Tìm lại 'hồn làng': Sắc phong và câu chuyện thời gian
Văn hóa và Đời sống - Đến nay, vẫn chưa thống kê được trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn bao nhiêu sắc phong. Tuy nhiên, những sắc phong hiện đang được lưu giữ tại các di tích, phần lớn không còn nguyên vẹn, thậm chí tại một số nơi, sắc phong đã bị mất. Bảo quản sắc phong như thế nào, đang là 'bài toán' khó đối với các địa phương từ nhiều năm nay...
Anh Nguyễn Văn Hòa, Thủ từ đền Lạch Bạng với đạo sắc còn nguyên vẹn. Ảnh: Việt Anh
Thờ thần nhưng sắc phong thần không còn
Đền thờ Triệu Việt Vương - Di tích lịch sử quốc gia ở làng Trinh Hà, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) trước đây có 21 đạo sắc ban cho Triệu Việt Vương - người có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Đến nay, một số thủ từ và trưởng ban văn hóa làng qua các thời kỳ ở làng Trinh Hà vẫn không lý giải được vì sao 21 sắc phong này lại bị mất chỉ trong 1 đêm. Ông Đỗ Văn Chân, thủ từ đền thờ Triệu Việt Vương, nhớ lại: “Lúc bấy giờ, tôi là Trưởng Ban văn hóa làng Trinh Hà. Vào lễ kỵ thần 13-8 (âm lịch), năm 2001, tức ngày mất của vua Triệu Việt Vương, 21 sắc phong đã được mang từ nơi cất giữ ở nhà một người cao tuổi trong làng xuống đền. Nhưng sang ngày 14 thì 21 sắc phong đã bị mất”.
Còn tại đền thờ Tướng công Lê Thành - Di tích lịch sử cấp quốc gia ở làng Định Hòa, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), thờ người đã lập nhiều công trạng phò vua, giúp nước, là một trong 94 người được ban Quốc tính (mang họ Vua Lê Lợi). Thời điểm năm 2013, di tích còn lưu giữ 5 đạo sắc của các đời vua phong tặng cho Tướng công Lê Thành. Tuy nhiên, vào năm 2014 thì 5 sắc phong bị mất. Hiện ở phường Đông Cương chỉ còn lưu bản dịch của 5 đạo sắc này. Nhắc lại câu chuyện sắc phong, ông Lê Văn Tấc, thủ từ đền thờ Tướng công Lê Thành, thở dài: “Năm 2013, tôi được bàn giao trông coi đền thờ tướng công, trong đó có 5 sắc phong. Vào tháng 6 năm 2014 thì trộm cạy cửa đền lấy đi toàn bộ số sắc phong này. Tôi ân hận suốt nhiều năm qua và lúc nào cũng nghĩ là bản thân có tội với làng. Sắc phong như “báu vật” của làng mà tôi lại không giữ được"...
Không chỉ mất, những sắc phong được lưu giữ đến hôm nay, phần lớn đã bị mối mọt, hư hỏng. Vấn đề đặt ra là ứng xử với những đạo sắc này ra sao, bảo quản như thế nào, đây vẫn được xem là “bài toán” khó.
Trăn trở với đạo sắc...
Đền thờ dòng họ Lê Đình ở xã Trung Chính (Nông Cống) hiện còn lưu giữ 17 sắc phong dưới thời Lê, Nguyễn, ban sắc cho ông Lê Đình Túc, đỗ thứ hai đệ tam giáp đồng tiến sĩ, xuất thân khoa thi năm Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Hưng thứ 12 (1589). Ông làm quan đến chức Thượng thư, tước hiệu Quận Công (theo văn bia lưu tại Văn Miếu, Hà Nội, danh mục 1572). Trong số 17 đạo sắc này, hơn nửa đã bị rách, mối mọt. 17 đạo sắc được bọc bên ngoài một tấm vải đỏ và đựng trong một tráp gỗ. Những sắc phong được xếp chồng lên nhau và do độ ẩm của giấy nên khi tách rời thường khó khăn, nếu không cẩn thận rất dễ bị rách. Theo anh Lê Đình Tâm, Trưởng Ban Trị sự dòng họ Lê Đình: “Rất ít khi chúng tôi mang ra xem. Trước việc sắc phong bị hư hỏng thì dòng họ cũng không biết làm gì để bảo quản tốt hơn. Cách đây vài năm, chúng tôi đã chụp lại rồi mang photo và đóng khung kính treo lên tường để con cháu biết đến công lao của các vị tiền bối và cũng là đề phòng, nếu bản sắc phong gốc bị hư hỏng nặng hơn thì vẫn còn bản photocopy lưu lại”...
Đó cũng được xem là cách bảo quản thông dụng mà nhiều di tích trên địa bàn tỉnh đang thực hiện. Còn tại Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh quốc gia đền Lạch Bạng ở phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn), còn lưu giữ 32 đạo sắc từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX, nhưng hiện phần nửa đã bị hư hỏng nặng. Vào năm 2016, 32 đạo sắc này đã được dịch nghĩa.
Đặc biệt, trong nhiều năm qua, đền Lạch Bạng đã đón nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị của 32 sắc phong này, trong đó có các Giáo sư sử học Lê Văn Lan, Trần Lâm Biền... Đứng trước thực trạng nhiều sắc phong đã bị mối mọt, hư hỏng, thủ nhang đồng đền Lạch Bạng, anh Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Vào ngày 25 tháng Chạp hàng năm, ban quản lý đền lại mang sắc ra để kiểm tra. Nếu sắc phong nào mối mọt sẽ cất riêng vào một hòm sắt. Sắp tới, đền đang dự kiến sẽ mời đội phục chế sắc phong của Thái Bình và Bắc Ninh để phục hồi lại những đạo sắc đã bị hỏng. Giấy sắc sẽ được làm lại như giấy sắc cổ, nét chữ của triều đại nào sẽ được viết đúng triều đại đấy... Tôi đang hy vọng rất lớn ở lần phục chế này”.
Đình làng Thanh Nga, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) là một trong rất ít ngôi đình có số lượng sắc phong lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Một thời gian dài, người trong làng không nhìn thấy một tờ sắc phong nào, họ cứ ngỡ đã mất. Ông Nguyễn Văn Trụ (1953) là trưởng làng giai đoạn 1995- 2000, đến nay vẫn không quên cảm giác sung sướng và hãnh diện. Đó là năm 1999, làng có tiến hành sửa chữa và phát hiện ra 47 sắc phong được đựng trong ống nứa cất kỹ trên mái đình. Trong đó, đạo sắc phong cổ nhất được cấp vào ngày 20 tháng 12 năm Phúc Thái thứ 4 (1646), còn đạo sắc phong có niên đại gần đây nhất được cấp vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Ngay sau đó, 47 sắc phong này đã được đưa ra Viện Hán Nôm để dịch. Ông Trịnh Văn Ba (SN 1952), trưởng ban quản lý di tích làng bộc bạch: “Chúng tôi cất kỹ lắm. Số sắc phong này quý hơn cả vàng bạc. Từ khi phát hiện ra số sắc phong, nhiều cơ quan chức năng đã về xã thẩm định, chụp hình, nói thật chúng tôi rất sợ bị mất cắp. Vì trước đó, đình làng đã bị mất con ngựa đá và một vài đồ cổ khác. Chính vì thế khi các đoàn đến, chúng tôi ít nhất có 3 người trong làng đứng trông giữ. Đã có người hướng dẫn chúng tôi mua giấy chống ẩm, cuộn từng cái một, trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ làm”.
Việc bảo quản sắc phong, từ phía các nhà làm công tác quản lý văn hóa, cũng chưa đưa ra một cách làm cụ thể. Theo chia sẻ của ông Đặng Minh Thư, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nông Cống: “Hiện địa phương còn lưu giữ 50 sắc phong, trong đó nhiều sắc phong không còn nguyên vẹn. Huyện cũng đang dự định sẽ chụp, photo lại những sắc phong này để đưa về trưng bày tại trung tâm huyện”. Còn theo bà Dương Thị Hằng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Nghi Sơn: “Thực tế, các di tích mới dừng ở việc giữ sắc phong còn cách bảo quản như thế nào là không có. Thị xã cũng đang xây dựng cơ chế hỗ trợ, giúp các di tích có điều kiện bảo quản tốt hơn"...
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, nơi đang lưu giữ, bảo quản 138 đạo sắc có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, được sưu tầm từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Hiện bảo tàng đã lựa chọn một số sắc phong trưng bày trang trọng tại phòng trưng bày “Thanh Hóa từ thế kỷ X - XIX” để phục vụ khách tham quan. Ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Trong những năm qua, với những sắc phong này đã được bảo quản trong tủ chuyên về quản lý tài liệu, ở nhiệt độ 27 - 29 độ C, tránh được ẩm mốc, hư hỏng. Chúng tôi đã đến nhiều nơi và thấy rất tiếc khi phần lớn sắc phong đã bị mối mọt. Nếu vậy sẽ mất đi nguồn tư liệu quan trọng cho nghiên cứu tín ngưỡng dân gian thờ cúng, tôn vinh thần linh, những người có công với dân, với nước"...
Ông Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Thanh Hóa: Do khí hậu của Việt Nam nên về lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến những sắc phong. Trước, các cụ bỏ sắc phong vào ống gỗ và sơn nên không bị ẩm. Hiện, có nơi bỏ sắc phong vào ống nhựa hoặc nilon thì sẽ bị hấp hơi, lá sắc sẽ nhanh hỏng. Với những đạo sắc đã bị mối mọt, các địa phương phải có kế hoạch cùng Viện nghiên cứu Hán Nôm bồi trúc lại. Còn những sắc phong đang lành phải tiếp tục bảo quản trong ống gỗ đã được sơn. Nếu không được bảo quản thì sắc phong có nguy cơ bị hủy hoại...