 2008 trình UNESCO ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. 16 năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở Trung ương và 16 tỉnh, thành phố có hát ca trù đã thực hiện khá nhiều công việc lớn để bảo vệ và phát huy giá trị của hát ca trù, nhằm thực hiện cam kết với UNESCO.
Việt Nam đã thực hiện các giải pháp: Kiểm kê và hệ thống hóa các tư liệu ca trù ở 16 tỉnh/thành có ca trù; Phục hồi và truyền dạy ca trù; Đưa nghệ thuật ca trù vào các trường phổ thông và đại học… Từ năm 2009 đến nay, hát ca trù đã có sự hồi sinh mạnh mẽ, nhờ sự chung tay của cả cộng đồng. TP Hà Nội cũng như các tỉnh tổ chức nhiều cuộc liên hoan ca trù mà theo đánh giá của ông Đặng Hoành Loan, người chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ hát ca trù trình UNESCO năm 2008, liên hoan ca trù là dịp nhìn lại thành quả “phục hưng” ca trù tại Hà Nội cũng như các tỉnh.
TP Hà Nội được coi là một trong những cái nôi ca trù lớn nhất Việt Nam. Nếu năm 2009, Hà Nội chỉ có một vài giáo phường, hoạt động cầm chừng thì đến nay đã có gần 20 câu lạc bộ (trong 63 câu lạc bộ ở cả nước) sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được trên 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy, trong đó có 8 Nghệ nhân nhân dân, 24 Nghệ nhân ưu tú… cùng hàng trăm người theo học.
Về phương diện sưu tầm, nghiên cứu, trước và sau năm 2009, nhiều công trình của các tác giả được xuất bản như hát ca trù người Việt, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế; “Việt Nam Ca trù biên khảo” của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, tái bản năm 1994; “Nguyễn Công Trứ với hát ca trù, ca trù Cổ Đạm, xưa và nay” của Phan Thư Hiền. Mới nhất là cuốn “Ả đào, một nghiên cứu về lịch sử và hệ âm luật” của Bùi Trọng Hiền xuất bản năm 2024…
Việc truyền dạy ca trù hiện nay đang được thực hiện rất tích cực bởi các nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú tại nhiều địa phương, đặc biệt ở các vùng như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình - nơi ca trù từng rất phát triển. Quỹ Ford của Hoa Kỳ cũng đã tài trợ cho một số câu lạc bộ ca trù kinh phí để thực hiện công việc truyền dạy.
Có thể nói chúng ta đã làm nhiều công việc để chuyển ca trù từ Danh mục di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. UNESCO đã 2 lần đề nghị Việt Nam cung cấp về tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp của ca trù vào các năm 2014 và 2017 nhưng theo ông Đặng Hoành Loan, đến nay, ca trù vẫn chưa thể ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Số phận của ca trù tương đối truân chuyên, sự đứt gãy trong quá khứ và chưa tương thích với xã hội hiện đại khiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống này dường như khó có thể trở lại hào quang “vang bóng một thời”. Thách thức lớn nhất là không gian cho hát ca trù không còn như thưở xưa. Chủ thể sáng tạo ca trù trong lịch sử là những nhà thơ, nhà văn tài hoa như Lê Đức Mao, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh… bây giờ không có nữa.
Chưa kể, người sáng tạo ca trù còn cần một vốn văn hóa Hán vừa sâu vừa rộng, mà hiện tại chưa dễ dàng có được. Mặt khác, việc học hát ca trù vô cùng khó khăn, cực nhọc. Theo nghệ nhân Bạch Vân, có khi chỉ một bài hát thôi, mà riêng cách nhả chữ cho thuần thục đạt được cái gật đầu của thầy dạy, trò phải học mất mấy năm, có khi cả tháng trời vẫn chưa học xong một câu.
Gắn bó với đời sống và sáng tạo của bao thế hệ nghệ nhân, ca trù đã tồn tại suốt hàng trăm năm như một di sản quý báu của dân tộc. Vì vậy, việc đưa hát ca trù ra khỏi Danh mục di sản cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO không chỉ là trách nhiệm, mà còn là mục tiêu đầy ý nghĩa, thể hiện quyết tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của thế hệ hôm nay.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có đề nghị 15 tỉnh, thành phố xây dựng Báo cáo quốc gia về bảo vệ di sản hát ca trù theo yêu cầu của UNESCO, nhằm thực hiện cam kết quốc tế sau khi di sản này được ghi danh vào Danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là một bước đi rất cần thiết trong hành trình bảo vệ di sản văn hóa độc đáo này…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tim-lai-hao-quang-cho-ca-tru-10305673.html